> Ông Đoàn Văn Vươn từng được bồi thường
Những quy định pháp luật về đất đai mang tính cải cách, có lợi cho nông - ngư dân, đã được áp dụng trên toàn quốc nhiều năm nay, dường như chưa có hiệu lực ở huyện Tiên Lãng...
Vợ con ông Vươn ăn tết trong chiếc lều dựng tạm trên khu đất căn nhà 2 tầng đã bị phá. Ảnh: Quang Vinh. |
Cảnh báo trước, sao không tránh được?
Ngày 30-11-2011, Liên chi hội nuôi trồng thuỷ sản nước lợ (LCHNTTSNL) huyện Tiên Lãng đã có công văn số 01/2011/CVLCH, do ông Dương Văn Trong - Phó chủ tịch LCHNTTSNL ký, gửi tới nhiều vị lãnh đạo, nhiều cấp, nhiều ngành, trình bày quan điểm của Ban chấp hành LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng về việc UBND huyện ban hành 02 Quyết định (ngày 24-11-2011) cưỡng chế thu hồi đất hai chi hội viên Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân.
Thời điểm này, việc cưỡng chế đối với ông Vươn, cũng như việc một số người quyết liệt chống trả đoàn cưỡng chế, đã diễn ra. Đọc lại văn bản nêu trên của LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng, không khỏi giật mình, bởi việc chống trả đoàn cưỡng chế đã được cảnh báo trước!
Xin trích dẫn một phần nội dung văn bản của LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng: “Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hai hội viên được Nhà nước thừa nhận, Ban chấp hành LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng (...) chúng tôi tuyên bố: Chúng tôi sẽ giáng trả đến cùng bằng tất cả phương tiện gì với tất cả những ai lợi dụng danh nghĩa chính quyền, cố tình lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của công dân có tổ chức”.
Lẽ nào chuyện “đối đầu” giữa ngư dân và chính quyền địa phương là bất khả kháng? Những người trong đoàn cưỡng chế hôm đó, họ có được cho biết trước sẽ có chống trả quyết liệt, để mà phòng bị? Có nhất thiết phải áp dụng “biện pháp mạnh” rồi phải trả giá 06 người bị thương tích?
“Chấp nhận ăn thua” với những người nuôi trồng thuỷ sản là sự nhất trí, là sự quyết tâm của đông đảo cán bộ cơ quan ban ngành huyện Tiên Lãng, hay chỉ xuất phát từ động cơ cá nhân của một vài người mà thôi?
Chưa hết câu hỏi. Các cá nhân, cơ quan nhận được văn bản này đã làm gì, để sự việc đáng tiếc hôm 05-01-2012 không xảy ra? Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Trung ương hội nghề cá Việt Nam (một trong những nơi nhận được văn bản) đã có công văn gửi UBND TP Hải Phòng, “kính đề nghị xem xét, có biện pháp giải quyết thỏa đáng, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nông ngư dân đã được pháp luật quy định”.
Tiếc rằng, công văn này gửi đi hơi muộn, nó đề ngày 30-01-2012, khi việc cưỡng chế và chống trả cưỡng chế đã diễn ra mất rồi.
“Luật trung ương” và “luật địa phương”
Ngày 20-01-2012, LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng lại có tiếp văn bản “Báo cáo sự thật về việc giao đất, thu hồi đất, giải quyết khiếu nại, cưỡng chế đầm nuôi trồng thuỷ sản của UBND huyện Tiên Lãng”, người ký vẫn là ông Lương Văn Trong. Giống văn bản trước, văn bản này được gửi tới nhiều vị lãnh đạo, nhiều cấp, nhiều ngành.
Việc giao đất, thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn đang được các cơ quan chức năng liên ngành xem xét, đúng sai sẽ có kết luận trong thời gian tới. Tiền Phong xin tóm lược một số nội dung trong văn bản nêu trên để bạn đọc được biết quan điểm của LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng - một tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp đông đảo người nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Tiên Lãng, trong đó có ông Đoàn Văn Vươn.
Về việc giao đất cho người nuôi trồng thuỷ sản, theo LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng, ngay từ năm 1993, UBND huyện đã ban hành quy định số 497, trong đó có nội dung: “Khi hết thời hạn sử dụng đất phải bàn giao lại toàn bộ mặt bằng và các công trình phục vụ sản xuất, vật liệu kiến trúc, xây dựng trong phạm vi đất được giao cho Nhà nước quản lý và sử dụng, Nhà nước không thanh toán giá trị tài sản còn lại cho chủ sử dụng đất đã hết thời hạn”.
Theo LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng, quy định trên của UBND huyện không tuân thủ Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành; ngay từ thời điểm được ban hành, nó đã bị đông đảo người nuôi trồng thuỷ sản trong huyện phản đối. (PV Tiền Phong đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia pháp luật, họ đều có chung nhận định: Quy định 497 không phải là văn bản pháp quy; nội dung được trích dẫn trên đây không phù hợp với Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Đất đai 1993 có hiệu lực thi hành từ 15-10-1993).
Còn nữa
MTTQ Việt Nam sẽ phản biện Trao đổi với báo chí chiều qua (31-1), ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQVN cho biết, Ủy ban chưa nhận được báo cáo của Đoàn giám sát về việc cưỡng chế đất thu hồi tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Cũng theo ông Vũ Trọng Kim, đây là việc của cơ quan bảo vệ pháp luật và những cơ quan này phải có kết luận trước. “Mặt trận sẽ phản biện báo cáo về vụ việc này chứ không kết luận vấn đề. Mặt trận phải làm theo chức năng của mình, phải phản biện những kết luận của chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật” - ông Kim nói. Cùng ngày, Đoàn cán bộ của Bộ TN&MT đã bắt đầu làm việc với Sở TN&MT TP Hải Phòng, nhằm làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn. |