Thượng tá biên phòng kể chuyện bắt sát thủ tiệm vàng
>Bạn đọc nghi ngờ Lê Văn Luyện có đồng bọn
>Toàn cảnh vụ thảm sát, cướp tiệm vàng qua ảnh
Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ, đồn trưởng đồn biên phòng Na Hình kể lại hành trình truy tìm kẻ giết người. |
Tối 29 - 8, nhận được điện của Phó trưởng Công an huyện Văn Lãng về việc phối hợp truy bắt đối tượng Luyện có dấu hiệu lẩn trốn tại địa bàn của Đồn Biên phòng Na Hình quản lý, ngay lập tức, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Na Hình đã tập trung lực lượng, đánh giá nhanh phương hướng, đường đi đối tượng có thể lẩn trốn.
Ngay đêm đó, toàn bộ cán bộ chiến sỹ của đồn Đồn Biên phòng Na Hình rà soát ba xã Thanh Long, Trùng Khánh, Thụy Hùng (thuộc Đồn Biên phòng Na Hình quản lý), trong đó đặc biệt chú ý vợ chồng người cô ruột của Lê Văn Luyện là Lê Văn Nghị, 31 tuổi và Lê Thị Định, 29 tuổi, trú tại bản Nà Tổng, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Ngay lập tức, hai cặp vợ chồng này được triệu tập để lấy lời khai, tuy nhiên, chú rể của Luyện chỉ nói rằng Luyện có gọi điện nói lên chơi và nhờ Nghị ra chợ Na Hình đón.
Ở nhà cô chú chơi vài ngày, sáng 28 - 8, Luyện xin phép về dưới xuôi với mục đích đi vào Nam làm ăn. Lê Văn Nghị còn nói, chính anh ta là người đèo Luyện ra chợ Na Hình để đón xe về xuôi.
Chợ Na Hình nằm sát đường biên giới, liệu lời khai của Nghị có đúng sự thật hay chỉ là sự nghi binh để Luyện trốn ra nước ngoài hoặc đi đâu đó?
Sau khi phán đoán, các chiến sỹ đồn biên phòng Na Hình nhận định có thể hung thủ đã đi theo đường tiểu ngạch, sang bên kia biên giới lẩn trốn.
Nếu đúng Luyện trốn sang Trung Quốc, nghi phạm này không thông thuộc địa bàn Trung Quốc, không biết tiếng Trung, tiền trong người không có, chắc chắn không thể ở Trung Quốc lâu. Từ nhận định này, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Na Hình phán đoán Nghị sẽ phải sang Trung Quốc tiếp tế cho Luyện.
Đồn Biên phòng Na Hình nhận được thông tin, ngày 28 - 8, khi đang lang thang ở cửa khẩu Na Hình để đợi xe về Hà Nội, Luyện gặp Hoàng Văn Trai, 33 tuổi, bạn của Lê Văn Nghị và hai người này đi với nhau. Trai là người bản xứ, rất thông thạo địa bàn nên các trinh sát đã nhận định, Luyện đã được Trai đưa sang Trung Quốc.
Trong khi lực lượng biên phòng đoán đúng hướng đi của Luyện thì các trinh sát trong Ban chuyên án nhận được nguồn tin cách đó ít hôm, Luyện bán chiếc điện thoại cho một cửa hàng điện thoại di động ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Theo lời khai của người chủ cửa hiệu, thì chiếc điện thoại này được một nam thanh niên nhìn khuôn mặt khá sáng sủa, đẹp trai mang đến bán với giá 100.000 đồng. Qua nhận diện, chủ hiệu mua bán điện thoại khẳng định, đó chính là Lê Văn Luyện.
Công an tỉnh Bắc Giang, Cục hình sự và Đồn Biên phòng Na Hình đã phát hiện, trước khi bán điện thoại, Luyện còn gọi điện cho chú rể và nói: “Đây sẽ là cuộc điện thoại cuối cùng cháu gọi cho chú và gia đình”. Với những thông tin này, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Na Hình khẳng định chắc chắn Nghi và Trai liên quan đến việc trốn chạy của Luyện nên hai đối tượng này được đưa vào “tầm ngắm”.
Ngày 31 - 8, Lê Văn Nghị làm thủ tục sang Trung Quốc qua trạm biên phòng của đồn Na Hình. Ngay lập tức, lực lượng biên phòng, phối hợp với công an đã triển khai ba mũi mai phục dọc biên giới Việt – Trung.
14h ngày 31 - 8, tất cả khu vực vành đai biên giới khu vực Na Hình đã được các trinh sát phong tỏa. Đến 16h, đúng như dự đoán, mũi công tác số 3 của Đồn Biên phòng Na Hình phát hiện một nam thanh niên trong trang phục quần bò, áo xanh nõn chuối đi bộ trà trộn với một số người dân địa phương đi từ Trung Quốc về Việt Nam qua đường tiểu ngạch tại mốc giới 1057.
Khi thanh niên này đi đến đoạn đường cách đường biên giới về phía Việt Nam 50m thì bị tổ công tác của Đồn Biên phòng Na Hình bắt giữ.
Thượng tá Nhạ cho biết, tại thời điểm tra tay vào còng số 8, Lê Văn Luyện không hề chống cự song có lẽ do quẫn trí và vì áp lực từ dư luận và chính trong lương tâm mà khi bị đưa lên xe về đồn, Luyện đã nói với Thượng tá Nhạ: “Các chú hãy bắn cháu đi”.
Thượng tá Nhạ liền đáp lại: “Không ai bắn cháu cả. Nhưng cháu phải trở về để chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mấy ngày qua cháu có thể không xem ti vi, không đọc báo nên không biết tin tức gì về gia đình. Cháu gọi điện về nhà nhờ bố cháu cất vàng, nên bố mẹ cháu vì cháu mà đều bị liên lụy. Bố mẹ cháu đã bị bắt, vì che giấu hành vi phạm tội của cháu. Cháu có trách nhiệm trở về, đối diện với tội lỗi mình đã gây ra, khai báo thành khẩn để giúp bố mẹ cháu được nhẹ tội. Cháu cũng là anh cả trong nhà, hãy cư xử cho đúng một người anh lớn”.
Khi nghe được câu nói của Thượng tá Nhạ, Lê Văn Luyện ngoan ngoãn về đồn Na Hình. Trên đường đi, anh đã trò chuyện với Luyện rất cởi mở, cố gắng để Luyện có một tâm lý tốt nhất để đối diện với những sự việc tiếp theo sau này.
Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ nói, khi gặp và tiếp xúc với Lê Văn Luyện, anh thực sự không thể tin Luyện có thể gây ra những tội ác kinh hoàng như thế. Luyện ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép, gương mặt thư sinh, hiền lành.
Khi Thượng tá Nhạ hỏi Luyện vì sao lại gây ra tội ác kinh khủng đó, Luyện đáp: “Chính cháu cũng không hiểu tại sao cháu lại làm việc đó. Cháu như bị ma quỷ xui khiến”.
Theo Phong Anh
Báo Đất Việt