Bắt vụ mua bán trái phép gần 400.000 USD

Bà Lê Thanh Hương tại trụ sở công an
Bà Lê Thanh Hương tại trụ sở công an
TP - Ngày 9-3, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, cho biết cơ quan này vừa điều tra làm rõ và lập hồ sơ xử lý vụ mua bán trái phép gần 400 ngàn USD tại Hà Nội.

>> Xóa chợ đen USD

Bà Lê Thanh Hương tại trụ sở công an
Bà Lê Thanh Hương tại trụ sở công an.

Tướng Lực cho biết, ngày 8-3 Cục CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C46) phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang bà Dương Thị Thùy Trang và bà Nguyễn Thị Thu Huyền đang giao dịch mua bán 390.500 USD với các ông Nguyễn Ngọc Tuấn và Đào Mạnh Quân để lấy hơn 8,4 tỷ đồng.

Những người này không xuất trình được giấy phép mua bán ngoại tệ. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu mua bán ngoại tệ trái phép, tổ công tác đã lập biên bản thu giữ, niêm phong số ngoại tệ và tiền mặt trên để xử lý.

Qua điều tra bước đầu, công an xác định Trang và Huyền là nhân viên Cty TNHH Đầu tư thương mại Khương và Lê, do bà Lê Thanh Hương làm Giám đốc. Số tiền 390.500 USD trên là tiền gửi tiết kiệm của bà Hương tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, chi nhánh Hà Nội (Eximbank Hà Nội).

Bà Hương ủy quyền cho Trang và Huyền rút 390.500 USD trên để bán cho Nguyễn Ngọc Tuấn và Đào Mạnh Quân (cả hai là nhân viên tiệm vàng Thành Trung, ở 110 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) với giá 21.580 đồng/USD. Việc mua bán giao nhận tiền diễn ra tại địa điểm Eximbank Hà Nội.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm trên toàn quốc, nhất là lực lượng cảnh sát kinh tế triển khai mạnh mẽ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, bắt giữ, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước trong mua bán, trao đổi, giao dịch ngoại tệ.

Bộ Công an cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính và những ban ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi niêm yết giá sản phẩm, quảng cáo, giao dịch mua bán sản phẩm bằng ngoại tệ, trái quy định của Nhà nước.

Ngân hàng giải trình ra sao?

Trả lời Tiền Phong, liệu có sự tiếp tay của ngân hàng trong phi vụ mua bán này, đại diện Eximbank nói: “Theo quy định hiện nay, cá nhân được quyền giữ ngoại tệ, mang theo ngoại tệ hoặc mua bán ngoại tệ với ngân hàng, việc cá nhân đó rút ra bán cho người khác chúng tôi không thể kiểm soát được giao dịch đó”.

Cuối chiều qua, Eximbank cũng đã có văn bản giải trình gửi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tại văn bản này, Eximbank cho biết: 14 giờ 25 ngày 8- 3, khách hàng Lê Thanh Hương đến Eximbank Hà Nội rút tiền từ sổ tiết kiệm với tổng số tiền là 390,607.80 USD.

Đến 15 giờ 30, khách hàng Nguyễn Thị Thu Hiền mang 8.427.000.000 đồng đến quầy thu tiền đồng của Eximbank Hà Nội nộp. Sau khi bà Hiền lập bảng kê tiền và đưa vào quầy thu ngân, thủ quỹ ngân hàng đã nhận số tiền trên. Tuy nhiên, khi việc kiểm đếm chưa được thực hiện thì cán bộ công an tới thu hồi lại số tiền.

Theo Eximbank, việc xử lý nghiệp vụ khách hàng rút tiền tiết kiệm và nộp tiền vào tài khoản của chi nhánh Hà Nội là đúng quy trình, quy định; cán bộ chi nhánh Hà Nội không biết việc mua bán ngoại tệ của khách hàng diễn ra tại sảnh cơ quan.

Thị trường tự do đang chui sâu

Hiệu ứng từ vụ việc trên, theo tìm hiểu của PV tại Hà Nội, thị trường USD tự do tại các phố như Hà Trung, Trần Nhân Tông hay các điểm thu đổi lẻ trên phố Đinh Lễ hôm qua đã dừng hẳn. Một số đại lý chuyển sang giao dịch ngầm tại nhà (nhưng số lượng phải từ 5.000 USD trở lên), hoặc phải khách ruột mới giao dịch. Thị trường USD chợ đen chuyển ra hoạt động tại một số điểm xa trung tâm, ngoại thành. Theo khảo sát, tại một số điểm như thế này, giá USD bán ra sáng qua là 21.620 đồng/ USD.

Còn tại TPHCM, theo khảo sát của phóng viên, chiều 9-3 một số tiệm vàng xung quanh khu vực chợ Bến Thành vẫn giao dịch mua bán ngoại tệ, nhưng kín đáo hơn. Thay vì nghiễm nhiên nhận, đếm, soi tiền ngay trên quầy như trước, các chủ tiệm vàng này đã thận trọng “núp” xuống phía dưới quầy để kiểm tra tiền.

Một chủ tiệm vàng trên đường Nguyễn Trung Trực (quận 1) nói: “Khách quen thì vẫn mua bán vô tư, còn với khách lạ, nhất là khách giao dịch lớn thì phải cẩn thận”. Các chủ tiệm vàng cũng cho biết, trong mấy ngày nay, lượng khách mua bán USD rất ít, nhiều tiệm cả ngày không có giao dịch.

Thị trường trầm lắng nên giá USD cũng giảm mạnh. Giá giao dịch cuối ngày hôm qua dao động quanh 21.350 – 21.500 đồng/USD, giảm lần lượt 200 – 120 đồng mỗi USD so với buổi sáng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, các lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra, tuy nhiên chưa có phát hiện vi phạm nào.

 - Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép và sử dụng cho các mục đích hợp pháp khác.

- Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc và nhận tiền lãi bằng ngoại tệ tiền mặt.

-Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.