An Giang: Bê bối tài chính ở Trường Chính trị

Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
TP - Như tin đã đưa, ngày 10-2, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang bắt đầu kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng bộ Trường Chính trị Tôn Đức Thắng (Trường Chính trị TĐT) và các cá nhân liên quan.
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.

Quỹ đen nhiều tỷ đồng

Đầu năm 2009, ông Quách Văn Phá, Trưởng phòng Hành chính Quản trị Trường Chính trị TĐT, đi công tác. Lúc trở về, ông phát hiện trong thời gian đi công tác, bà Phó hiệu trưởng Võ Thị Nên đã trực tiếp điều hành công việc của phòng và lấy hơn 67 triệu đồng từ quỹ dịch vụ để “chi phí công tác đối nội đối ngoại của Ban giám hiệu”. Phiếu chi được Hiệu trưởng Đỗ Thanh Nhã ký duyệt. Ông Phát đề nghị làm rõ, mới được giải thích là số tiền ấy chủ yếu cho Hiệu trưởng tạm ứng và mua máy tính xách tay cho 3 vị hiệu phó.

Khoản tiền trên chính là khoản tiền còn lại của lớp Lao động-Xã hội mở trong thời gian 2006-2008. Lớp này là liên kết giữa Trường Trung học Lao động-Xã hội và Trường Chính trị TĐT, có 100 học viên, học phí mỗi người một năm 2,4 triệu đồng do ngân sách cấp. Tổng cộng học phí 480 triệu đồng, Trường Chính trị TĐT được chia 30% là 144 triệu đồng để “giúp cho việc quản lý lớp”. Tuy nhiên, số tiền chi cho lớp học chỉ 26,9 đồng (gần 18,7%), còn chi cho Ban giám hiệu và một số cán bộ 22,5 triệu đồng (hơn 15,6%), còn lại hơn 67 triệu đồng Hiệu phó Nên chi nốt.

Sau phát hiện này, cán bộ của trường yêu cầu công khai tài chính vì từ lúc thành lập trường năm 1985, chưa hề công khai. Tháng 4-2010, Ban giám hiệu có “Báo cáo công khai kinh phí các lớp” với cán bộ chủ chốt của trường, kê ra 23 lớp “liên kết” từ năm 2003 đến 2011 (nhiều lớp lúc đó đang học) thu được gần 2,9 tỷ đồng. Trong đó, đã chi hơn 1,8 tỷ đồng với tỷ lệ cho Ban giám hiệu phần nhiều, tất cả để ngoài sổ sách kế toán.

Việc chi tiêu theo quy định do Ban giám hiệu đặt ra, mà “Quy định” mới nhất Phó hiệu trưởng Võ Thị Nên ký ngày 1-1-2007. Theo đó, học phí thu từ các lớp liên kết, Trường Chính trị TĐT được hưởng “phí quản lý” 35%, số tiền này “chi lại” cho đơn vị liên kết 1/3, còn lại giữ ở trường để chia nhau như đã kể.

PV Tiền Phong thu thập được “Hợp đồng mở lớp Trung cấp Hành chính hệ tại chức” ký ngày 13-8-2007 giữa Trường Chính trị TĐT với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Chợ Mới. Lớp có 80 học viên, thời gian học 26 tuần. Kèm hợp đồng là “Bảng dự trù kinh phí” liệt kê chi tiết nhiều khoản, tổng cộng hơn 158 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ chi cho lớp học xấp xỉ 50 triệu đồng, còn hơn 100 triệu đồng dành chia nhau theo “quy định” của Trường Chính trị TĐT.

Lại còn có nhiều lớp liên kết với ban ngành đoàn thể, như các lớp bồi dưỡng chuyên viên lấy ngân sách từ Sở Nội vụ, Trường Chính trị TĐT thừa nhận “chi hộ sau đó giao toàn bộ chứng từ cho Sở Nội vụ quyết toán”. Những năm qua, có hàng trăm lớp liên kết, việc thu chi chưa được làm rõ, số tiền nhiều tỷ đồng.

Công tác cán bộ có vấn đề?

Dư luận rất bức xúc vì Trường Chính trị TĐT là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho địa phương. Mỗi năm trường tổ chức trên dưới 50 lớp từ đại học trở xuống, cho 3.000 - 4.000 cán bộ từ cấp xã trở lên.

Theo tố cáo của một số cán bộ trường này, chất lượng đào tạo của trường bị xem nhẹ, trước hết thiếu chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhiều người là tiến sỹ, thạc sỹ, giảng viên chính, giảng viên cao cấp nhưng trình độ hạn chế.

Đơn tố cáo của cán bộ trường viết: Họ không biết đọc, viết, nghe ngoại ngữ; chưa thông thạo sử dụng máy vi tính. Cá biệt, có cán bộ chưa tốt nghiệp THPT nhưng có 2 bằng đại học (Luật và Hành chính). Công tác cán bộ ở trường cũng gây nhiều phản ứng.

Giữa năm 2010, Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh An Giang cử một tổ kiểm tra để giải quyết đơn thư tố cáo của cán bộ trường. Về tài chính, mới xem xét báo cáo của trường về 23 lớp liên kết và đánh giá “sai về thủ tục, nguyên tắc tài chính” nhưng lại chỉ yêu cầu “nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Về công tác cán bộ, Tổ kiểm tra đánh giá “tuân thủ khá nghiêm túc quy trình” nhưng ông Quách Văn Phát nói: “Tôi nguyên là Trưởng phòng Hành chính không được phát phiếu thăm dò theo quy trình công tác cán bộ, nên nói làm đúng quy trình là sai sự thật”. Xin nói thêm, ông Quách Văn Phát sau khi phát hiện Ban giám hiệu lấy hơn 67 triệu đồng chia nhau hồi đầu năm 2009, cuối năm đó bị điều sang làm Phó phòng Đào tạo.

Giải thích về kết luận của Tổ kiểm tra, Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh An Giang Nguyễn Văn Xe nói: “Do không có chức năng nên chúng tôi không đi sâu kiểm tra”.

Theo ông Xe, vụ việc lẽ ra phải do Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra nhưng Chủ nhiệm Ủy ban là người nhà của ông Hiệu trưởng nên mới chuyển về cho Đảng ủy Dân Chính Đảng. Hiện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã vào cuộc và dư luận hy vọng vụ việc sẽ sáng tỏ, xử lý đúng quy định để củng cố trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vun đắp tình đoàn kết, mở rộng hợp tác thanh niên Việt Nam - Campuchia
Vun đắp tình đoàn kết, mở rộng hợp tác thanh niên Việt Nam - Campuchia
TPO - Đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Đoàn do Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Ban Thanh niên Đảng Nhân dân Campuchia và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia. Nhiều nội dung liên quan đến vun đắp, phát huy mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, mở rộng lĩnh vực tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác thanh niên Việt Nam – Campuchia đã được trao đổi, chia sẻ.