Xuất hiện tại phiên xử phúc thẩm sáng nay (13-10) Nghĩa sút hơn 10kg. Ảnh: Bảo Thắng |
Hy vọng mong manh
Theo lời kể của các cán bộ quản giáo Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội, Nghĩa tâm sự với họ: "Tôi thèm khát tự do hơn bao giờ hết. Khoảnh khắc ngồi trong buồng biệt giam (Trại giam số 1 - Công an Hà Nội) nghe tiếng pháo hoa nổ rền ở sân vận động Mỹ Đình, tôi thèm muốn đến bồn chồn. Nếu là ngày xưa, chắc tôi đang háo hức sửa soạn để cùng người yêu đi dạo phố. Giờ ngày đó không bao giờ xảy ra với tôi nữa. Mặc dù đã xác định là mình sẽ phải chết rồi nhưng tôi vẫn nhớ điều cha tôi nói: "Cha chỉ có mình con, nếu con chết, cha cũng không sống nổi mất".
Nghĩa từng tỏ ra thản nhiên suốt phiên xử sơ thẩm một cách phản cảm. Y khai tường tận về hành vi giết người yêu cũ, sau đó cắt từng bộ phận cơ thể của nạn nhân, đem giấu lên tầng thượng khu chung cư G4. Thế nhưng, khi về đến cổng trại giam, Nghĩa đột ngột ngã lăn ra đất, giãy đành đạch, vật vã. Các bác sĩ xúm vào cấp cứu, điều trị vài tiếng sau thì Nghĩa hồi tỉnh dần.
Họ kết luận, y chỉ bị cảm nắng. Cả tuần sau đó, Nghĩa không ăn gì, cũng không ngủ được, người gầy rộc đi. Quá khứ tội lỗi thực sự khiến Nghĩa kiệt quệ tinh thần. Theo Nghĩa, những gì y biểu hiện ra trước chốn đông người chỉ là sự cố gắng chống đỡ cuối cùng.
Nghĩa tâm sự với cán bộ: "Sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, tôi dần lấy lại được tâm trạng thăng bằng. Tôi hiểu hơn ai hết tội ác mà mình gây ra phải chịu kết quả như thế nào và chấp nhận cả cái chết đang từ từ đến với mình. Cán bộ trại giam, bố trí cho tôi ở cùng một phạm nhân khác, vì thế mà tôi cảm thấy đỡ trống trải hơn. Bố mẹ tôi cũng động viên rằng đằng nào thì sự việc cũng đã rồi. Tội lỗi thì bố mẹ kiểu gì cũng phải tha thứ, mong tôi ở đây cố gắng giữ gìn sức khỏe, tuân thủ kỷ luật của trại".
Kháng cáo vì cha
Nghĩa thừa nhận, những lời cuối cùng y nói trước toà là thật lòng. Y không muốn thanh minh, không muốn bào chữa cho hành vi phi nhân tính của mình. Nhưng ngay sau đó, cha Nghĩa đã khóc. Vẻ mặt đau đớn của ông làm Nghĩa phải chấp nhận viết đơn xin kháng cáo. Với nguyên nhân ấy, Nghĩa không hiểu nổi làm sao mà từ đó, một hy vọng sống cứ mong manh xuất hiện. Điều Nghĩa nghĩ đến nhiều hơn, khao khát nhiều hơn đó là nhận được sự tha thứ của gia đình nạn nhân.
Nghĩa nói: "Thực ra tôi thấy hình phạt mà HĐXX phiên sơ thẩm tuyên là hoàn toàn thích đáng. Vì thế nên tôi đã không làm đơn chống án ngay. Mãi tận hơn 10 ngày sau, nghĩ lại lời người cha tôi nói tôi mới viết".
Nghĩa bộc bạch: "Hàng ngày tôi vẫn cầu nguyện, tạ lỗi với vong hồn người đã khuất và chờ đợi vận may, chờ đợi sự đồng cảm, tha thứ". Tuy nhiên, bản thân Nghĩa cũng tự thấy rằng điều đó không phải chuyện dễ dàng, thấy một chút hi vọng nhưng nó mong manh kiểu như hồi sinh sau khi chết. Y thành thật nói với cán bộ quản giáo:
"Thật ra tôi chỉ có cha mẹ. Ruột thịt thì không thể bỏ được. Ban đầu tôi nghĩ chờ người ta tuyên án rồi sẽ viết đơn xin thi hành án. Đó là ý định thực sự của tôi. Nhưng sau phiên xử kết thúc, cha tôi cứ lẽo đẽo chạy theo tôi. Ông nói "con không được như thế, phải chống án nhé". Tuần sau, ông lại cùng luật sư vào gặp tôi và nhắc đi nhắc lại chuyện này. Tôi viết đơn chống án là vì cha".
Cái cớ để Nghĩa viết đơn kháng án vì Nghĩa cho rằng mình "không phạm tội giết người man rợ" như cáo trạng nêu. Theo Nghĩa, bắt đầu từ khi biết sẽ có phiên toà phúc thẩm, hy vọng sống bắt đầu mong manh xuất hiện.
Theo các cán bộ quản giáo, Nghĩa nói: "Tôi ở trong tâm trạng của một người chờ chết, còn cha tôi ở cương vị là một người cha sắp mất đứa con trai duy nhất thì niềm hi vọng, khát khao được sống dù rất mong manh, nhỏ nhoi thôi nhưng có thể hiểu được. Nếu được làm lại cuộc đời, tôi sẽ sống chết với những điều tử tế".
Ngày 8/10, bố mẹ Nghĩa đã đến thăm, họ căn dặn y rất nhiều điều. Chủ yếu họ dặn Nghĩa phải có niềm tin vào sự sống, chết thì không có cơ hội để chuộc tội nên hãy cố gắng hy vọng vào những điều tốt đẹp. Bố mẹ Nghĩa nói: "Hôm 13/10, đứng trước toà phúc thẩm, con phải tỏ ý ăn năn, hối cải thực sự. Tuyệt đối không được tỏ thái độ ngông nghênh, bất cần và nói những câu đại loại như: Tôi có chết trăm lần, nghìn lần cũng không hết tội"... như đã nói trong phiên sơ thẩm".
Theo Chi Mai
Gia đình&Xã hội