Tòa nhà này là một phần của khối tài sản trị giá gần 10 tỷ đồng trong vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế. Ảnh: Thanh Hải. |
Việc sửa biên bản
“H: Ông Thế! Ông quan hệ gì với phía nguyên đơn không? Đ: Không có. H: Ông cho biết trước năm 1975, ông công tác ở đâu? Chức vụ gì? Đ: Tôi là chánh lục sự tòa hòa giải của tỉnh An Giang (cũ) trước năm 1975. H: Ông biết sự việc cụ thể như thế nào? Đ: Trong trích lục án nếu là con ruột thì được ghi là con chính thức, trường hợp những người có tên trong trích lục án không phải là con ruột (…) thì văn bản này không có giá trị pháp lý do người đi khai gian dối, nếu phát hiện sẽ bị xử lý”.
Đoạn trên trích nguyên văn trong “Biên bản phiên tòa sơ thẩm” của TAND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) ngày 28-4-2010, xét xử vụ tranh chấp chia di sản thừa kế có trị giá gần 10 tỷ đồng. Chữ H là viết tắt chữ “hỏi”, chữ Đ là viết tắt chữ “đáp”, biên bản ghi lại lời thẩm vấn tại tòa giữa Hội đồng xét xử với một người tên Thế.
Hội đồng xét xử gồm Chủ tọa là thẩm phán Võ Bảo Anh và hai vị hội thẩm nhân dân, bà Trần Thị Thu Hà, cán bộ Ban tổ chức Quận ủy Thốt Nốt, ông Trần Hùng Dũng, GĐ Ngân hàng Chính sách xã hội quận Thốt Nốt. Thư ký phiên tòa là ông Võ Bá Lộc. Ông Thế là một người làm chứng, tên đầy đủ là Trần Bá Thế.
Không có gì đáng nói nếu hồ sơ vụ kiện không tồn tại 2 “Biên bản phiên tòa”. Biên bản thứ nhất, ghi ông nhân chứng Trần Bá Thế có mặt tại tòa và có đoạn thẩm vấn như trên. Thực tế, ông Trần Bá Thế vắng mặt tại tòa. Một bên tranh chấp trong vụ kiện cũng vắng mặt tại tòa hôm xét xử, sau đó chụp được biên bản, phát hiện sự gian dối thì hồ sơ vụ kiện xuất hiện “Biên bản phiên tòa” thứ hai.
Biên bản thứ hai sửa ông Trần Bá Thế từ “có mặt” thành “vắng mặt”. Đoạn thẩm vấn không thể bỏ thì được ghi chen vào bên trên một dòng “Chủ tọa công bố lời khai ông Thế như sau”. Những chỗ chỉnh sửa được, Chủ tọa Võ Bảo Anh và thư ký Võ Bá Lộc ký xác nhận bên lề và đóng dấu của Tòa án.
Dấu hiệu hình sự
Đoạn thẩm vấn trên nhằm bảo vệ quyền lợi cho bà Hoàng Oanh, đại diện của một bên tranh chấp trong vụ kiện. Bà Oanh là mẹ ruột của bà Hoàng Ngọc Hạnh, Phó Chánh án TAND quận Thốt Nốt. Ở đây không bàn về nội dung vụ kiện cũng như sự phán quyết của án sơ thẩm đúng hay sai, có lợi cho bà Oanh như thế nào. Ở đây chỉ bàn về việc sửa “Biên bản phiên tòa”.
PV Tiền Phong hỏi Luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng văn phòng Luật sư Vạn Lý-Cần Thơ là, có thể công bố lời khai của nhân chứng mà lại ghi biên bản như trực tiếp thẩm vấn tại tòa không? Luật sư Thành trả lời: “Không được. Hơn nữa, công bố lời khai thì phải nói rõ là lời khai ngày tháng năm nào, bút lục số mấy trong hồ sơ vụ kiện, không thể chung chung mơ hồ”.
PV Tiền Phong hỏi thêm, có thể việc ghi bút ký tại tòa có sai sót, nhầm lẫn và sau đó cần phải sửa? Luật sư Thành trả lời: “Bút ký phiên tòa sai sót, nhầm lẫn thì phán quyết dựa vào đó là không có giá trị”.
Ngày 6-8-2010, một bên trong vụ kiện đã có “Đơn tố cáo về việc thẩm phán cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án” gửi Cục Điều tra Viện KSNDTC. Đơn cho rằng: “Hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án là vi phạm Điều 300 Bộ luật Hình sự”.