>> Kỳ án 'Uẩn khúc mười năm': Kỳ bốn
Bác sỹ Phạm Thị Hồng. |
Buồn tủi, uất ức, bệnh tật
Cũng như phiên sơ thẩm, công tố viên né tránh hầu hết các vấn đề luật sư nêu ra, họ đáp đơn giản: Chúng tôi giữ nguyên quan điểm nêu trong cáo trạng.
Được nói lời cuối, bị cáo Tình: “Xin tòa cho điều tra lại để minh oan cho cháu. Nếu vẫn kết án, đề nghị tuyên cháu mức án tử hình”.
HĐXX do thẩm phán Hoàng Thị Kim Oanh ngồi ghế chủ tọa tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm: Lợi 16 năm tù; Tình 14 năm tù; Kiên 11 năm tù; tổng cộng cho cả hai tội “cướp của” và “hiếp dâm”.
Ba bị án được chuyển đến trại cải tạo Thanh Xuân (Hà Nội). Những số báo trước đã nêu, hằng tháng, họ đều đặn viết đơn kêu oan, nhờ cán bộ gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Chưa bao giờ họ nhận được hồi âm. Kết quả duy nhất họ có, đó là họ không được đưa vào danh sách xét giảm án. Lao động tốt, không vi phạm kỷ luật của trại, song họ bị quy vào diện “chưa nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của bản thân để ăn năn hối cải”.
Quá buồn tủi, uất ức, Lợi bị xuất huyết não nhẹ, liệt nửa người. Lợi được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Hà Tây. Bác sỹ y học dân tộc Phạm Thị Hồng trực tiếp bấm huyệt, châm cứu cho Lợi. “Tháo xích cho bệnh nhân tôi mới châm được trúng huyệt”, bác sỹ Hồng nói với cán bộ quản giáo. “Bác sỹ ơi, tụi em phải cẩn thận, thằng này nguy hiểm lắm. Cướp của, hiếp dâm, án 16 năm. Tù chưa được nửa thời gian, nó trốn thì tụi em chết”.
Rốt cuộc, Lợi cũng được tháo xích. “Gắng cải tạo tốt để được giảm án cháu ạ”, vừa châm cứu, bác sỹ Hồng vừa khuyên Lợi. Trước sự ân cần của bác sỹ, người tù bỗng bật khóc nức nở: “Con không cướp của, không hiếp dâm. Con bị oan!”.
Từng nghiên cứu sâu về huyệt đạo, bác sỹ Hồng đeo kính, nghiêm mặt yêu cầu Lợi xoay nghiêng để bà kiểm tra phía dưới tai. Rồi bà kinh ngạc đến mức ngồi lặng người đi...
Huyệt Dương Minh sáng rõ!
“Sau khi xem huyệt Dương Minh của cháu Lợi, tôi khẳng định cháu chưa hề quan hệ tình dục. Thế mà cháu lại mang án hiếp dâm thì lạ quá!”, bác sỹ Hồng kể với các PV Tiền Phong, “Tôi định sẽ hỏi thật kỹ trường hợp của cháu, nhưng ngay hôm sau cháu đã trở về trại”.
Sau đó khoảng một năm, Lợi nhập viện trở lại, vẫn bệnh cũ - căn bệnh bác sỹ Hồng gọi là “can khí uất kết”, nôm na là suy nghĩ nhiều, uất ức nhiều sinh bệnh. Gặp lại Lợi, bác sỹ Hồng nói “Bác biết cháu bị oan, bác sẽ kêu cho cháu”. Lợi lại bật khóc “Bác làm bác sỹ thì sao giải oan được cho cháu”. “Bác có cách. Cháu bảo mẹ cháu đem hồ sơ vụ án đến cho bác xem”.
“Tôi không có kiến thức pháp luật, không có nghiệp vụ điều tra”, bác sỹ Hồng tiếp câu chuyện, “Tôi chỉ có niềm tin các cháu bị oan, xuất phát từ chuyên môn sâu của mình. Tuy nhiên, tôi cũng phải đọc hồ sơ, mới có căn cứ mà viết đơn kêu cho các cháu”.
Không chỉ nghiên cứu hồ sơ, bác sỹ Hồng trực tiếp đến xã Yên Nghĩa gặp thêm nhân chứng, rồi đến trại cải tạo Thanh Xuân gặp thêm bị án Kiên, lên trại cải tạo Tân Lập gặp thêm bị án Tình. Bác sỹ Hồng nhận thấy, cũng như Lợi, huyệt Dương Minh của Kiên, Tình đều rất rõ, rất đẹp.
“Tôi làm đơn kêu oan cho các cháu, gửi đi tổng cộng 36 nơi. Hầu hết các nơi không trả lời, duy nhất TAND Tối cao có văn bản nói rằng các bị án đã được xét xử đúng người, đúng tội, đơn kêu oan của tôi không có căn cứ”. Bác sỹ Hồng kể tiếp: “Được trả lời như vậy, tôi tụt huyết áp, ngất xỉu, phải nhập viện điều trị. Ra viện, tôi tiếp tục làm đơn kêu cho các cháu. Tôi tuyên bố, nếu không giải oan cho các cháu, tôi sẽ tự thiêu”.
...Thế rồi, lá đơn của bác sỹ Hồng đã đến tay Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Không thờ ơ trước những số phận éo le, những nỗi oan khuất của người dân, Chủ tịch nước đã yêu cầu phải xem xét, nếu thấy cần thiết, phải tổ chức điều tra lại vụ án.
Còn nữa
Kỳ sáu: Quyết tâm sửa sai