Kỳ án 'Uẩn khúc mười năm': Kỳ bốn

Các luật sư Phạm Thanh Bình và Nông Thị Hồng Hà
Các luật sư Phạm Thanh Bình và Nông Thị Hồng Hà
TP - Khi biết các PV Tiền Phong muốn tìm hiểu quan điểm bào chữa cho các bị cáo Lợi, Kiên, Tình tại các phiên tòa cách đây đã tám năm, hai luật sư Phạm Thanh Bình và Nông Thị Hồng Hà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khuân ra một tập hồ sơ dày cộm, chủ yếu là các tài liệu ghi chép do ngày ấy máy phô tô chưa sẵn, nhiều tờ giấy đã ngả ố vì thời gian.

>>Kỳ III: Thời gian, không gian 'ảo'

Các luật sư Phạm Thanh Bình và Nông Thị Hồng Hà
Các luật sư Phạm Thanh Bình và Nông Thị Hồng Hà.


Tám năm, vẫn là sự thật ấy

“Chúng tôi đã làm hết sức mình, không chỉ nghiên cứu hồ sơ mà còn tìm gặp các nhân chứng, thu thập chứng cứ ngoại phạm, tự nghiên cứu thực nghiệm hiện trường... Tiếc rằng những kiến nghị của chúng tôi đã không lay chuyển được HĐXX”, luật sư Bình nói.

Nhiều người hiện có trong tay bản “Kháng nghị giám đốc thẩm” đề ngày 26-01-2010 của Viện KSND Tối cao, do ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng ký. Tuy nhiên, ít ai có các bản “Quan điểm bào chữa” đề ngày 16-01-2002 của các luật sư Bình và Hà. Nếu đối chứng hai văn bản này, người ta sẽ nhận thấy hầu hết các vấn đề Viện KSND Tối cao kháng nghị không phải là những tình tiết mới của vụ án, bởi đơn giản, chúng đã được các luật sư nêu tại văn bản nộp cho HĐXX, đồng thời trình bày công khai, rõ ràng tại các phiên tòa tám năm trước.

Tương tự kháng nghị của Viện KSND Tối cao, luận cứ của các luật sư chỉ ra rất nhiều mâu thuẫn trong các lời khai của các bị cáo - nguồn chứng cứ được coi là quan trọng nhất của vụ án. Đó không phải là những mâu thuẫn mang tính tiểu tiết, mà “hầu hết tập trung vào những tình tiết quan trọng”, cho phép khẳng định các bị cáo không khai về một sự việc có thật. Và tương tự bản kháng nghị sau này, các luật sư cũng đã nêu ra chứng cứ ngoại phạm của các bị cáo, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những sai phạm tố tụng nghiêm trọng về vật chứng, về hiện trường, về nhận diện...

Kết thúc luận cứ, các luật sư viết “chúng tôi trân trọng đề nghị HĐXX áp dụng Khoản 1 Điều 89 Bộ luật TTHS, tuyên bố các bị cáo không phạm tội như đã bị truy tố”. Tám năm sau, bản kháng nghị của Viện KSND Tối cao viết: “Đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm (...), tuyên bố các bị cáo không phạm tội cướp tài sản và tội hiếp dâm”.

Những câu hỏi day dứt

Những ai quan tâm vụ án này đều không thể không đặt ra những câu hỏi day dứt trí não và lương tâm: Vì sao đã thu thập được chứng cứ ngoại phạm của các bị cáo, các điều tra viên vẫn cương quyết buộc tội họ? Vì sao việc điều tra mắc hàng loạt sai phạm tố tụng nghiêm trọng đến vậy? Vì sao kiến nghị của các luật sư đã không được lắng nghe tại các phiên tòa?

“Tôi đã thử trả lời từ những ngày đó”, luật sư Bình trầm ngâm, “Nói hoàn toàn nghiêm túc, vụ án này ban đầu chỉ là sản phẩm “trí tưởng tượng” của các điều tra viên, sau đó nó là kết quả thái độ thiếu trách nhiệm của một số kiểm sát viên, thẩm phán”.

“Thay cho sự dè dặt, có phần ác cảm, thậm chí thiếu tôn trọng luật sư, các thẩm phán cần lắng nghe chúng tôi”, luật sư Hà nói thêm, “Vụ án này cho thấy rất rõ công việc của các luật sư không hề đối nghịch với các thẩm phán, mà ngược lại, khi chúng tôi nêu ra quan điểm phản biện, đấy là chúng tôi đang giúp HĐXX có thêm một góc nhìn khách quan, toàn diện hơn, đặc biệt là giúp tránh làm oan các bị cáo”.

Ý kiến của luật sư Hà hoàn toàn có căn cứ. Chưa cần đi vào nội dung, chỉ nhìn hình thức thì thấy “Quan điểm bào chữa” của luật sư Bình dài 09 trang, đúng bằng bản hình sự sơ thẩm mà HĐXX do thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Phương (khi đó là Phó chánh án TAND tỉnh Hà Tây) ngồi ghế chủ tọa. “Quan điểm...” của luật sư Hà còn dài hơn. Thế nhưng, đọc đi đọc lại bản án thẩm phán Phương và các hội thẩm đã ký, người ta không hề thấy một chữ nào nhắc tới ý kiến các luật sư, cũng như kết quả tranh luận giữa họ và phía công tố!

(Còn nữa)

Kỳ năm: Cuộc giải oan kỳ lạ (Câu chuyện về vị bác sỹ có công phát hiện, chứng minh các bị cáo không phạm tội “hiếp dâm”).

MỚI - NÓNG