>> Uẩn khúc trong vụ án con giết mẹ ở Vĩnh Long
>> Giết mẹ rồi vứt xác xuống sông phi tang
Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện cơ quan công tố, luật sư tham gia phiên tòa đồng nhất khi cho rằng: cấp sơ thẩm vi phạm hàng loạt quy định của Luật Tố tụng.
Vợ chồng Út Quyên tại phiên toà phúc thẩm ngày 3-3 - Ảnh: T.H.V |
Vợ chồng bị cáo Huỳnh Văn Quyên (tức Út Quyên, SN 1962, con trai nạn nhân) và Lê Thị Tám (SN 1966) bị cấp sơ thẩm là TAND Tỉnh Vĩnh Long tuyên phạm tội giết mẹ là bà Dương Thị Tám (SN 1929, ngụ xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) bằng hành vi dã man.
Sau khi cấp sơ thẩm tuyên án tù chung thân đối với Út Quyên (vợ bị 13 năm tù), Viện KSND tỉnh kháng nghị lên toà phúc thẩm xem xét tăng hình phạt bị cáo Quyên lên mức án cao nhất, tử hình. Hai vợ chồng Út Quyên cũng làm đơn kháng cáo kêu oan.
Hái trộm bưởi để trị đau bao tử?
Một trong những căn cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Long xem xét để ra phán quyết liên quan đến sinh mệnh của đôi vợ chồng bị cáo là lời khai của nhân chứng duy nhất Trần Thị Yến, được các thẩm phán trong HĐXX phúc thẩm thẩm vấn rất kỹ.
Lời khai bất nhất của bà Yến không chỉ thể hiện trong các bút lục mà ngay trong phiên toà ngày 3 - 3. Nhân chứng Yến khai, do hái trộm bưởi trong vườn nhà vợ chồng Út Quyên để trị bệnh đau bao tử nên tình cờ trông thấy vợ chồng bị cáo phi tang xác mẹ ở khoảng cách vài chục mét trong đêm khuya.
Sau đó, bà Yến đột ngột lên Bình Dương làm vào thời điểm giáp Tết vì giận chồng, nhưng đón đò không được (lời khai khác là thiếu tiền) nên quay về và bỏ cặp bưởi vì sợ. Với chuỗi sự kiện này, một vị thẩm phán trong HĐXX đã xoáy vào để nói lên lời khai thiếu nhất quán của nhân chứng Yến.
Vi phạm Luật Tố tụng
Tại tòa, vợ chồng Út Quyên tiếp tục kêu oan và khẳng định họ bị hàng loạt điều tra viên PC14 ép cung. Khi luật sư được vào tham dự vài buổi phúc cung, trong các bút lục các bị cáo đều thể hiện không đồng ý với nội dung lời khai và khẳng định họ không thực hiện hành vi giết mẹ mình.
Việc thực nghiệm hành vi chở xác phi tang mẹ Út Quyên bằng chiếc xuồng cũng đầy mâu thuẫn. Chiếc xuồng ấy luôn nằm trong con kênh dùng để chở cỏ bò, không di chuyển xuống sông bởi phải sử dụng đến bốn, năm người khiêng mới nổi. Do đó, khó có thể hai vợ chồng Út Quyên khiêng được xuồng trong đêm khuya.
Hơn nữa, việc thực nghiệm này không có hai bị cáo chứng kiến, còn con gái Út Quyên là Ngọc Trâm thì chứng kiến nhưng không chịu ký vào biên bản vì cho rằng chiếc xuồng đó không phải xuồng trong kênh nhà cháu được cơ quan điều tra lập biên bản thu như một tang vật.
Mặt khác, việc thu tang vật nghi ngờ liên quan đến vụ án, cũng được điều tra viên lập biên bản một cách cho có lệ mà không mô tả đặc điểm nhận dạng, thời gian và xác minh nguồn gốc.
Vụ án được xác định là đặc biệt nghiêm trọng và bị cáo Út Quyên bị truy tố với mức án của khung hình phạt cao nhất và luật sư bảo vệ họ vắng mặt có lý do nhưng phiên toà vẫn được mở.
Hơn nữa, trong bản án sơ thẩm, HĐXX cấp này còn nêu rõ, nguyên nhân dẫn đến vợ chồng Út Quyên giết mẹ là do họ uất ức trong việc nạn nhân phân chia đất đai không đồng đều.
Nhưng tại phiên phúc thẩm, cả ba anh chị Út Quyên đều đồng loạt trả lời với chủ tọa rằng, họ không đòi hỏi việc chia chác đất đai và không có chuyện tranh cãi hay tranh giành của thừa kế.
Tất cả chuỗi sự việc diễn ra ở phiên toà phúc thẩm đã khiến vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho hai bị cáo nói: “Những mâu thuẫn trong vụ án này cho thấy có những dấu hiệu về việc ngụy tạo chứng cứ và xây dựng nhân chứng của cơ quan tiến hành tố tụng”.
Đồng thời, ông cũng đặt câu hỏi, có đáng tin không nếu một lần nữa cấp phúc thẩm trả hồ sơ về cho cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Long vì dấu hiệu làm sai lệch bản chất vụ án cũng như trong hồ sơ là quá rõ ràng.
“Tôi đề nghị hồ sơ được giao cho cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an” - vị luật sư nói.
Phía công tố viên của Viện Kiểm sát tại phiên Phúc thẩm chấp nhận kháng cáo kêu oan của hai bị cáo, đồng thời không chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt của Viện KSND tỉnh Vĩnh Long.
HĐXX cũng tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về điều tra lại.