Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Cty D&T vẫn bị tạm giam (Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh). Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng giám đốc Bảo Sơn, khẳng định, ông không biết việc bà Hạnh lừa đảo bán biệt thự, trong khi những biệt thự này đã được thế chấp vay 66,5 tỷ đồng của Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank).
Tuy nhiên, theo đơn tố cáo, việc các bên hợp tác có nhiều dấu hiệu khuất tất. Trước hết, trong hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh của Bảo Sơn và Cty D&T, phía Cty D&T được quyền bán biệt thự.
Bên Bảo Sơn với tư cách là chủ dự án có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. “Đây là một trong những điểm mấu chốt để chúng tôi tin, bỏ hàng tỷ đồng mua của Cty D&T”, một nạn nhân nói.
Còn dưới góc độ pháp luật, tiến sỹ Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, cho rằng, tuy hình thức là hợp đồng hợp tác đầu tư nhưng nội dung, bản chất là Bảo Sơn bán gọn cho Cty D&T. Theo Luật Đầu tư, nếu là liên kết liên doanh thì phải có những thỏa thuận cụ thể về chia lợi nhuận hoặc rủi ro.
Nhưng trong hợp đồng hợp tác số 01, ngày 5/7/2007 mà Cty D&T và Bảo Sơn ký kết không hề có thỏa thuận về chia lợi nhuận. Bảo Sơn chỉ có trách nhiệm hoàn thành hạ tầng, chuyển lại cho Cty D&T, với giá trên 200 tỷ đồng, đổi lại Cty D&T được 85 lô biệt thự và có quyền bán.
Sau thỏa thuận trên, ngày 10/12/2007, Bảo Sơn, Cty D&T và GP.Bank còn ký cam kết ba bên, nhằm ràng buộc trong việc thế chấp vay vốn, triển khai dự án.
Theo đó, tuy bên vay là Cty D&T, trong phần thỏa thuận về tài sản thế chấp lại là quyền sử dụng đất (vẫn thuộc quyền quản lý của Bảo Sơn) và tài sản trên đất (85 căn biệt thự mà Cty D&T sẽ xây dựng thô).
Đáng chú ý, cam kết ba bên còn thỏa thuận: “Trong thời gian cam kết ba bên có hiệu lực, các bên không được phép tiết lộ các thông tin liên quan đến cam kết ba bên này. Bên nào vi phạm sẽ phải bồi thường cho bên bị vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Vì sao cam kết ba bên lại phải giữ bí mật? Đây phải chăng là lỗ hổng, vô hình trung tạo điều kiện cho Cty D&T lừa bán biệt thư cho khách hàng?
Ngoài ra, theo luật sư Triển, hợp đồng tín dụng mà tài sản thế chấp là bất động sản, bắt buộc phải công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, hợp đồng tín dụng này không hề được công chứng hay đăng ký giao dịch bảo đảm.
Cộng với thỏa thuận về cấm tiết lộ thông tin trong cam kết ba bên, khiến thông tin tài sản thế chấp này không được công khai. Vì thế khách hàng bị bưng bít thông tin và họ bị mắc lừa là tất yếu.
Tòa thụ lý vụ Bảo Sơn kiện VTV Ngày 8/4, TAND quận Ba Đình (TP Hà Nội) có Thông báo số 142 về việc thụ lý vụ Bảo Sơn kiện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) về việc đưa tin sai sự thật và đòi VTV bồi thường một tỷ đồng. Trong các ngày 5/3 và 7/3/2009, trên bản tin thời sự lúc 19 giờ, VTV phát hai phóng sự ngắn đề cập đến vụ lừa bán biệt thự thuộc dự án của Bảo Sơn hợp tác với Cty D&T. Ngay sau đó, Bảo Sơn có đơn khởi kiện VTV, cho rằng một số thông tin như: VTV nói Cty D&T là nhà đầu tư thứ cấp của Bảo Sơn; Cty D&T dùng tài sản đang thuộc sở hữu của tập đoàn Bảo Sơn để thế chấp… là sai sự thật. Bảo Sơn yêu cầu VTV phải cải chính thông tin không đúng sự thật và đòi VTV bồi thường thiệt hại về uy tín và tinh thần một tỷ đồng. Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng ban Thời sự VTV khẳng định, những nội dung Bảo Sơn kiện là không có cơ sở. Ngoài ra, ông Thắng còn khẳng định: “Chúng tôi có đầy đủ tài liệu và cơ sở pháp lý để khẳng định GP.Bank và Bảo Sơn cùng đồng thuận cho phép Cty D&T bán 47 lô đất trên cho khách hàng”. |