Tiệm vàng vẫn thờ ơ với bọn cướp

Tiệm vàng vẫn thờ ơ với bọn cướp
Chín tháng đầu năm 2008, trên địa bàn TP đã xảy ra ít nhất 4 vụ cướp tiệm vàng, trong đó 3 vụ có sử dụng súng khi gây án. Bọn cướp đều chọn các tiệm vàng có hệ thống an ninh lỏng lẻo để ra tay.
Tiệm vàng vẫn thờ ơ với bọn cướp ảnh 1
Tủ kính bị đập nát để thực hiện hành vi cướp vàng tại tiệm vàng Kim Thanh, số 147 Cống Quỳnh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM)

Trung tuần tháng Chín, chúng tôi trở lại tiệm vàng Kim Ngọc Thành ở đường Tân Kỳ Tân Quý (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TPHCM), nơi xảy ra vụ dùng súng cướp tiệm vàng tối 3/9. Kính tủ trưng bày vàng đã được thay thế bằng kính cường lực, theo lời của chủ cửa hàng, “dùng búa 2 kg đập không vỡ”.

Sau khi chị Lê Thị Liên - Chủ tiệm vàng - đã thay gần hết số kính thường bằng kính cường lực với chi phí hơn 6 triệu đồng, chúng tôi thấy mọi thứ trong nhà vẫn như cũ, không camera, không người bảo vệ. Hỏi về công tác đề phòng, chị nói: “Không lẽ nó lại cướp lần nữa!”.

Chưa hết chủ quan

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Lê Thị Liên vẫn vô tư tâm sự mới mở cửa hàng trở lại, chị coi vụ bị cướp mất hơn 22 lượng vàng 18k như “đánh rơi” công sức 1 - 2 năm làm lụng cực nhọc.

Nói về vụ cướp, chị Liên cười: “Không ngờ nó dám cướp ở đây, ngay phía trước tiệm là trụ sở công an và UBND phường”. Chị Liên nhớ lại lúc xảy ra vụ cướp có nhân viên kỹ thuật đang đứng tại bàn gia công, bản thân chị đang ở phía trong quầy - đứng thấp hơn mặt tủ kính - nên không biết cướp ra tay thế nào.

Tiệm vàng Kim Ngọc Thành kinh doanh tại địa chỉ này hơn 7 năm, tuy nhiên tới ngày bị cướp hoàn toàn không có bảo vệ, không lắp camera theo dõi, không chuông báo động, kính tủ cũng là kính loại thường, chỉ một cú gõ bằng báng súng ngắn của tên cướp đã vỡ vụn.

Giải thích sự chủ quan này, chị Liên nói: “Xưa giờ vẫn nghĩ nếu có cướp thì chỉ giật sợi dây hay cái lắc, chứ làm gì dám đập cả tủ kính”.

Điều lạ, chính chị nói trước khi xảy ra vụ cướp khoảng một tuần Công an P.Bình Hưng Hòa A đã tới nhắc nhở tiệm vàng về việc đề phòng tội phạm, yêu cầu lắp thiết bị báo động và chuẩn bị các phương án đề phòng, đối phó với cướp. Dù vậy, không có thiết bị bảo vệ nào được lắp đặt, cũng không có phương án phòng ngừa, đối phó nào tới khi xảy ra vụ cướp.

Chúng tôi cũng tới hơn 20 tiệm vàng thuộc Q.1, Q.6, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Phú. Tại hơn 20 tiệm vàng này, chúng tôi ghi nhận 4 cửa hàng có bảo vệ chuyên nghiệp, hai cửa hàng có bảo vệ là người nhà của chủ tiệm, 3 cửa hàng dùng kính cường lực và 16 tiệm vàng lắp camera theo dõi bên trong cửa hàng (số cửa hàng có lắp camera bên ngoài rất ít).

Trong số 4 tiệm vàng chúng tôi vào tìm hiểu ở khu chợ Tân Hương (Q.Tân Phú) chỉ một tiệm lắp kính cường lực và có kế hoạch phòng ngừa khá kỹ lưỡng.

Tại tiệm này luôn có nhân viên nam đứng phía ngoài trông coi, nếu phát hiện đối tượng khả nghi lập tức có vài nhân viên nữa cùng tham gia theo dõi.

Theo lời ông chủ tiệm vàng, trong trường hợp có cướp, vòng trong bị khống chế thì còn vòng ngoài, khi ra tới cũng bị bắt. Thực tế cửa hàng của ông đã bắt được ba đối tượng cướp giật, trộm cắp.

Kinh nghiệm về phòng chống cướp tiệm vàng

Trên địa bàn Q.1, từ đầu năm 2008 đến nay đã xảy ra 2 vụ cướp tiệm vàng (tiệm Kim Thanh ở đường Cống Quỳnh và tiệm Hùng Vỹ ở đường Đặng Trần Côn). Nhiều người cho rằng do có sự may mắn nên các đối tượng ăn cướp trong cả hai vụ đều bị người dân bắt giữ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài yếu tố may mắn, công tác tuyên truyền, xây dựng tinh thần cảnh giác cho người dân ở đây cũng rất đáng được ghi nhận.

Thời gian qua Công an Q.1 đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nhắc nhở từng hộ dân, từng cơ sở kinh doanh và đặc biệt là các tiệm vàng, ngân hàng về việc nhận biết tội phạm, công tác phòng ngừa cũng như đối phó với các tình huống xảy ra.

Trung tá Nguyễn Hoàng Thắng - Phó trưởng Công an Q.1 - phân tích về cách nhận biết đối tượng khả nghi: bọn cướp tiệm vàng thường đi ít nhất hai người, một vào trong và một ở ngoài nổ máy xe chờ sẵn. Khi vào tiệm vàng, đối tượng bên trong sẽ lựa thời điểm thích hợp để khống chế, tấn công uy hiếp và cướp tài sản.

Trước khi ra tay, bao giờ đối tượng cũng phải điều nghiên trước, quan sát vàng được trưng bày ra sao, xem xét kỹ lối ra vào, cách thức làm việc của nhân viên bán hàng, hoạt động của bảo vệ và các phương tiện hỗ trợ, phòng ngừa như camera, chuông báo động, gậy dân phòng...

Cần nhớ camera và bảo vệ không phải là “vũ khí” tối thượng chống cướp nhưng giúp ích rất nhiều trong công tác phòng ngừa. Qua camera bên trong và bên ngoài cửa hàng chúng ta có thể quan sát, đồng thời nhận biết các dấu hiệu khả nghi để có biện pháp ứng phó thích hợp.

Ông Kim Thành Huy - Chủ tiệm vàng Kim Thành Huy (đường Tân Hương, Q.Tân Phú) - nói có hai loại khách hàng thường xuyên giao dịch.

Thứ nhất là khách quen, giao dịch nhiều lần và biết nguồn gốc, số này tương đối nhiều với người kinh doanh vàng. Thứ hai nếu là khách lạ, khách vãng lai thì phải chú ý, quan sát kỹ nhưng khéo léo tránh để họ khó chịu.

Nếu là khách mua hàng thật sự, họ chỉ quan tâm tới mặt hàng đã định trước, chỉ hỏi và xem những loại hàng theo dự tính chứ không hỏi linh tinh, kéo dài thời gian quan sát.

Trong trường hợp khả nghi phải tìm cách quan sát phía bên ngoài có “trợ thủ” của kẻ khả nghi hay không. Khi xảy ra cướp, có một cách rất hay là tấn công đối tượng bên ngoài, kẻ đang nổ máy chờ đồng bọn.

Tấn công đối tượng này, cướp sẽ không chạy nhanh được, khi đó sẽ có thời gian dài hơn để cả người dân lẫn công an ra tay trấn áp và bắt giữ đối tượng trực tiếp cướp tài sản.

Theo Phạm Minh Đức
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG