Tại Nghị định 41 mới ban hành, mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của các đối tượng khách hàng ở nông thôn đã được nâng lên 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ sản suất; 200 triệu đồng với hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ ở nông thôn; 500 triệu đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại. Trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng, sẽ được khoanh nợ tới 2 năm; thiên tai dịch bệnh sẽ xem xét và có chính sách cụ thể.
Bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường, ám ảnh của lãnh đạo tỉnh cũng như bà con nông dân nơi đây chính là trồng cây công nghiệp mà chỉ sợ mất mùa, chính vì thế, việc được tạo điều kiện nguồn vốn, thời gian khoanh, giãn nợ khi gặp khó khăn là rất quan trọng.
Theo báo cáo, sau 10 năm, dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng xấp xỉ 9 lần, đạt gần 300 ngàn tỷ đồng (năm 2009), chiếm 16,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Đáng kể, chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp được đảm bảo, nợ xấu cuối năm 2009 khu vực này chỉ chiếm 2,75%. |
Ông Đặng Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, băn khoăn nhất của nông dân hiện nay là khi vay phải có tài sản thế chấp. Theo NĐ 41 sẽ triển khai tới đây, mức vay có thể đến 500 triệu đồng. Nếu cứ duy trì việc thế chấp sổ đỏ theo kiểu cũ sẽ rất tốn kém cho nông dân khi vay vốn, vì phí công chứng.
Ông Thuần kiến nghị, phần thủ tục và hồ sơ vay cần cải tiến. Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cũng cho hay, trên thực tế nông dân khi vay cần được hướng dẫn cụ thể hơn, như nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thế chấp thế nào; hay để vay được mức tối đa 500 triệu đồng, cần phải lấy xác nhận là chủ trang trại ở đâu?
Theo Thống đốc NHNN Nguyên Văn Giàu, vốn cho nông nghiệp luôn là một bài toán khó. Để cung ứng tốt rất cần sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ trong từng thời kỳ và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tín dụng và đoàn thể (hội nông dân, phụ nữ...) cũng như quy hoạch cơ cấu kinh tế của các địa phương.