Bão giá ba miền

Giá cả tăng cao, người tiêu dùng đành thắt lưng buộc bụng
Giá cả tăng cao, người tiêu dùng đành thắt lưng buộc bụng
TP - Thiên tai, bão lụt chưa qua, bão giá đã tràn về rình rập cả 3 miền đất nước đe dọa và đảo lộn đời sống người dân. Ghi nhận của PV Tiền Phong tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Giá cả tăng cao, người tiêu dùng đành thắt lưng buộc bụng
Giá cả tăng cao, người tiêu dùng đành thắt lưng buộc bụng . Ảnh: N.H

Hà Nội: Tăng giá từng ngày

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hà Đông, Đồng Tâm, Thái Hà, Phùng Khoang, Hôm - Đức Viên… giá các loại rau xanh tăng 10-15% so với tuần trước. Cùng với rau xanh, giá các loại thịt cũng đội giá. Một tiểu thương bán thịt ở chợ Thái Hà cho biết, giá thịt gần như tăng từng ngày. Hiện giá thịt bán hầu hết ở các chợ tăng 5.000-10.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, việc giá cả lên cao một phần là do nguồn hàng hạn chế, nâng giá của nhà buôn. Ông Nguyễn Năng Công, Giám đốc Cty CP sản xuất và dịch vụ nông sản an toàn Hà An cho biết: Hiện rau sản xuất chỉ đủ cung ứng cho các cửa hàng của Cty, còn bán ra ngoài gần như không có.

Cùng với giá rau, thực phẩm, các loại gạo cũng theo đà tăng. Tại các chợ Hôm, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, giá bán lẻ các mặt hàng gạo tăng hơn 2.500 đồng/kg so với tháng trước. Giá gạo tẻ thường cũng tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, phổ biến ở mức 12.000 đồng/kg. Một số loại gạo nhập khẩu cũng tăng từ 4.000 đến 4.500 đồng/kg, phổ biến ở mức 25.000 - 28.000 đồng/kg.

Ngay đầu tháng 11 này, các hãng ga như Gia Đình, Saigon Petro… đồng loạt tăng thêm 25.000 - 26.000 đồng/bình. Hiện giá gas loại bình 12kg của các hãng này có giá trong khoảng từ 297.000 - 326.000 đồng.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, việc tăng giá đã được cảnh báo cách đây hai tháng.

Để phục vụ bình ổn giá, Hà Nội đã chi khoảng 400 tỷ đồng, nhằm bình ổn gần 10 mặt hàng thiết yếu. Ông Phú cho rằng: “Mỗi tháng, người dân Hà Nội tiêu dùng đến khoảng 5.000 tỷ đồng, nên với khoản chi đó chỉ bình ổn được chưa đến 10% thị phần, còn lại hơn 90% vẫn phụ thuộc vào thị trường tự do”.
Ông Phú cho biết, trong 3 năm qua, giá sữa tăng 16 lần, và chỉ trong vòng 1,5 tháng qua, giá gas tăng đến 3 lần.

“Cùng với tác động của tỷ giá, vàng, lãi suất, thì tâm lý tích trữ hàng trong dân, tạo ra khan hiếm giả tạo đẩy giá lên cao. Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết, mức tăng các mặt hàng trong nhóm ăn uống có thể từ 7-15%” - ông Phú nhận định.

Đà Nẵng: Tiết giảm chi phí từng bữa ăn

Khảo sát các khu vực chợ Cồn, chợ Hàn, các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố... việc tăng giá diễn ra khá phổ biến, nhiều mặt hàng tăng 30 - 40%, thậm chí tăng gần gấp đôi.

Tại chợ Hàn, so với hơn 1 tuần trước, giá các loại rau mồng tơi, muống, rau ngót... đồng loạt tăng thêm 2.000 - 6.000 đồng/1 kg. Các mặt hàng rau khác như xà lách tăng mạnh từ 20.000 đồng/kg lên gần 37.000 đồng/kg; rau thơm cũng tăng từ 40.000 đồng/kg lên hơn 60.000 đồng/kg.

Các mặt hàng tôm, cá, thịt đang thiết lập một mặt bằng tăng giá mới, tăng từ 4 - 10.000 đồng/1 kg các loại.

Giá gạo tăng từng ngày. Hiện mỗi kilôgam gạo tăng từ 1.500 đến 3.000 đồng/1kg. Chị Liên - chủ quầy gạo chợ Cồn cho hay: Mỗi đợt nhập về, gạo lại tăng thêm một giá. Bên cạnh đó, các mặt hàng gas đang tăng giá nhanh, tăng từ 12 -14 ngàn đồng/bình 12kg so với tháng trước...

Tại các siêu thị, giá nhiều mặt hàng cũng đang có biến động tăng. Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Co.opMart Đà Nẵng cho hay: Đơn vị đã nhận được yêu cầu tăng giá của một số đơn vị cung ứng nguồn hàng do tác động chung của giá cả đầu vào, chi phí sản xuất tăng đáng kể.

Điều dễ nhận thấy của đợt tăng giá này là ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn gia đình. Chị Trần Thị Thu Hương (46 tuổi, trú đường Điện Biên Phủ; TP Đà Nẵng), một công nhân viên chức trên địa bàn không khỏi bất ngờ trước đà tăng giá của các mặt hàng thiết yếu đang làm chất lượng bữa ăn gia đình bị giảm sút nghiêm trọng.

“Từ gas đến rau, củ quả và các loại thịt... tất cả đều tăng 10 - 20%. Trước đây tôi chỉ cần trên dưới 80.000 đồng là đủ cho bốn người ăn hai bữa một ngày. Nhưng giờ thêm 20.000 - 30.000 đồng vẫn thiếu nhiều đồ ăn như vài tháng trước đây” - chị Hương nói.

Với những người có thu nhập thấp như công nhân, lao động phổ thông... đợt tăng giá mới khiến không ít trường hợp lâm cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Phương Linh (35 tuổi, trú đường Dũng Sĩ Thanh Khê), công nhân nhà máy Dệt lo lắng: Tính trung bình, tôi chỉ có 50.000 đồng cho một ngày ăn cả gia đình. Nhưng với mức tăng giá hiện nay, chất lượng bữa ăn giảm sút nghiêm trọng. Ngay đến các mặt hàng sữa trẻ em cũng đội giá, nên vợ chồng tôi đang tính chuyện phải cắt giảm một số khoản chi tiêu.

Theo ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng: Nguồn hàng tiêu thụ tại Đà Nẵng chủ yếu nhập về từ hai đầu Hà Nội và TPHCM. Trong khi đó, tại hai đầu đất nước, tình hình sản xuất chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới. Giá vàng và USD thế giới liên tiếp tăng đã đẩy tiền rớt giá, cũng có nghĩa là hàng hoá tăng giá. Tình hình giá từ nay đến cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp. Hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tiếp tục tăng 1,05% so với tháng 9 và tăng 9,66% so với tháng 10 năm trước.

TPHCM: Thắt lưng buộc bụng chờ bão giá tan

Chỉ mới mấy ngày đầu tháng 11, tại các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh nhiều mặt hàng đã đồng loạt tăng giá, một số loại rau củ quả tăng từ 1.000 - 5.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Cty chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, mấy ngày gần đây một số mặt hàng rau củ quả tăng giá mạnh do ảnh hưởng của thời tiết nên lượng rau từ Đà Lạt về ít hơn. Có thể sau đợt mưa bão này, thì tình hình giá cả của các mặt hàng này sẽ ổn định trở lại. Tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), giá cá biển tăng 2.000 - 6.000 đồng/kg, giá thịt heo cũng nhích lên 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Tại các chợ đầu mối chỉ có một số mặt hàng tăng giá nhưng khi về đến các chợ lẻ trên địa bàn thành phố thì giá các mặt hàng đã được đội lên khá cao. Tại chợ Tân Định (quận 3), xà lách lụa giá 40.000 đồng/kg, xà lách búp giá 50.000 đồng/kg, cà chua tăng đột biến với giá 12.000 - 15.000 đồng/kg.

Các chợ khác như: Vườn Chuối (quận 3), chợ Phú Lâm (quận 6), chợ Nhị Thiên Đường (quận 8), chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp)… giá rau củ quả cũng có mức tăng tương tự.

Trước tình trạng giá cả leo thang như hiện nay, người tiêu dùng không còn cách nào khác ngoài việc thắt lưng buộc bụng chờ đến khi hết bão giá. Một người nội trợ than thở: “Cái gì cũng tăng giá quá trời. Đến rau muống mà cũng lên đến 10.000 đồng/kg”.

Nhiều siêu thị tại TP HCM thông báo sẽ tăng giá hàng trăm mặt hàng với mức tăng cao nhất lên đến 25% so với giá trước đó. Tại siêu thị Sài Gòn, gạo Mekong tăng 10%, tương ớt tăng 20%, hàng hóa mỹ phẩm nhập khẩu tăng 15 - 25%, bánh kẹo nhập khẩu tăng 15 - 25%...

Được biết, tại siêu thị Co.op Mart TP HCM, ngoài những mặt hàng ngoại như đồ hộp, rượu, nước uống đóng chai tăng 5 - 10% thì mấy ngày nay nhiều loại dầu ăn không tham gia chương trình bình ổn tăng 3%, một số nhãn hiệu mì gói tăng 5%.

Trao đổi với chúng tôi về việc sẽ có nhiều mặt hàng tăng giá trong thời gian tới, đại diện Co.op Mart TP HCM cho rằng, để tránh tăng giá đột biến, siêu thị chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ. Trước đó tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, để tránh tình trạng tăng giá đột biến, Sở yêu cầu các siêu thị khi tăng giá cần phải có lộ trình cụ thể.

MỚI - NÓNG
Trường Đại học chuyển thành Đại học: Không chỉ khác 'danh xưng'
Trường Đại học chuyển thành Đại học: Không chỉ khác 'danh xưng'
TP - Các trường đại học (ĐH) đã và đang chuyển thành ĐH. Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ sự khác nhau giữa trường ĐH và ĐH là như thế nào trong khi các chuyên gia cho rằng, các trường sau khi đổi tên phải thể hiện mạnh mẽ ở các kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội…