Họp báo về các hoạt động của EU trong thời gian tới. Ảnh: Lan Anh |
Kể từ ngày 1/1/2007 CHLB Đức giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong nửa năm. Đây là chức Chủ tịch trong Hội đồng Liên minh châu Âu lần thứ 12 của Đức.
Một loạt các hoạt động kỷ niệm lớn sẽ được tổ chức vào nửa đầu năm 2007 khi Đức đảm nhận chức danh Chủ tịch luân phiên EU: kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp ước Rome và kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ giữa EU và ASEAN.
Các ưu tiên trong Nhiệm kỳ Chủ tịch của Đức bao gồm tiếp tục tiến trình hiến pháp, sức sống của mô hình kinh tế và xã hội châu Âu, khu vực tự do, an ninh, công bằng và việc mở rộng khu vực an ninh và ổn định ở châu Âu.
Đức chủ trương một trật tự kinh tế cạnh tranh trong khi duy trì trách nhiệm xã hội và môi trường. Đức sẽ kêu gọi việc thông qua một chương trình trọn gói cân bằng gồm các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển và việc làm cũng như sự gắn kết xã hội và môi trường trong sạch. Bảo vệ khí hậu phải được tăng cường trên phạm vi toàn cầu và EU phải đóng vai trò tiên phong.
Chủ tịch luân phiên cũng muốn có được những tiến triển thực thế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia đồng thời duy trì tự do dân sự.
Xuất khẩu của Việt Nam vào EU: không nên là nguyên liệu thô
Đại sứ Đức Christian-Ludwig Weber-Lortsch tại cuộc họp báo. Ảnh: Lan Anh |
Trả lời câu hỏi của báo giới về mối quan tâm và những ưu tiên của Đức đối với Việt Nam khi đảm trách Chủ tịch luân phiên EU, Đại sứ Đức cho biết: "Trọng tâm của nhiệm kỳ này là thiết lập quan hệ với EU với Nga và các nước láng giềng chưa là thành viên EU. Mục tiêu là tạo môi trường cởi mở, tạo hiến pháp chung.
Chúng tôi đưa ra mục tiêu hợp tác cao giữa EU- châu Á, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban châu Âu tại Việt Nam để đưa ra những hiệp định tự do thương mại. EU và ASEAN đều mong muốn giữ đặc điểm riêng nhưng vẫn hoà nhập với cộng đồng"
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2006, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này tăng 27%. Việt Nam xuất sang EU 6,4 tỷ USD hàng hoá và nhập khẩu từ EU 2,7 tỷ USD. Năm 2006, đầu tư mới của EU vào Việt Nam đạt 275 triệu USD. Năm 2007, EU cam kết viện trợ ODA cho Việt Nam là 948 triệu USD. |
Về triển vọng thực thi hiệp định tự do thương mại giữa EU và ASEAN, Đại sứ Đức cho biết, nó sẽ mở ra nhiều triển vọng cho hai bên. Sau khi ký kết hiệp định tự do thương mại, người dân được hưởng lợi nhiều nhất. Ví dụ rõ nhất là hiện nay người dân Việt Nam khi mua hàng Tết đã có thể mua hàng hoá nhập ngoại nhiều hơn, rẻ hơn.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 6,4 tỷ USD năm 2006 với các mặt hàng chính yếu là café, hạt tiêu, thuỷ sản, may mặc, giày dép. Tuy nhiên Đại sứ Đức có lời khuyên rằng, các sản phẩm vào EU nên là hàng tinh chế, không nên chỉ là nguyên liệu thô. Bởi hiện nay, có nhiều hàng hoá nhập khẩu vào EU nhưng không đề rõ là của VN, mặc dù là hàng VN.
Về vấn đề người lao động Việt Nam tại Đức, Đại sứ Đức cho biết, vấn đề chính trị của người nhập cư nước ngoài tại Đức khá phức tạp. Những người Việt Nam đến làm việc tại Đức là hạn chế. Tuy nhiên, Đức không cấm người nước ngoài bán hàng ở chợ.
Ở Đức có hơn 100 000 người Việt Nam sinh sống hợp pháp. Họ không có những hạn chế gì so với những người bản xứ. Điều chúng tôi mong muốn là sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề người nhập cư trái phép. Những người nhập cư trái phép này không những làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng tới nước Đức. Họ có nguy cơ sẽ bị ảnh hưởng.
Hợp tác dịch vụ giữa EU và Việt Nam sẽ có những bước tiến mạnh
Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu Markus Cornaro tại cuộc họp báo. Ảnh: Lan Anh |
Trước sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của WTO, Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu Markus Cornaro cho biết, nhiều cơ hội xúc tiến thương mại sẽ được mở ra.
Mối quan hệ hợp tác này sẽ cụ thể hơn, đặc biệt hợp tác dịch vụ sẽ có những bước tiến mạnh.
Các ngành dịch vụ là thế mạnh của EU như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, vận tải hàng không sẽ được thúc đẩy.
Trong hợp tác phát triển, EU là nhà hoạt động lớn, muốn hợp tác chặt chẽ , mạnh trong thời gian tới. EU tập trung trong hỗ trợ kỹ thuật các cơ quan đầu ngành. Lĩnh vực hợp tác thứ hai sẽ tập trung vào ngành kinh tế tư nhân. Các lĩnh vực này cần nhìn trong tổng thể khi Việt Nam gia nhập WTO.
Về những hỗ trợ của EU cho hàng xuất khẩu Việt Nam thâm nhập EU, ông Markus cho hay, các con số đã cho thấy hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU nhiều. Vấn đề hiện nay là việc chuyển giao công nghệ của EU vào Việt Nam cần minh bạch hơn để Việt Nam có thể sử dụng công nghệ này. EU không chỉ nói mà đã phối hợp với Cục quản lý trí tuệ Việt Nam để thực hiện mục tiêu này.