> Đảo ngọc Phú Quốc chờ đón điện quốc gia xuyên biển
> Đưa điện quốc gia đến đảo Phú Quốc bằng cáp ngầm xuyên biển
Các hạng mục đó gồm: Đường dây 2 mạch 110kV trên đảo Phú Quốc dài 7,6km; Trạm biến áp 110kV Phú Quốc (đã lắp đặt 1 máy biến áp dung lượng 40MVA và có sẵn vị trí để lắp đặt thêm một máy biến áp thứ hai khi cần thiết) do các nhà thầu trong nước triển khai và đã hoàn thành trong tháng 10/2013.
Hạng mục cuối cùng còn lại là tuyến ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Tuyến cáp ngầm có chiều dài 58km, do nhà thầu EPC là Tập đoàn Prysmian Powerlink SRL (Ý) bắt đầu triển khai thực hiện từ 17/11/2013, dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2014 và có thể đóng điện đưa vào vận hành trước Tết Giáp Ngọ 2014, vượt trước 6 tháng so với kế hoạch.
Các chuyên gia của Prysmian đang theo dõi, kiểm tra quá trình lắp đặt cáp dưới đáy biển. Ảnh: ĐH. |
Hiện nhà thầu Prysmian Powerlink SRL đã đưa tàu vận chuyển cáp đến điểm tiếp bờ Phú Quốc tại khu vực cảng thuộc xã Hàm Ninh và đang tiến hành rải cáp tại phía bờ Phú Quốc. Ông Alessandro Pistonesi - Giám đốc dự án Prysmian Powerlink SRL cho biết, tuyến cáp ngầm sử dụng loại cáp một sợi 3 lõi với tiết diện 3x630mm2 và khả năng tải tối đa 131 MVA.
Về kỹ thuật lắp đặt cáp điện ngầm dưới đáy biển, nhà thầu chọn phương pháp rải và chôn cáp đồng thời xuống dưới đáy biển. “Phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu hư hỏng cáp ngầm, tuy nhiên chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp” - ông Alessandro Pistonesi nói.
Theo ông Mario Garcia - Giám đốc lắp đặt của Prysmian, máy chôn cáp là một robot lớn được kéo bởi tàu rải cáp chuyên dụng di chuyển phía trước theo tuyến đã được thiết kế bằng các neo điều khiển hướng theo hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Hệ thống ống phun nước cao áp đặt hai bên thân cáp tạo nên rãnh cáp ở phía trước có độ sâu theo chế độ đã được cài đặt sẵn. Cáp được thả xuống đáy rãnh ở phía sau. Máy chôn cáp di chuyển về phía trước, tiếp tục phun nước cao áp tạo rãnh, đồng thời lượng đất cát xói lở sẽ được ống phun định hướng đẩy về phía sau lấp đầy rãnh cáp. Quá trình này được thực hiện một cách đồng thời và liên tục.
Cũng theo ông Mario Garcia, độ sâu chôn cáp có thể điều chỉnh bằng hai chân trượt phía trước, tối đa có thể chôn sâu 3m so mặt đáy biển tùy thuộc địa hình đáy biển. Quá trình thực hiện đào, rải và chôn cáp được thực hiện hoàn toàn tự động tuân thủ chế độ giám sát, kiểm soát, điều khiển liên tục trên tàu rải cáp chuyên dùng.
Tàu lắp đặt cáp ngầm đang hoạt động trên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Ảnh: Đ.H. |
Phát biểu tại buổi lễ khởi công hôm 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá: Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc là một dự án có tính phức tạp và dài nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư gần 2.336 tỉ đồng, lần đần tiên được triển khai tại Việt Nam.
Đây là kết quả của hơn 5 năm kiên trì chuẩn bị, từ việc thu xếp để có nguồn vốn đầu tư lớn, tính chất phức tạp ở cấp điện áp cao, phương án hướng tuyến hợp lý, đến việc lựa chọn được nhà thầu có năng lực, uy tín để thực hiện.
“Dự án mang tính khả thi cao, được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu nên có những ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là đảm bảo năng lực cung cấp điện ổn định cho Phú Quốc trong bối cảnh nhu cầu tăng rất cao mà nguồn phát diesel không đáp ứng được, giảm được giá bán điện từ mức bình quân 5.060 đ/kWh về giá đất liền bình quân khoảng 1.508,85 đ/kWh”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.