> Kinh tế Việt Nam đang 'ấm lên từ đáy'
>Từ Paris đến New York: Bay cao Việt Nam
Thủ tướng cho rằng việc sử dụng ODA tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Ảnh: VnExpress |
Bối cảnh tiếp nhận những đồng vốn viện trợ phát triển chính thức đầu tiên được Thủ tướng nhắc tới trong bài phát biểu tại buổi lễ. Cách đây 20 năm, khi hoạt động tài trợ được nối lại, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, kém phát triển, đang trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới toàn diện. Qua 2 thập kỷ, nền kinh tế đã giành được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 7% mỗi năm.
Đến giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7,3%/năm, đã đưa Việt Nam bước vào Nhóm các nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.200 USD. Hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2007.
Mặc dù chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2010, nền kinh tế vẫn giữ được ổn định vĩ mô, cơ cấu kinh tế quốc gia đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện tốt hơn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. "Ngày hôm nay, tất cả chúng ta cùng tự hào về việc Việt Nam đã phát triển thành công trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Bên cạnh những kết quả trên, Thủ tướng cũng cho rằng quá trình quản lý, sử dụng ODA ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Năng lực hấp thụ viện trợ quốc gia chưa cao, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch. Một trong những nguyên nhân, theo Thủ tướng, là quy trình, thủ tục trong nước vẫn còn khác biệt với các nhà tài trợ quốc tế, làm cho quá trình triển khai thực hiện còn gặp phải vướng mắc, khó khăn.
Thời gian sắp tới, để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn tài trợ, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần đảm bảo "nguồn lực đối ứng" của Chính phủ. Thực tiễn quản lý và sử dụng nguồn vốn của các đối tác phát triển trong thời gian cũng cho thấy, nguồn vốn ODA dù to lớn đến đâu, cũng chỉ có thể thực hiện và phát huy hiệu quả khi có "nguồn lực đối ứng" của Chính phủ, gồm tài chính và nguồn vốn con người có năng lực.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tiệm cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Môi trường thể chế về ODA đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và hài hoà với các nhà tài trợ là một yếu tố quan trọng cho việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ODA.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, kết thúc 6 tháng đầu năm 2013, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi Việt Nam ký kết đạt trên 3,8 tỷ USD (trong đó gần 3,77 tỷ USD là vốn vay), tăng 20 % với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án sử dụng vốn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải, cấp nước – môi trường, y tế - giáo dục... Tổng lượng giải ngân đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ.
Theo dự báo của cơ quan này, vốn ODA đăng ký cả năm 2013 cho Việt Nam dự kiến đạt 7 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Giải ngân đạt khoảng 4,5 tỷ USD.
Theo VnExpress