Nên đánh thuế vàng như thế nào?

Nên đánh thuế vàng như thế nào?
Quan niệm vàng là “tiền đặc biệt” hay “hàng đặc biệt” để có cơ chế thuế phù hợp và huy động sức dân từ vàng.

>Thêm 2 ngân hàng được giữ hộ vàng
> Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 20% đối với vàng
>Ngân hàng Nhà nước đấu thầu tiếp 15.000 lượng vàng

Theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu
Theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ảnh: Internet

Một hội thảo chuyên ngành về quản lý vàng được Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng và Vụ Quản lý ngoại hối tổ chức ngày 14/10 với sự góp mặt của các chuyên gia của Bộ Tài chính, chuyên gia độc lập, đã gợi mở thêm nhiều vấn đề trong quản lý vàng.

Trình bày trước hội thảo công trình nghiên cứu “Quản lý thị trường vàng – Thực trạng và giải pháp” được chuẩn bị hơn một năm, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng chủ trì, đặt ra nhiều vấn đề mới trong quản lý vàng mà điểm nhấn đầu tiên là chính sách thuế.

Nên đánh thuế như thế nào?

Thứ nhất, đối với thuế xuất khẩu vàng trang sức, vàng nguyên liệu: theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, thuế suất đối với vàng nguyên liệu hàm lượng dưới 99,99% là 10%; hàm lượng trên 99,99%: 0%; thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ loại hàm lượng trên 80%: 10% và hàm lượng dưới 80% là 0%.

Theo tiến sĩ Trung, do đặc thù là quốc gia nhập khẩu vàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, công nghệ chế tác chưa phát triển và do đó vàng trang sức chưa phải là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là ngành tiềm năng, nên Bộ Tài chính cần đánh thuế đối với sản phẩm có hàm lượng cao trên 99,99% thay vì đánh thuế xuất khẩu nữ trang có hàm lượng trên 80%.

Thứ hai, đối với thuế suất xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu: “Theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, nếu đánh thuế thì Nhà nước đang tự lấy ngân sách đóng thuế cho ngân sách. Như thế, rất lãng phí khi phát sinh chi phí thu thuế. Mặt khác, nếu Ngân hàng Nhà nước ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu cho đơn vị nào đó, có thể xảy ra chuyện gian lận để được khấu trừ thuế đầu vào. Vì thế, nên miễn toàn bộ các loại thuế này”, tiến sĩ Trung nhấn mạnh.

Thứ ba, đối với chính sách thuế giá trị gia tăng áp dụng theo Công văn số 323/TCT-CS ban hành ngày 23/1/2013, cho thấy, việc áp dụng đồng thời doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ xếp chung vào nhóm “hoạt động kinh doanh vàng” dẫn đến việc đánh thuế vào vàng miếng và vàng trang sức như nhau là không hợp lý.

Ông Trung phân tích: Đối với các loại vàng khác nhau có hàm lượng vàng, “tuổi vàng” khác nhau, đồng nghĩa với mục đích sử dụng cũng sẽ khác nhau. Do vậy cần làm rõ mức thuế VAT đối với các loại vàng khác nhau.

Thứ tư, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, do tập quán nắm giữ, cất trữ vàng lâu đời của người dân nên nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, theo hướng: chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cá nhân mua bán, tiêu dùng, cất trữ vàng miếng; không áp dụng đối với vàng trang sức nhưng phải có văn bản quy định phân biệt vàng miếng, vàng trang sức để tránh lách luật trốn thuế.

Chuyên gia nói gì?

Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính hiện đang công tác tại Bộ Tài chính nêu quan điểm riêng: việc nghiên cứu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với kinh doanh vàng miếng, thay vì duy trì chênh lệch giá trong và ngoài nước nghe ra có vẻ hợp lý về luật pháp, hiệu quả kinh tế và Ngân hàng Nhà nước ít bị điều tiếng nhưng muốn làm được điều này thì phải phân biệt rất rõ vàng là “hàng đặc biệt” hay “tiền tệ đặc biệt”.

“Nếu coi vàng là hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa đầu tư thì mới có thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, còn nếu coi vàng là tiền tệ thì chẳng có lý do gì để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với tiền cả!”, ông Ánh đặt vấn đề.

Theo ông, trước khi vấn đề này ngã ngũ thì nhà nước nên đánh một loại thuế, gọi là “thuế giao dịch” đối với kinh doanh vàng miếng như ở các nước vẫn tiến hành. Giả định nhà nước quy vàng là “tiền tệ đặc biệt” - Một dạng tài sản tài chính thì việc áp loại “thuế giao dịch”, ngoài việc tránh được những rắc rối, tranh cãi xung quanh thuế tiêu thụ đặc biệt như nói trên, chưa kể, còn vướng vào những cam kết khi gia nhập WTO.

Ngoài chuyện thuế, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, chuyên gia ngân hàng (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế toán, Ngân hàng Nhà nước) nêu vấn đề về phát hành chứng chỉ huy động vàng trong dân và cho phép thị trường phái sinh với vàng mà gần đây một số chuyên gia đưa ra.

Theo bà Hương, đối với chuyện huy động vàng trong dân, cần phải bàn luận, nghiên cứu rất kỹ vì: huy động được vàng trong dân là rất tốt vì vừa đỡ vay nước ngoài, vừa giảm chi phí nhưng thực tế, huy động vàng vật chất nếu sau này giá thế giới chạy lên, Ngân hàng Nhà nước lỗ thì rất khó quy trách nhiệm.

Trong khi đó, nếu “huy động vàng vật chất nhưng không ràng buộc trả bằng vàng vật chất” thì dư luận lại kêu Ngân hàng Nhà nước “khôn” quá cũng không ổn. “Thế nên, đừng đặt câu chuyện huy động vàng vật chất ra nữa, mà nên tiếp cận theo quan điểm Ngân hàng Nhà nước đang làm, đó là: chuyển dần sang quan hệ mua đứt bán đoạn với vàng và hạn chế nắm giữ vàng trong nền kinh tế”, bà Hương nói.

Ngoài ra, cũng theo bà Hương, trong tương lai, giả sử Chính phủ cho phép mở lại sàn vàng tài khoản thì tuyệt đối không cho phép sử dụng đòn bẩy tài chính, nhất là khi hạ tầng tài chính còn yếu, nhận thức về thị trường của nhiều chủ thể tham gia còn mang tính chộp giật, ngắn hạn, chức năng giám sát của Nhà nước còn yếu.

Hoặc, một số chuyên gia có đưa ra khuyến cáo cho phép mở thị trường phái sinh với vàng cũng phải nghiên cứu rất kỹ. Nếu có, Nhà nước cần nghiêm cấm sử dụng phái sinh để đầu cơ, chỉ cho phép sử dụng phái sinh để phòng ngừa rủi ro.

Theo VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG