Cá cược thể thao: Mở nhưng sơ hở

Cá cược thể thao: Mở nhưng sơ hở
Quan điểm của Bộ Tài chính là giới hạn số tiền đặt cược nhằm tránh biến hoạt động đặt cược này thành cờ bạc; không cho phép cá cược đối với các giải đấu trong nước để tránh tình trạng bán độ

Cá cược thể thao: Mở nhưng sơ hở

> Cá cược không được quá 1 triệu đồng/ngày 

Quan điểm của Bộ Tài chính là giới hạn số tiền đặt cược nhằm tránh biến hoạt động đặt cược này thành cờ bạc; không cho phép cá cược đối với các giải đấu trong nước để tránh tình trạng bán độ

Bóng đá là môn thể thao vua, thu hút rất đông người hâm mộ. Cần sớm hợp pháp hóa các hoạt động cá cược liên quan bóng đá để người hâm mộ tham gia. Trong ảnh: Xem bóng đá Giải Ngoại hạng Anh tại TPHCM. Ảnh: ANH DŨNG
Bóng đá là môn thể thao vua, thu hút rất đông người hâm mộ. Cần sớm hợp pháp hóa các hoạt động cá cược liên quan bóng đá để người hâm mộ tham gia. Trong ảnh: Xem bóng đá Giải Ngoại hạng Anh tại TPHCM. Ảnh: ANH DŨNG.
 

Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế (dự thảo) trước khi trình Chính phủ. Theo dự thảo, sẽ giới hạn số tiền đặt cược và danh mục các giải đấu, trận đấu được đặt cược. Mảng cá cược bóng đá quy định người chơi chỉ được đặt cược tối đa 1 triệu đồng/lần; với bóng đá quốc tế cũng giới hạn chủ yếu ở cá cược tỉ số chứ không mở rộng cá cược tất cả những gì liên quan đến trận đấu như cá cược bất hợp pháp hiện nay.

Đề phòng hệ lụy

Theo lý giải của bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng - Bộ Tài chính, việc giới hạn số tiền đặt cược căn cứ trên khảo sát của bộ phận xây dựng dự thảo nhằm tránh những người có máu đỏ đen biến hoạt động đặt cược này thành cờ bạc. Ngoài ra, đặt mức trần số tiền cũng để đề phòng những hệ lụy xấu về mặt xã hội, không cho phép cá cược với các giải đấu trong nước để tránh xảy ra tình trạng bán độ.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Lê Hùng Dũng, một chuyên gia trong ngành tài chính - ngân hàng, cho biết: “Dự thảo đang được xây dựng theo hướng thận trọng vì nếu có làm, chắc chắn sẽ chỉ làm thí điểm. Trước đây, tôi đã nhiều lần nói về tiềm năng kinh tế của lĩnh vực này nếu chúng ta đưa cá cược trở thành hợp pháp. Con số hàng tỉ USD đổ vào hoạt động cá cược bất hợp pháp, chảy ra nước ngoài mà Nhà nước không thu được đồng thuế nào là có thật”. Theo ông Dũng, sau thời gian thí điểm và rút kinh nghiệm được từ việc quản lý, cơ quan cấp phép hoạt động này nên đề xuất mở rộng hình thức, danh mục và cả mức tiền cá cược để tạo ra sự hấp dẫn với người chơi. Nếu không, dân cá độ vẫn sẽ đổ tiền cho những đường dây cá độ bất hợp pháp.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đồng tình với việc chưa cho phép cá cược bóng đá trong nước nhưng cơ quan xây dựng nghị định cần đặc biệt lưu tâm đến hình thức và định mức cá cược vì nếu chỉ là cá cược dự đoán tỉ số thì rất khó hấp dẫn. Ở những nước cho phép hoạt động cá cược, họ có nhiều hình thức chơi, trực tiếp qua các công ty, đại lý, qua mạng và thậm chí là các máy cá cược, để đáp ứng tối đa nhu cầu người chơi. VFF là một trong những đơn vị được Bộ Tài chính tham khảo ý kiến khi xây dựng nghị định nói trên.

Còn xa rời thực tế

Đầu năm 2013, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an đã phá đường dây cá độ trên mạng với hàng trăm tỉ đồng chuyển ra nước ngoài. Trong đó có những cá nhân là đầu mối chuyển tiền cho người chơi nhận đến vài tỉ đồng cho một trận bóng đá quốc tế.

Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, cho biết các đường dây cá độ hoạt động ngày càng tinh vi, mở rộng về đối tượng cũng như phương thức hoạt động, len lỏi cả về tận những vùng thôn quê chứ không chỉ tập trung ở TP. Bộ Tài chính khẳng định trước khi nghị định được trình Chính phủ, Bộ Công an sẽ có đánh giá về hoạt động cá cược bất hợp pháp, đo lường những tác động xã hội và đề xuất cả việc quản lý. Tuy nhiên, theo đại tá Tiến, C45 vẫn chưa nhận được dự thảo mới nhất mà Bộ Tài chính xây dựng trong khi cá cược thì ngày càng tăng.

Hoạt động điều tra của C45 và C50 đối với các đường dây cá độ chuyển tiền ra nước ngoài mới mang tính chất làm án điểm trong khi ngay ở những trận đấu, giải đấu trong nước, bàn tay của cá độ đã len lỏi vào từng ngóc ngách. C45 cũng đang điều tra một vài nghi án bán độ có bàn tay móc ngoặc của đường dây cá độ với những trận đấu trong nước. Cá độ bóng đá trong nước vẫn diễn ra như cơm bữa trong khi dự thảo gạt hẳn mảng này ra ngoài tầm kiểm soát và cũng không đề cập. Với bóng đá quốc tế, dân cá độ chơi cả những trận bóng “cỏ”, những trận đấu ở giải hạng hai, hạng ba chứ cũng không chỉ đánh “những trận đấu được tường thuật trực tiếp” như dự thảo đề cập. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng để ngăn được nạn cá độ bằng dự thảo này vẫn cực khó.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Trước đây, có ý kiến cho rằng nếu Việt Nam hợp pháp hóa cá cược thì nên để các hãng nước ngoài mở đại lý rồi học tập mô hình quản lý, điều hành. Tuy nhiên, dự thảo của Bộ Tài chính khẳng định các công ty trong nước đủ điều kiện sẽ được tham gia mở dịch vụ cá cược. Ông Lê Hùng Dũng đồng tình và nói rõ thêm là ban đầu thí điểm chỉ làm đơn giản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không triển khai rầm rộ, đại trà nên không cần phải mời các hãng nước ngoài.

Lần đầu tiên cá cược thể thao được nhắc đến ở nước ta là vào năm 2005 với những đề xuất từ ngành thể thao. Đến năm 2007, Ủy ban TDTT có những cuộc làm việc với những hãng cá cược như Ladbrokes, Singapore Pools. Năm 2010, chuyện hợp pháp hóa cá cược lại nóng lên khi Bộ Tài chính công bố xây dựng dự thảo theo chỉ đạo của Chính phủ. Các thế hệ bộ trưởng tài chính như ông Vũ Văn Ninh, ông Vương Đình Huệ đều có những chuyến khảo sát mô hình cá cược thể thao ở Singapore. Mới đây nhất, trong chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, hoạt động cá cược cũng được khẳng định sẽ triển khai.

Theo Phạm Ngọc
Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG