Chênh giá khi chuyển đổi vàng phi SJC vào túi ai?

Chênh giá khi chuyển đổi vàng phi SJC vào túi ai?
Hơn 9 tấn vàng miếng phi SJC đang trong quá trình chuyển đổi thành vàng miếng SJC. Lượng vàng này và chênh lệch giá rơi vào túi ai?

> Vàng lao dốc, ai hưởng lợi?
> Hòa cả làng vàng gian tuổi

Từ tháng 2/2013 đến nay có khoảng 2 tấn vàng miếng phi SJC được chuyển đổi qua phương án tạm xuất, tái nhập
Từ tháng 2/2013 đến nay có khoảng 2 tấn vàng miếng phi SJC được chuyển đổi qua phương án tạm xuất, tái nhập.

Từ khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực, thị trường nảy sinh trạng thái một số loại vàng miếng phi SJC có giá thấp hơn vàng miếng SJC khoảng vài triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch này “biến mất” qua chuyển đổi với chi phí nhỏ…

Cười ra nước mắt…

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thời gian qua, có một khoảng lặng mà ông Chủ tịch Lê Hùng Dũng chưa đề cập khi chia sẻ thông tin bên lề mới đây.

Trò chuyện với VnEconomy, một cán bộ quản lý của công ty này chua chát: “Bấy lâu nay vẫn có người nghĩ rằng chúng tôi hàng ngày cứ đều đặn đút túi tiền tỷ vì có thương hiệu SJC, độc quyền dập và chuyển đổi các loại vàng miếng khác. Kỳ thực, có lẽ hầu hết cán bộ công nhân viên đều có nỗi niềm nhưng vì việc chung mà không tiện nói ra. Đau chứ!”.

Nỗi niềm đó xuất phát từ một số thông tin trên thị trường. Suốt thời gian qua, SJC nhận chuyển đổi hàng tấn vàng miếng phi SJC, chỉ mất 50.000 đồng/lượng chi phí kiểm định và gia công, còn lại “ẵm” luôn phần chênh lệch trên dưới 2 triệu đồng/lượng.

Thực tế thì ngược lại, công ty này chỉ được nhận phần chi phí 50.000 đồng/lượng, rồi trả nguyên số lượng vàng miếng đã được chuyển đổi cho các đối tác đặt hàng.

Ngoài ra, còn có sự hiểu nhầm là SJC sở hữu máy dập, được độc quyền dập, nên cứ đưa vàng các loại vào, dập ra kiếm lời. Vị cán bộ trên đính chính rằng, từ tháng 5/2012 đến nay (thời điểm có Nghị định 24), bản thân SJC cũng không được tự sản xuất.

Mọi nguồn đầu vào, đầu ra qua máy dập đều do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát. Toàn bộ dây chuyền sản xuất được niêm phong, thậm chí có cả lực lượng an ninh “vòng trong, vòng ngoài” kiểm tra.

“Giả sử SJC được dập và chuyển đổi các nguồn vàng theo ý muốn, thì thị trường đã không khan cung, mà vàng nhập lậu đã nổi lên rồi. Toàn bộ quy trình chuyển đổi này đều được giám sát chặt chẽ, phải được Ngân hàng Nhà nước kiểm duyệt”, ông nói.

Chuyện cười ra nước mắt theo ông kể là thực tế trái ngược với những thông tin trên. Từ khi không được tự sản xuất vàng miếng, hoạt động sản xuất kinh doanh của SJC không giữ được nhịp độ như trước, đời sống cán bộ nhân viên bị ảnh hưởng.

Ông từ chối đề cập những ảnh hưởng cụ thể, nhưng nói: “Có những lúc ngồi nhìn toàn bộ dây chuyền trùm mền, buồn lắm”. Còn tìm hiểu qua một số nhân viên khác, họ nói thời gian qua chỉ còn nhận được khoảng 80% mức lương trước đây, một số khoản phụ cấp cũng đã hạn chế đi… “Cái chính là nguyên nhân lại không phải do mình”, một nhân viên nói.

Bây giờ, SJC phải sản xuất vàng miếng tùy theo mức độ đặt hàng của Ngân hàng Nhà nước. Phần nhận được là 50.000 đồng/lượng chi phí gia công. Trong khi một lực lượng lao động khá lớn liên quan làm sao phải đảm bảo thu nhập, hay tính tạo thêm công việc cho họ sao đây?

Lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, điều ông băn khoăn là lực lượng đó đều có thâm niên vài chục năm, tay nghề cao, nếu không đảm bảo được thu nhập thì họ có thể ra đi. Đây vẫn là một điểm còn để ngỏ…

“Bí ẩn” 11,5 tấn vàng

Mấy ngày qua thị trường xôn xao với thông tin 4 ngân hàng thương mại được tạm nhập 11,4 tấn vàng, về “nhờ” SJC dập ra vàng miếng SJC, bán theo giá giảm. Kiểu bán khống này tạo hiệu ứng trong dân cư, khiến họ sẽ bán mạnh ra theo. Sau đó các ngân hàng mới từ từ mua vào giá thấp với lượng lớn hơn quy mô đã bán ra; vừa có nguồn hàng giá thấp trả cho việc tạm nhập, vừa để tất toán trạng thái.

Cũng chính vì tình huống trên khiến nhu cầu ngoại tệ tăng lên, dùng cho việc tạm nhập vàng rồi sau đó mới gom lại tái xuất, khiến tỷ giá biến động những ngày qua (?).

Một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước khẳng định với VnEconomy rằng: “Không hề có chuyện 4 ngân hàng được tạm nhập 11,5 tấn vàng, rồi sau đó tái xuất. Tôi cũng không hiểu nổi vì sao họ lại đảo ngược những gì Ngân hàng Nhà nước thông tin và đang làm. Chúng tôi sẽ có giải thích cụ thể”.

Cuối chiều 1/3, cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước đã đăng tải ý kiến chính thức, trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển đổi vàng phi SJC và hoạt động xuất nhập khẩu liên quan.

Cơ quan này cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, họ đã tổ chức thực hiện phương án tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu chi trả vàng miếng SJC cho người dân tại các ngân hàng thương mại.

“Về bản chất, phương án tạm xuất, tái nhập là việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng đổi vàng miếng phi SJC thành vàng tiêu chuẩn quốc tế bằng cách xuất khẩu vàng miếng phi SJC và nhập khẩu nguyên liêu tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng xuất khẩu bằng nhập khẩu. Toàn bộ chi phí thực hiện do các tổ chức tín dụng tự trang trải”, Ngân hàng Nhà nước giải thích.

Phương án trên giúp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, khắc phục điểm nghẽn kiểm định của SJC thời gian qua. Nếu không theo cách này, công ty SJC phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể kiểm định xong để tiến hành chuyển đổi (do thực tế việc kiểm định thời gian qua cho thấy không phải tất cả vàng cần chuyển đổi đều đủ tiêu chuẩn chất lượng).

Tổng lượng cần chuyển đổi là hơn 9 tấn, từ tháng 2/2013 đến nay đã tạm xuất tái nhập khoảng 2 tấn, phần còn lại dự kiến xong trong tháng 3. Do tạm xuất trước (có ngay ngoại tệ) rồi mới tái nhập sau nên không tác động đến cầu ngoại tệ và gây biến động tỷ giá, cũng như loại trừ tình huống bán khống từ việc tạm nhập rồi mới tái xuất.

Một vấn đề được chú ý là, chênh lệch giá giữa hơn 9 tấn vàng phi SJC đó với vàng miếng SJC sau khi chuyển đổi rơi vào túi ai? Ngân hàng Nhà nước cho biết, phần lớn số vàng đó là của người dân gửi các ngân hàng trước đây. Cơ quan này đã kiểm tra thực tế lượng tồn quỹ này 2 lần trước khi cho thực hiện phương án chuyển đổi.

Trước đây, nhiều người dân gửi vàng miếng phi SJC cho ngân hàng, nhưng khi đáo hạn chỉ chịu nhận vàng miếng SJC. Do vậy lượng vàng miếng phi SJC nói trên nằm kho suốt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đưa ra giải pháp chuyển đổi trên để tháo gỡ với điều kiện các ngân hàng không được thu thêm phí khi chi trả cho người gửi.

Theo Minh Đức
VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG