Sắp thu giữ hơn 2.000 xe biển ngoại giao trốn thuế?

Xe sang vi phạm bị thu giữ tại Công an tỉnh Phú Thọ
Xe sang vi phạm bị thu giữ tại Công an tỉnh Phú Thọ
TP - Vượt qua nhiều áp lực, Công an tỉnh Phú Thọ đã “sờ gáy” những chiếc đầu tiên trong hơn 2.000 xe ôtô loại sang trốn thuế nhờ treo biển số ngoại giao từ các sứ quán trên toàn quốc.

> Xử lý hơn 1.000 xe biển ngoại giao dùng sai mục đích

Trao đổi với Tiền Phong chiều 28-9, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Phòng CSĐT tội phạm kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Phú Thọ cho biết CQĐT đã bắt giữ 25 xe mang biển ngoại giao (NN và NG), trong đó 11 chiếc được bán đấu giá, thu lại cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Qua lời khai của các đối tượng sử dụng xe, kết hợp xác minh thông tin từ Bộ Ngoại giao, Cục xuất nhập cảnh cho thấy, lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước ta miễn trừ thuế ôtô đối với các nhân viên sứ quán, nhiều nhân viên ngoại giao đã tự ý bán lại các xe ôtô họ mua sử dụng trong nhiệm kỳ cho các công dân Việt Nam, trước khi họ về nước.

Tại Đại lộ Hùng Vương, TP Việt Trì, khi công an kiểm tra xe ô tô Porsche Cayeme BKS 80NN – 37608 do ông Nguyễn Đại Dương (trú tại Nam Thành Công, Hà Nội) điều khiển, ông Dương mang giấy tờ xe (chủ là Kyaw Phyo Htet, nhân viên sứ quán Malaysia, ở 298A Vạn Phúc, Hà Nội) nói rằng đã mua xe này giá 60.000USD, ông Kyaw đã viết giấy ủy quyền cho ông Dương sử dụng xe từ tháng 9-2009 đến nay.

Thực ra ông Kyaw đã hết nhiệm kỳ và về nước. Đáng ra xe phải được tái xuất hoặc đăng ký lại và nộp các loại thuế, phí và lệ phí theo quy định của luật pháp, nhưng chủ xe đã “làm chiêu” ủy quyền nhằm trốn thuế.

Cũng có trường hợp xe mang BKS 80 NG 37625 do ông Bùi Thanh Bình (ở Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) điều khiển, đã không xuất trình được bất kỳ một loại giấy tờ gì.

Tại bãi giữ của cơ quan điều tra, PV Tiền Phong thấy hàng loạt xe đắt tiền nhãn hiệu Benley, Porsche, Mecedes (trị giá hàng tỷ đồng) do các “thiếu gia” điều khiển bị thu giữ.

Những xe này đều đến từ Hà Nội và Hải Phòng có xuất sứ từ các sứ quán Camphuchia, Lào, Indonessia, Myanmar... Thiếu tá Dũng cho biết mỗi lần bắt giữ, xử lý một xe, hàng loạt cú điện thoại đến từ nhiều quan chức hòng can thiệp đã gây áp lực không nhỏ cho lực lượng.

Nhưng với quyết tâm thực hiện chỉ đạo từ Bộ Công an và áp theo quy định của pháp luật, Công an tỉnh Phú Thọ đã nghiêm khắc xử lý thành công. Đáng chú ý, có những chiếc xe đã chuyển nhượng cho người Việt Nam sử dụng hơn 10 năm nhưng vẫn lưu hành công khai và đối phó với cơ quan chức năng bằng các giấy ủy quyền được đóng dấu và ký khống.

Tổng số xe Phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ và Công an các huyện, thành phố tạm giữ trong thời gian từ 17-4 đến thời điểm này là 25.

Theo CQĐT, hầu hết chủ các phương tiện này đã về nước nên không thể truy cứu tội danh trốn thuế đối với người mua, do vậy đã ra quyết định xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng và tịch thu phương tiện.

Phú Thọ là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện bắt giữ xe tạm nhập hết thời hạn mang biển kiểm soát ngoại giao. Số xe ô tô bị tịch thu đã và đang được tổ chức bán đấu giá công khai, sung công quỹ.

Được biết, hiện cả nước còn gần 2.000 xe ô tô đã quá thời hạn tạm nhập mà không tái xuất hoặc thực hiện nghĩa vụ thuế khi chuyển giao quyền sử dụng, Bộ Công an đang triển khai việc làm của Công an tỉnh Phú Thọ ra nhiều địa phương, tiến tới xử lý kiên quyết loại xe trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG