'Không lấy tiền thuế của dân giải cứu doanh nghiệp'

'Không lấy tiền thuế của dân giải cứu doanh nghiệp'
Giải đáp lo ngại công ty mua bán nợ quốc gia quy mô 100.000 tỷ có thể sử dụng tiền ngân sách - thuế người dân, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định không có chuyện này.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời hôm 5-8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam - một lần nữa khẳng định, sự ra đời của Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) không phải là phương án duy nhất để xử lý nợ xấu.

"100.000 tỷ đồng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập trước Quốc hội là con số ước lượng tổng nợ xấu, nhưng giải quyết nợ xấu có nhiều biện pháp, không nhất thiết chỉ có công ty mua bán xử lý nợ. Bằng chứng là công ty đó chưa lập nhưng nợ xấu đã từng bước được giải quyết", ông Vũ Đức Đam lấy dẫn chứng.

Trước đó, nhiều ý kiến lo ngại về quy mô của AMC này khi phải cần tới vốn điều lệ lên tới 100.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng giải đáp những băn khoăn của dư luận về việc công ty AMC này có thể "ngốn" quá nhiều tiền ngân sách - tiền thuế của dân. “Tôi có thể khẳng định sẽ không có chuyện nhà nước lấy tiền ngân sách để cứu doanh nghiệp, cũng có nghĩa là không lấy tiền thuế của dân để lo cho một số doanh nghiệp như dư luận băn khoăn”, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh.

Theo ông, không cần thiết phải cần tới toàn bộ số tiền đó để xử lý nợ xấu. Ông phân tích: "Ai làm kinh doanh cũng biết, nếu làm khéo thì số vốn ban đầu rất nhỏ cũng cũng thể giải quyết số nợ lớn hơn, hơn nữa ngay cái số vốn nhỏ đấy cũng không phải nhà nước bỏ ra hết còn có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác".

Về những lo ngại cho rằng nền kinh tế có thể sẽ rơi vào suy thoái kép, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng điều này không có khả năng xảy ra mặc dù ông thừa nhận nền kinh tế đang có rất nhiều khó khăn. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được vốn vay, hàng tồn kho cao, đời sống của nhân dân chưa được cải thiện rõ rệt.

Mặc dù vậy, ông cho rằng cần phải tranh luận lại nếu nói rằng nền kinh tế đang suy thoái kép. “Nói chính xác là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với những năm trước đây và thấp hơn kế hoạch, chứ chưa phải suy thoái”, Bộ trưởng giải thích.

Bên cạnh đó, một vài ý kiến lo ngại kinh tế có nguy cơ giảm phát sau 2 tháng CPI liên tục tăng trưởng âm. Ông Vũ Đức Đam cho biết, chúng ta cần thấy rằng chỉ số lạm phát của tất cả các nền kinh tế đang phát triển đều rất thấp, chỉ ở mức 2 – 3%. Trong khi đó, theo tính toán, CPI của Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn từ 6%-7%.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung Ương cũng cho rằng quá sớm để nói nền kinh tế rơi vào giảm phát. Theo ông, giảm phát là tình trạng mà sự suy giảm của giá cả kéo dài từ 4, 5 tháng hoặc lan sang hai quý liền trong khi Việt Nam mới có 2 tháng liên tiếp CPI tăng trưởng âm. Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành cảnh báo, nếu nền kinh tế tiếp tục trì trệ, nợ xấu chưa được giải quyết thì nguy cơ giảm phát cũng cần được tính đến.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
TPO - Ngày 26/11 tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine sẽ họp khẩn cấp sau khi Nga tấn công vào một thành phố trung tâm của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm loại vũ khí này.