Thù lao triệu đô của các ông chủ ngân hàng

Nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn giữa lúc các doanh nghiệp lao đao Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh
Nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn giữa lúc các doanh nghiệp lao đao Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh
TP - Bất chấp kinh tế khó khăn, kết quả đại hội cổ đông của các nhà băng, cho thấy mức thù lao mà các ngân hàng thương mại (NHTM) dành cho các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) vẫn lên tới hàng triệu đô la...

> Lương 'khủng' của các ông chủ Việt

Tiền tỷ mỗi năm

Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Liên Việt Bưu điện gây “sốc” khi trong tờ trình của HĐQT, tổng mức thù lao cho các thành viên HĐQT và BKS năm 2012 dự kiến lên tới 45 tỷ đồng (khoảng hơn 3% lợi nhuận sau thuế), trong khi mức lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này dự kiến từ 1.325 tỷ đồng - 1.500 tỷ đồng.

Nếu chia bình quân tổng số 45 tỷ trên cho 8 thành viên HĐQT và 3 thành viên trong BKS, thì riêng khoản thù lao, mỗi người đã có hơn 4 tỷ đồng trong năm 2012.

Còn Ngân hàng Quốc tế (VIB) đề xuất mức thù lao năm 2012 cho HĐQT và BKS bằng 1% lợi nhuận trước thuế và trong mọi trường hợp đều không thấp hơn 13,3 tỷ đồng.

Nhiều cổ đông tỏ vẻ không hài lòng, cho rằng mức thù lao trên là quá cao nếu so với các doanh nghiệp lớn có quy mô lợi nhuận gấp 2 - 3 lần VIB.

Và đương nhiên, thù lao cho các VIP luôn tỷ lệ nghịch với cổ tức của cổ đông, trả thù lao càng cao cho các VIP thì tỷ lệ chia cổ tức càng ít đi.

Lý giải về mức thù lao, lãnh đạo VIB cho rằng đó là do đặc thù của HĐQT VIB là làm việc thường trực nên có thể khác mô hình tại các doanh nghiệp khác - thành viên HĐQT không thường xuyên làm việc tại ngân hàng.

Ở nhóm các NHTM cổ phần lớn của nhà nước, mức thù lao tuy có khiêm tốn hơn các NHTM tư nhân, nhưng nếu so với mức thu nhập chung cũng rất khủng.

Theo tờ trình đại hội cổ đông năm 2012, mức thù lao Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) công bố tiếp tục dự kiến là 0,28% lợi nhuận sau thuế (LNST), tương ứng khoảng 13,9 tỷ đồng.

Căn cứ để xác định mức thù lao năm 2012 được Vietcombank tính trên những chỉ tiêu kinh doanh cơ bản được trình và số lượng thành viên năm 2012, đồng thời tham khảo chi phí thù lao các ngân hàng khác.

Trước đó, năm 2011 mức phê duyệt thù lao với nhóm thành viên này cũng bằng 0,28% LNST, với tổng số tiền thực chi tương ứng 11,8 tỷ đồng.

Còn Vietinbank, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 9.000 tỷ đồng, lãnh đạo ngân hàng này đề nghị mức thù lao đối với HĐQT và BKS là 0,3% LNST.

Như vậy, nếu cứ tính đơn giản mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào 25% thì mức thù lao đó khoảng 20 tỷ đồng, trong khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), kế hoạch trích LNST trả thù lao HĐQT và BKS năm 2012 là 0,45% với con số phấn đấu lãi trước thuế là 5.800 tỷ đồng. Như vậy, mức thù lao dành cho HĐQT và BKS của BIDV cũng khoảng 19 tỷ đồng.

Theo một đại diện Ngân hàng Nhà nước, mức thù lao HĐQT và BKS của các NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối, đều được cơ quan này kiểm duyệt và các đơn vị trên đều trình báo cáo cơ quan quản lý theo luật định.

Căn cứ để xác định mức thù lao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: theo quy định của Luật DN, Quỹ tiền lương của ngân hàng được duyệt, những chỉ tiêu kinh doanh cơ bản cũng như số lượng thành viên HĐQT, còn đối với khối ngân hàng TMCP thì cơ quan này không có ý kiến.

Cổ đông nhỏ bất bình

Việc chi thù lao hàng triệu USD cho HĐQT và BKS các ngân hàng góp phần đẩy chi phí ngân hàng lên cao Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh
Việc chi thù lao hàng triệu USD cho HĐQT và BKS các ngân hàng góp phần đẩy chi phí ngân hàng lên cao. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh.
 

Tại Tờ trình đại hội cổ đông năm 2012 của các NHTM, phần căn cứ đề nghị mức thù lao đều có chung một nhận định: tình hình kinh tế thế giới 2012 không khả quan, kinh tế trong nước khó khăn.. xác định kế hoạch kinh doanh sẽ rất nặng nề, cạnh tranh quyết liệt.

Do đó, tính chịu trách nhiệm, công tác điều hành của HĐQT và BKS năm 2012 sẽ rất nặng nề và tăng lên rất nhiều.

Đây cũng là lý do hầu hết các ngân hàng đề nghị theo xu hướng hoặc giữ nguyên hoặc tăng mức thù lao cho các thành phần này. Kinh tế khó khăn, về nguyên lý thu nhập phải giảm, còn đây lại được giới chủ nhà băng lấy làm căn cứ để kiếm thù lao khủng.

TS Cao Sỹ Kiêm, hiện là thành viên HĐQT Ngân hàng Đông Á cho hay, thông thường thù lao của HĐQT, BKS chủ yếu do quan điểm của HĐQT ngân hàng đó quyết định, theo mức đóng góp công sức của những thành viên đó, đi kèm với sự phát triển của doanh nghiệp hoặc ngân hàng.

“Thù lao của thành viên HĐQT được tính vào chi phí doanh nghiệp theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty, phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên. Tiêu chí để đề nghị thù lao cho các thành viên này phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của mỗi một ngân hàng, doanh nghiệp” – Ông Kiêm nói.

TS Hoàng Trần Hậu, Phó giám đốc Học viện Tài chính, cho biết: “Hiện không có một đáp số cụ thể cho mức thù lao của HĐQT và BKS. Tại những NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối, mức thù lao phải đảm bảo theo mặt bằng chung và theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Còn với NHTM tư nhân, phán quyết cuối cùng vẫn thuộc về các đại diện chủ sở hữu và cổ đông sẽ phải thẩm định”.

Liên quan đến phản ứng của một số cổ đông nhỏ trước mức đề xuất thù lao cao ngất ngưởng cho HĐQT và BKS nhiều ngân hàng, ông Hậu cho rằng đúng là nhiều NHTM đang có mức thù lao cao không chỉ là 1% mà lên tới 2% LNST.

“Tuy nhiên, để hưởng mức thù lao cao tới cả trăm triệu /tháng, đổi lại trách nhiệm của thành viên HĐQT và BKS cũng sẽ nặng nề, lao tâm khổ tứ. Nói chung sẽ rất khó để đánh giá như thế nào là cao hay thấp, nhưng xu hướng chung là cần khuyến khích HĐQT để họ điều hành và có chiến lược tốt”- Ông Hậu nói.

Một đại diện ngân hàng cổ phần cho hay thực ra bản thân ông và các thành viên HĐQT không quá trông vào thù lao này để sống.

Khác với vị trí tổng giám đốc cần phải có một mức lương rõ ràng, hấp dẫn để thu hút và mời cho được nhân tài về điều hành, các thành viên HĐQT nhìn nhận đây như là một khoản trả công cho sức lao động mình đã bỏ ra.

Làm thế nào để “thù lao” thực sự thuyết phục được các cổ đông? Theo ông Hậu, ngay từ đầu HĐQT các ngân hàng phải có một barem xây dựng gắn với chỉ tiêu lợi nhuận là bao nhiêu thì sẽ được như thế. Nếu không đạt thì sẽ không có thưởng hoặc thù lao như thế chẳng hạn.

Tuy nhiên, với thân phận một cổ đông nhỏ của một ngân hàng cổ phần tư nhân, anh Nguyễn Hoàng (Hà Nội) tỏ ra bất bình, vì giới chủ nhà băng gần như không để ý đến quyền lợi của họ.

Bởi cổ tức ngân hàng này chia hằng năm rất thấp, thường không bằng lãi suất ngân hàng, trong khi chia thù lao quá cao. “Bất bình nhưng cũng chẳng làm gì được, vì luật pháp chưa có quy định để bảo vệ những cổ đông nhỏ như tôi”, anh nói.

Nơi tiền tỷ, nơi vài triệu

Theo tờ trình báo cáo thù lao của ban lãnh đạo và tổng giám đốc Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lương và trợ cấp của bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ năm 2011 là 111 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, CEO này còn nhận tiền thưởng tương đương 2,5 tháng lương.

Mỗi tháng, ông Đoàn Nguyên Đức nhận thù lao 240 triệu đồng cho vị trí Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai. Nếu tính theo năm, thù lao cho chức vụ Chủ tịch của bầu Đức là 2,88 tỷ đồng. Năm 2012, bà Nguyễn Thị Như Loan nhận thù lao 7 triệu đồng/tháng cho vị trí Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai.

Ông Nguyễn Quốc Cường, thành viên HĐQT (con trai bà Loan) nhận mức 3 triệu đồng. Tại các DNNN đã cổ phần hoá như Tập đoàn Viễn thông Viettel hay một số công ty dược phẩm, mức thù lao trung bình Chủ tịch HĐQT được nhận vào khoảng 3 triệu đồng/tháng, còn các thành viên khác từ 2-2,5 triệu đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.