Vì mục tiêu nông thôn mới

Làm đường giao thông nông thôn ở Chư Sê
Làm đường giao thông nông thôn ở Chư Sê
TP - Huyện Chư Sê-Gia Lai trải rộng trên 64.296 ha diện tích tự nhiên với gần 110.000 dân trong đó gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có 15 đơn vị hành chính gồm: 1 thị trấn Chư Sê và 14 xã. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, giao thông nông thôn Chư Sê đã từng bước nhựa hóa đến trung tâm các xã.

> Bán thầu hưởng chênh lệch hàng tỷ đồng

Tuy nhiên, để đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 Chư Sê cần tổng vốn đầu tư cho giao thông nông thôn hơn 1.000 tỷ đồng chiếm tỷ lệ lớn trong 2.422 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn mới toàn huyện.

Ông Phạm Văn Ân- Đội phó phụ trách Đội Giao thông công chính Chư Sê đưa chúng tôi đi một vòng quanh các tuyến “giao thông nông thôn” UBND huyện giao cho Đội chịu trách nhiệm duy tu bảo dưỡng. Từ thị trấn huyện qua xã Dun (5km)-Albá (13km) -Bờ Ngoong (20km) Bar-Mlăh (23km)-Ia Tiêm (32km) rồi ngược về thị trấn.

Các tuyến Chư Sê- Chư Pơng 12km; Chư Sê-Ia Lốp (6km) –Ia Ko (14km) năm nào còn lầy lội trơn trượt trong mưa giờ đã nhựa hóa phẳng lỳ…Huyện Chư Sê được xem là một trong số ít địa phương ở Gia Lai có mật độ giao thông nông thôn khá dày, gần như phá thế độc đạo ở tất cả các xã.

Huyện có 228 km đường giao thông liên xã, trục xã, đã trải nhựa 159km. Đường trục thôn xóm có 340 km, chỉ có 50,6km cứng hóa. Đấy là chưa kể hơn 334km đường ngõ xóm, hơn 347km đường nội đồng cần được đầu tư cứng hóa.

Các tuyến đường giao thông này cùng với trục quốc lộ 14 là mạch máu quan trọng đảm bảo thông suốt các hoạt động sản xuất, thu hoạch giao thương của hơn 44.000 ha cây trồng các loại của huyện, trong đó có 8.000 ha cà phê, 3.000 ha hồ tiêu, 7.000 ha cao su…

Để đảm bảo các tuyến giao thông trên thông suốt đặc biệt là vào mùa mưa khi các phương tiện tham gia giao thông chở quá tải chạy vào các đoạn đường còn đổ cấp phối khiến không ít đoạn bị hư hỏng, lầy lội là công việc hết sức khó khăn vất vả.

Do khó khăn về kinh phí chung, nên nhiều năm qua, định mức cấp cho hoạt động duy tu sửa chữa đường nông thôn thường không đủ, vì thế để cải thiện tình hình Đội giao thông công chính thực hiện phương châm: Làm cuốn chiếu những chỗ hỏng nặng, không thể tu sửa theo định kỳ.

Năm 2011 vừa qua, giao thông công chính Chư Sê thường xuyên duy tu sửa chữa các tuyến giao thông nội thị trấn, tu sửa đường từ Chư Sê đi Ia Bang, duy tu đường hai đầu cầu Ia Ring nằm trên trục đường xã Dun đi làng Pan-Chư Pơng, sửa chữa thay thế các biển báo hư hỏng, sơn kẻ vạch tiêm đường, san ủi và làm đường một số khu quy hoạch khu dân cư mới Kênh Siêu (Chư Pơng), Thôn 5 ( Ia Pal), san ủi mặt bằng một số làm đường khu quy hoạch chợ Bờ Ngoong, chợ Albăl…

Ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: Mục tiêu chung của huyện là xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển kinh tế, xã hội, với kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và cách thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với với đô thị theo quy hoạch.

Phấn đấu xây dựng xã hội nông thôn văn minh, dân chủ giàu bản sắc dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của dân ngày càng được nâng cao... Chư Sê phấn đấu đến năm 2015 có 4/14 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 có thêm 6 xã khác đạt chuẩn này.

Ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo huyện là phát triển giao thông đảm bảo cứng hóa đường làng ngõ xóm và một số vùng sản xuất nhằm đảm tốt dân sinh và vận chuyển nông thổ sản trong cả hai mùa mưa nắng. Muốn vậy, ngoài kinh phí đầu tư từ ngân sách Chư Sê đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giao thông nông thôn theo hướng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh cao su, cà phê trên địa bàn vào cuộc.

Vận động nhân dân làm đường làng ngõ xóm theo hướng “nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình quốc gia do trung ương đầu tư.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG