Khốn đốn vì nuôi nhầm vịt lạ

Giống vịt lạ nuôi hơn 3 tháng nhưng có con chỉ được hơn 2 lạng. Ảnh: Ngọc Văn
Giống vịt lạ nuôi hơn 3 tháng nhưng có con chỉ được hơn 2 lạng. Ảnh: Ngọc Văn
TP - Hàng trăm hộ dân tại tỉnh Thừa Thiên- Huế trở nên khốn đốn sau khi nuôi nhầm giống vịt lạ, không rõ nguồn gốc, được thương lái ngoại tỉnh bán dạo trôi nổi về khắp các làng quê trước đó.

Vịt chỉ đạt trọng lượng vài lạng sau nhiều tháng nuôi, bán không ai mua phải đem cho.

Giống vịt lạ nuôi hơn 3 tháng nhưng có con chỉ được hơn 2 lạng. Ảnh: Ngọc Văn
Giống vịt lạ nuôi hơn 3 tháng nhưng có con chỉ được hơn 2 lạng.
Ảnh: Ngọc Văn.
 

Thua lỗ vì ham rẻ

Hơn ba tháng trước, tại nhiều vùng quê tỉnh TT- Huế xuất hiện nhiều nhóm người lạ đi bán dạo gia cầm giống bằng xe máy. Họ chủ động tìm đến từng hộ chăn nuôi để gạ mua với giá rẻ. Mỗi con giống do người bán dạo cung cấp chỉ từ 6.000-13.000 đồng, trong khi giá mua ở chợ đắt gấp đôi, gấp ba.

Chị Nguyễn Thị Hoa (xã Hương Hòa, Nam Đông) cho biết: “Họ lặn lội lên tận huyện miền núi này để gạ bán vịt giống, giá rẻ bất ngờ. Dù nuôi vịt lâu năm nhưng tui vẫn bị lừa. Sau độ 1 tháng, vịt ăn rất khỏe nhưng vẫn không lớn, cổ và chân dài ra như con cò. Lúc này, tui mới biết đó không phải là vịt siêu nạc như họ từng giới thiệu”.

Không riêng chị Hoa, tại huyện miền núi Nam Đông có nhiều gia đình nuôi nhầm vịt lạ. Do ham của rẻ nên dân bị mắc lừa hàng loạt. “Loại vịt lạ này lúc mới nở nhìn rất giống vịt siêu nạc, mỏ hồng, lông và chân đều màu vàng. Nhờ đó, người bán dễ đánh lừa bọn tui.

Một vài nhóm bán dạo còn nhuộm đen lông vịt con để lừa đó là ngan. Sau vài ngày, lông bị phai thuốc nhuộm, ngan dỏm trở lại thành vịt”, bà Trần Thị Hải (xã Hương Hòa) kể. Chưa biết tên giống, dân chăn nuôi tạm gọi đây là loài “vịt cò”, do đặc điểm cổ dài, mình nhỏ, trọng lượng nhẹ. Bất kỳ hộ dân nào tại Nam Đông có nuôi giống “vịt cò” này khi tiếp xúc với chúng tôi đều than lỗ vốn.

Chị Hồ Thị Hương (xã Hương Hòa) nhẩm tính: “Tháng đầu chi phí thức ăn khoảng 50.000 đồng mỗi ngày. Sau khi phát hiện không phải vịt siêu nạc, tôi giảm xuống 40.000 đồng một ngày. Từ đó đến nay hơn 3 tháng, cả đàn hơn 30 con vịt lạ chưa bán được đồng nào, vì chẳng ai mua”. Nhỡ nuôi 50 con vịt lạ, chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn dưới cũng kêu lỗ trên 8 triệu đồng.

Tất cả số vịt lạ kể trên đều là giống đực. Giống vịt lạ này có tỷ lệ hao hụt khi đưa vào nuôi lớn hơn nhiều so với vịt siêu nạc hoặc vịt cỏ địa phương. “Dù chăm sóc kỹ càng, nhưng đàn vịt 50 con giống lạ này của tui cứ chết dần, nay chỉ còn hơn nửa. Xưa nay tôi chưa bao giờ nuôi phải giống vịt lạ lùng như thế”, ông Mai Sồ (Hương Hòa, Nam Đông) cho biết. Hộ bà Trần Thị Hải ở bên cạnh cũng gặp tình trạng tương tự.

Vịt Trung Quốc?

Trong khi chờ xác định từ cơ quan chức năng, người chăn nuôi tại TT- Huế tự đi tìm câu trả lời về nguồn gốc vịt lạ. Chị Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Có khách ngoại tỉnh ghé vào quán uống nước, tôi hỏi họ mới biết đây là giống vịt siêu trứng. Những con mái được giữ lại nuôi, còn con đực bị chủ lò thải loại sau khi vừa nở.

Qua phù phép của thương lái, con đực trở thành vịt giống siêu nạc dỏm. Họ tìm cách lừa bán cho người nuôi các nơi xa để hưởng chênh lệch. Họ nói rằng, vịt giống siêu nạc được sản xuất với số lượng lớn ở trang trại nên mới có giá rẻ như thế”.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Ánh, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Nam Đông: “Có thể đây là giống vịt siêu trứng của Trung Quốc. Vịt mái khi vừa nở được chủ lò chọn nuôi riêng. Con trống bị thải loại được thương lái mua về với giá rất rẻ để bán dạo. Vịt này rất chậm lớn, khiến người nuôi thua lỗ. Kiểm tra sơ bộ tại 3 xã, có khoảng 2.000 con vịt lạ đang được dân chăn nuôi.

Trạm đang tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý nguồn giống vật nuôi, bảo đảm có xuất xứ cụ thể, để tránh gây thiệt hại cho dân”.

Không riêng vùng Nam Đông, theo tìm hiểu của PV, giống vịt lạ chỉ toàn con đực này còn xuất hiện tại nhiều huyện khác của tỉnh TT- Huế. Vịt lạ ngoại lai không rõ nguồn gốc xuất hiện trên địa bàn từ nhiều tháng nay, nguy cơ mang theo các loại dịch bệnh nguy hiểm từ gia cầm nhưng Chi cục Thú y TT- Huế lại không biết.

“Chúng tôi chưa biết đây là vịt gì, xem qua ảnh trông hơi giống vịt siêu trứng Khaki Campbell. Ở Nam Đông thì họ bảo là vịt Bắc Kinh”. ông Đặng Ái, Trưởng phòng Chăn nuôi thuộc Chi cục Thú y tỉnh, phân trần.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.