Riêng báo Đảng Cờ giải phóng vẫn phải in thuê ở các nhà in Tô Panh, Lê Văn Tân đến thời gian chuyển thành báo Sự Thật tháng 12-1945 do đó việc in báo Đảng thường không được chủ động ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền của Đảng. Để có được nhà in báo Đảng năm 1946, Trung ương Đảng ta đã tiến hành mua lại Nhà in tư nhân Trung Bắc Tân Văn tại số 34-36 phố Phùng Hưng, Hà Nội. Những ngày đầu mới thành lập, nhà in Tiến Bộ chỉ có 10 máy in typô, 30 hộp chữ và gần 70 CBCNV. Cái tên Tiến Bộ đã ăn sâu vào trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ, công nhân viên in Tiến Bộ nói riêng và trở thành niềm tự hào của ngành in Việt Nam trong gần 7 thập kỷ qua. Cái tên Tiến Bộ thân thương và đáng tự hào ấy do chính Tổng Bí thư Trường Chinh đặt cho. Nhà in Tiến Bộ đã chính thức đi vào hoạt động sản xuất in sách báo tài liệu của Đảng từ ngày 8-9-1946. Và ngày 8-9 trở thành ngày Truyền thống của Công ty in Tiến Bộ.
Trải qua bao biến cố thăng trầm suốt quá trình 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, công nhân viên Nhà in Tiến Bộ khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ in các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng, góp phần cùng toàn dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.
Hòa bình lập lại, ngày 12-10-1954, Nhà máy in Tiến bộ tiếp tục cùng Trung ương, Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô Hà Nội và tổ chức triển khai in Báo Nhân Dân tại Hà Nội. Xưởng in Tiến Bộ được Ủy ban Quân quản ưu tiên cho tiếp quản toàn bộ trại giam Nhà Tiền tại 175 Nguyễn Thái Học có diện tích rộng tới 32.000m2. Tại trại giam Nhà Tiền của thực dân Pháp trước đây nay đã xây dựng xưởng in Tiến Bộ thành một pháo đài văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Năm 1956-1958, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức đã giúp đỡ cải tạo và xây dựng lại Nhà máy in Tiến Bộ trở thành nhà máy in hiện đại nhất miền Bắc với hai công nghệ in Typô và in Offset có công suất 600 triệu trang in/1 năm trên mảnh đất Trại giam Nhà Tiền. Trong thời gian này nhà máy tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ in ấn những tài liệu quan trọng của Đảng và Nhà nước. Với thành tích đã đạt được trong suốt những năm kháng chiến, năm 1957 Hồ Chủ tịch đã ký tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho Nhà máy. Do có nhiều thành tích trong chiến đấu và lao động sản xuất, ngày 11-5-1959 Nhà máy đã vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà máy in Tiến Bộ sơ tán lên khu rừng cọ tỉnh Phú Thọ và sơ tán tại Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây; Đông Cao, Yên Lãng, Vĩnh Phú. Tại nơi sơ tán, nhà máy đi vào sản xuất in các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Mặt khác, tổ chức thực hiện chi viện cho ngành in miền Nam. Những đóng góp của Nhà máy in Tiến Bộ đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp tuyên truyền, giáo dục và đấu tranh của quân, dân miền Nam, vào Đại thắng mùa Xuân lịch sử 30-4-1975 của dân tộc.
In Tiến Bộ tiếp tục vững vàng trong cơ chế kinh tế thị trường. Ngày 30-7-1994 Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định hợp nhất Nhà máy in Tiến Bộ và Công ty xuất nhập khẩu vật tư thiết bị ngành in Việt Nam thành Công ty In Tiến Bộ. Từ đó đến nay Công ty đã kịp thời loại bỏ công nghệ lạc hậu, đầu tư công nghệ tiên tiến hiện đại. Với thiết bị hiện có, Công ty in Tiến Bộ có khả năng in 16 tỷ trang in một năm.
Ngày 25-9-1998, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển Công ty in Tiến Bộ trở lại hệ thống in của Đảng trực thuộc Ban Tài Chính - Quản trị TW có nhiệm vụ in các tài liệu văn kiện, sách chính trị, báo, tạp chí bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, chính trị.
Ngày 1-12-2003, Ban Tài chính-Quản trị TW đã ban hành Quyết định chuyển đổi Công ty in Tiến Bộ thành Công ty TNHH một thành viên In Tiến Bộ. Ngày 1-4-2008, Theo thông báo 146 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Công ty in Tiến Bộ tiếp tục nằm trong hệ thống nhà in của Đảng trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng.
Trong 65 năm qua Công ty in Tiến Bộ đã hoàn thành nhiều tỷ trang in Văn kiện, các tài liệu chính trị quan trọng phục vụ các kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc; các tài liệu của Quốc hội, Chính phủ đảm bảo chất lượng, nhanh chóng, bí mật, chính xác, an toàn tuyệt đối. Trong quá trình 65 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty đã vinh dự được đón Bác Hồ và các đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đến thăm.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sản xuất, Công ty đã vinh dự 02 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động (năm 1985 và 2000). Được tặng thưởng 02 Huân chương Độc lập hạng Ba và hạng Nhất; 03 Huân chương Lao động, 02 Huân chương Chiến công, 01 Huân chương Kháng chiến. Công ty đã được Tổ chức sáng kiến kinh doanh châu Âu, tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thông tin về chất lượng sản phẩm trao các giải thưởng: Chất lượng vàng, Chất lượng bạch kim, Chất lượng kim cương.
65 năm - một chặng đường lịch sử vẻ vang, trong mỗi bước đi lên của Công ty in Tiến Bộ đều gắn liền với những dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc. Đó là nguồn động viên, khích lệ lớn lao, giúp CBCNV Công ty không ngừng thi đua sản xuất không ngừng “Tiến Bộ”, xứng đáng đơn vị 2 lần Anh hùng Lao động.
Nguyễn Xuân Thịnh
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty