Phát biểu tại Hội thảo “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020” ngày 14-6, TS Thành cho rằng, với mục tiêu này và mục tiêu cân bằng xuất nhập khẩu vào năm 2020, việc cấp bách đầu tiên là phải tạo ra các đột phá để cơ cấu lại thị trường và hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, tiêu chí chất lượng, hiệu quả, tính bền vững phải đặt lên hàng đầu.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, tình trạng nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo các quy định an toàn và môi trường còn khá phổ biến, nhất là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Việc nhập khẩu thiết bị lạc hậu, thực phẩm kém chất lượng, hóa chất độc hại từ Trung Quốc và qua các cửa khẩu tiếp giáp với Lào và Campuchia chưa được ngăn chặn. Quản lý nhập khẩu chưa tốt làm nảy sinh hiện tượng gian lận thương mại, làm trầm trọng thêm sự bất ổn định kinh tế và xã hội.
Các nhà nghiên cứu chính sách của Việt Nam cho rằng, phát triển xuất khẩu là con đường để Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Song, mục tiêu của chiến lược phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là phải gắn với tính bền vững và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo TS Lê Đăng Doanh, xuất khẩu của Việt Nam không hề bền vững và cần nhìn thẳng vào sự thật này để phân tích. Hiện cơ cấu xuất khẩu của ta chậm chuyển biến, qua từng ấy năm vẫn xuất khẩu các sản phẩm thô là chính. Các sản phẩm công nghiệp chỉ có dệt may, da giầy, hàng điện tử. Với chính sách vĩ mô này, lạm phát như hiện nay thì dệt may Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với Indonesia, Bangladesh vì ta phải tăng lương mà giá quốc tế là giá so sánh.
“Ta nhập siêu thế này sẽ dẫn tới phụ thuộc vào Trung Quốc, giống như dệt may. Nếu giờ Trung Quốc dừng cung ứng nguyên phụ liệu thì các nhà máy dệt may sẽ lao đao. Chúng ta hội nhập nhưng là hội nhập thụ động chứ không chủ động. Hiện ta mới mang đất đai, ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào. Đây là điều hết sức khó khăn và nguy hiểm đối với chúng ta”- Ông Doanh nói.