> Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt
Trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hôm qua diễn ra hội thảo “Năm 2050 - Theo đuổi tăng trưởng, phát triển bền vững và thịnh vượng của châu Á”.
Việt Nam cần có chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng (ảnh chụp Đại lộ Thăng Long – Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Hai kịch bản cho châu Á
Theo bản dự thảo Báo cáo châu Á 2050, trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu sẽ chuyển sang khu vực châu Á, khu vực có thể đóng góp khoảng 50% vào kết quả đầu ra, thương mại và đầu tư toàn cầu vào năm 2050 so với mức đóng góp 27% hiện nay. Khả năng đến năm 2050, sẽ có hai kịch bản: Thế kỷ của châu Á; Bẫy thu nhập trung bình.
Theo kịch bản một, sẽ có thêm 3 tỷ người châu Á có thể tận hưởng thành quả của sự thịnh vượng ít nhất cũng sớm hơn một thế hệ so với kịch bản bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tính cạnh tranh dài hạn của khu vực châu Á sẽ phụ thuộc vào kiểm soát sử dụng nguồn lực, bao gồm nguồn nước và lương thực, cũng như quản lý được khí các-bon.
“Chúng ta sẽ ở đâu trong 1-2 thế hệ tiếp theo và chúng ta phải đi theo con đường nào để đạt mục tiêu?”- Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đặt câu hỏi. Theo ông Giàu: “Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở với quy mô thương mại hai chiều lên tới 150% GDP năm 2010 - gắn bó chặt chẽ và được hưởng lợi nhiều từ sự trỗi dậy và triển vọng phát triển của châu Á.
Vấn đề đáng quan ngại trong khi châu Á là nguồn cung lương thực quan trọng của thế giới thì 5 nước bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu đều ở khu vực này (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và Nhật Bản).
“Việt Nam là một trong hai nước đang phát triển có khả năng bị tác động nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng. Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m sẽ có 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất khoảng 10% GDP. Tôi cho rằng cần hành động ngay để tránh phải trả giá trong tương lai” – Ông Giàu nói.
Để tư nhân đầu tư lĩnh vực trọng yếu
Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 dự kiến đạt từ 6,5 đến 7%/năm. Về thách thức của “bẫy thu nhập trung bình”, ông Ninh thừa nhận: Khi trở thành nước thu nhập trung bình thì nguồn vốn ưu đãi giảm dần mà vốn thương mại sẽ tăng lên.
“Chính phủ đã đặt ra chiến lược sử dụng nguồn lực tài chính, trong đó đặc biệt là nguồn lực từ trong nước, với mục tiêu huy động từ trong nước thông qua chính sách thuế. Tiếp đến là chiến lược nợ công bền vững, hạn chế vay kém ưu đãi hay vay thương mại cho đầu tư hạ tầng; lựa chọn dự án đầu tư hiệu quả để sử dụng nguồn vốn này”- Ông Ninh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đầu tư tư nhân, NHNN sẽ thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trước mắt, sẽ tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát cung tiền. Bên cạnh đó, NHNN điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá để kiểm soát lãi suất, tỷ giá.
Liên quan việc đầu tư của khu vực tư nhân tại Việt Nam, nhiều đại biểu quốc tế cho rằng, Việt Nam cần có những cơ sở pháp lý rõ ràng và minh bạch hơn cho khu vực này để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi bỏ tiền đầu tư, nhất là khi gặp phải những sự cố dẫn đến tranh chấp.
Thực tế khu vực kinh tế tư nhân đang dần chiếm vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, một khu vực tư nhân lớn hơn sẽ tạo đà cho tăng trưởng, củng cố thêm nền tảng cho cả nền kinh tế Việt Nam.
Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách mạnh mẽ để thu hút sự tham gia của khu vực này đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu hiện nay của đất nước.
Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, cho biết “Chiến lược và định hướng phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2020” đặt ra 9 nhóm giải pháp cơ bản: thực hiện vận hành giá cả hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường; tái cơ cấu nền tài chính quốc gia gắn chặt với tái cấu trúc và giải quyết các điểm nghẽn trong nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước; giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, duy trì dư nợ công trong giới hạn an toàn... |
Thảo luận cấp cao về hệ thống tiền tệ quốc tế Chiều 4-5, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Nhật Bản cùng các quan chức ADB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thảo luận cấp cao về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm thúc đẩy hơn nữa sự ổn định tiền tệ và tài chính toàn cầu. Các đại biểu cảnh báo rằng, một số nền kinh tế hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ hiện có hệ thống tiền tệ phụ thuộc chặt chẽ vào đồng đô la Mỹ và một số loại tiền tệ khác là không phản ánh đúng thực trạng kinh tế hiện nay. Hôm nay (5-5), Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc ADB chính thức khai mạc với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |