Tràn ngập nông sản Trung Quốc

Tràn ngập nông sản Trung Quốc
TP - Thị trường nông sản TPHCM những ngày này tràn ngập sản phẩm nhập ngoại, trong đó đa phần là các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

> Khó kiểm soát chất lượng rau, quả Trung Quốc 

Hành tỏi Trung Quốc các loại được bày bán tại chợ đầu mối Thủ Đức
Hành tỏi Trung Quốc các loại được bày bán
tại chợ đầu mối Thủ Đức.

Được chuộng vì rẻ

Sáng 24-11, có mặt tại chợ đầu mối Thủ Đức, chúng tôi ghi nhận phần lớn các sạp đang bày bán hành tím, tỏi, hành tây Trung Quốc. Chỉ lác đác một vài sạp có bán hành, tỏi Việt Nam. Chị Thúy - một tiểu thương cho biết: "Hành, tỏi Trung Quốc bán lẹ hơn, mà để lâu cũng không sao. Còn hàng Việt Nam cứ hai, ba ngày mà không phơi là ẩm, mốc, khó bán lắm".

Lý giải vì sao buôn bán mặt hàng hành, tỏi Trung Quốc thay vì hàng Việt Nam, anh Nam - một tiểu thương giải thích: "Mùa này hàng trong nước ít lắm, không đủ bán, nên phải lấy hàng nhập thôi." Theo anh Nam, ưu điểm của hàng rau củ Trung Quốc là rất to, đẹp, bóng, giá cả lại rất rẻ, vì vậy khá đông người ưa chuộng.

Theo ghi nhận của phóng viên, mức giá chênh lệch giữa nông sản Việt Nam và nông sản Trung Quốc là khá xa. Cụ thể: hành tím Trung Quốc giá 20.000 đồng/kg (hành Việt Nam giá 25.000 - 30.000 đồng/kg), tỏi Trung Quốc 40.000 đồng/kg (tỏi Việt Nam 45.000 đồng), bắp cải Trung Quốc giá 7.000 đồng/kg (bắp cải Đà Lạt giá 9.000 đồng), cà rốt Trung Quốc giá 10.000 đồng (cà rốt Đà Lạt 11.000 đồng).

Trả tiền cho 20 kg hành tím Trung Quốc, bà Kim (quận Thủ Đức) nói: "Nhà tôi làm hành phi, mỗi ngày làm cả chục ký. Làm hành Việt Nam thì lột vỏ tới chừng nào mới xong. Nên tôi lấy hành này về làm cho lẹ".

Từ các chợ đầu mối, nông sản được đưa về các chợ, siêu thị, cửa hàng khắp thành phố. Tại chợ Tân Định (quận 1), rau củ Việt Nam được bán với giá khá cao trong khi hàng Trung Quốc luôn rẻ hơn từ 10-20%. Theo một tiểu thương bán rau củ tại chợ Bình Điền, những người mua về để ăn thường chọn hàng Đà Lạt vì ngon hơn, còn ai mua về để kinh doanh quán ăn hay bán lẻ thì lại thích lấy hàng Trung Quốc, vì rẻ, lại đẹp. "Còn có độc gì không thì ai mà biết được", chị nói.

Mập mờ xuất xứ...

Theo bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Chợ đầu mối Thủ Đức, năm nay , số lượng rau củ từ Trung Quốc nhập về tăng vọt. Bà Hà ví dụ ngày 23-11, trong 1.374 tấn rau củ các loại được đưa về chợ có 212 tấn có xuất xứ Trung Quốc. Riêng mặt hàng trái cây cũng có tới 25 - 30% số lượng có nguồn gốc từ nước ngoài như Trung Quốc, Mỹ, New Zealand..., nhưng phần lớn là từ Trung Quốc.

Bà Hà cho biết, lượng nông sản nhập ngoại này có mức tăng giảm tùy từng thời điểm trong năm. Trước câu hỏi về chất lượng cũng như nguồn gốc sản phẩm, bà Hà lý giải: "Chợ chỉ quản lý lượng hàng nhập về mỗi ngày là bao nhiêu, nhập từ nước nào. Còn chất lượng thì có lẽ khi xuất qua cửa khẩu là do các cơ quan chức năng kiểm định". Theo bà Hà, chắc chắn người tiêu dùng cũng phải biết chất lượng hàng và tự chọn.

Tuy nhiên, có một thực tế ghi nhận ngay tại các chợ đầu mối này, đó là dù hàng trái cây Trung Quốc cũng được bày bán rất nhiều (lê, cam, hồng dòn, quýt... đóng trong thùng xốp) nhưng nếu mua lẻ bên ngoài, hầu hết người bán đều khẳng định đó là hàng Hà Giang, Hà Nội hay nhập từ Thái Lan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.