Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ với Tiền Phong, quanh chuyện thu hút FDI tại Việt Nam.
Loạt bài Những đại dự án FDI vốn ảo trên Tiền Phong được nhiều chuyên gia lên tiếng, cảnh báo. Ảnh: Đình Thắng. |
Không làm được thì mời ra
Báo Tiền Phong vừa đăng loạt bài về Những đại dự án FDI vốn ảo. Câu chuyện này cho thấy những bất ổn nào trong thu hút FDI tại Việt Nam, thưa bà?
Formosa không phải là đơn vị mạnh về ngành thép ở Đài Loan. Tuy nhiên, chúng ta lại chào đón họ vào với số vốn đăng ký lên tới 16 tỷ USD, thực sự tôi cũng thấy ngạc nhiên. Nếu thẩm tra lại, hỏi các cơ quan Đài Loan là biết ngay năng lực của họ.
Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp hiện nay trước khi đặt bút ký hợp đồng với đối tác nào đó thì họ thuê tư vấn, ngân hàng thẩm tra lại đối tác. Các cơ quan đầu mối của ta ở bên ngoài như Thương vụ cũng có thể hỗ trợ việc thẩm tra này. Chi vài trăm USD sẽ biết được năng lực thực sự của doanh nghiệp trước khi ký những hợp đồng triệu USD, làm như thế chắc chắn sẽ bớt rủi ro. Với những dự án lớn như vậy, thiếu việc thẩm tra là đáng tiếc.
Các cơ quan nhà nước ở cấp T.Ư khi phân cấp cho địa phương cũng nên quan tâm hỗ trợ, nhất là những địa phương gặp khó khăn, thiếu điều kiện, năng lực thẩm định. Nên giúp địa phương thẩm tra lại chứ không nên hùa theo ngay. Bởi khi dự án đổ bể hậu quả rất lớn.
Đối với các dự án ảo, chính quyền đã lỡ cấp phép thì các bộ ngành cần tích cực cùng với địa phương rà soát lại, chứ không nên để các địa phương tự làm. Với những dự án nhà đầu tư làm chậm trễ nhưng họ vẫn muốn làm tiếp thì phải kiên quyết buộc họ đảm bảo đúng tiến độ.
Số tiền đặt cọc cũng phải đảm bảo theo quy định, không thực hiện được thì mời họ ra. Quá trình họ mang vốn đầu tư vào phải giám sát chặt. Các con số do Bộ KH&ĐT đưa ra cho thấy các nhà đầu tư chỉ có 28% vốn khi cam kết thực hiện dự án. Đây là tỷ lệ quá nhỏ, không đảm bảo để thực hiện dự án. Phải có đòi hỏi nghiêm ngặt về việc này.
Quan chức không làm môi giới
Thực tế cho thấy có một số quan chức Việt Nam là những người đóng góp tích cực trong việc đưa các dự án lớn vào, trong đó có cả những dự án rởm như dự án thép 30 tỷ USD của tập đoàn Eminence đầu tư vào Thanh Hóa năm 2007?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Khi thực hiện phân cấp mạnh như hiện nay, chúng ta đã làm loãng, thậm chí nhòa đi trách nhiệm của cơ quan cấp phép. Việc chọn nhầm các dự án rởm và bị đổ bể thường được đổ do phân cấp, do địa phương không có đủ năng lực thẩm định. Nhưng về các địa phương thấy hầu hết lãnh đạo các tỉnh đều nói rất nhiều trường hợp dự án FDI lớn là do T.Ư giới thiệu.
Có những dự án được cho là triển khai do sức ép từ ông này, ông nọ. Đến khi địa phương hỏi ý kiến thì bộ này, bộ kia không trả lời, hoặc trả lời theo kiểu cứ làm đi. Chính vì vậy khi dự án có vấn đề, sẽ rất khó biết trách nhiệm thuộc về ai.
Cách phân cấp hiện nay không ổn, không làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan. Cùng với đó là thiếu hệ thống giám sát xem những người đưa ra quyết định đã làm đầy đủ quy trình theo quy định của pháp luật chưa.
Giờ có nhiều trường hợp, như việc cho thuê đất rừng chẳng hạn, chính Phó Thủ tướng giải thích là địa phương làm đúng quy trình. Nếu như vậy quy trình của chúng ta sai, có vấn đề. Nếu quy trình có vấn đề thì lỗi thuộc về những người đặt ra quy trình đó. Không thể đơn giản vì làm đúng quy trình nên khi có vấn đề xảy ra thì ai cũng đổ tại quy trình và không ai chịu trách nhiệm. Nếu được thẩm định độc lập, có sự giám sát của dân có lẽ đỡ hơn.
Bà nhìn nhận thế nào việc quan chức dẫn mối dự án và có cảnh báo gì về việc này?
Theo tôi, cá nhân quan chức đi giới thiệu dự án đầu tư ở các địa phương là việc không hay, không nên làm. Chúng ta có sự lẫn lộn trong vai trò của các cơ quan trong việc đi xúc tiến, thúc đẩy quan hệ với việc tham gia các dự án cụ thể.
Với những dự án nhà đầu tư làm không đúng nhưng quan chức vẫn cố ép địa phương thực hiện thì rất cần phải xem xét lại. Xem đằng sau sự nhiệt tình đó là cái gì. Chuyện quan chức đi làm xúc tiến đầu tư như vậy cần chấm dứt. Các quan chức có cương vị cao thì càng không nên làm việc này. Chỉ nên cam kết nếu nhà đầu tư làm nghiêm túc thì sẽ nhận được sự ủng hộ tối đa của Nhà nước, còn việc giải quyết cụ thể thì để các cơ quan địa phương làm việc theo chức trách. Phải rạch ròi quan chức không nên là nhà môi giới.
Phải có định hướng
Các chuyên gia cho rằng thu hút FDI của Việt Nam còn nhiều bất ổn, các địa phương mới chú ý đến số vốn đăng ký chứ không có sự chọn lọc dự án theo hướng đặt nặng việc chuyển giao công nghệ, tạo việc làm?
Ở những nước có trình độ phát triển cao như Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu hay ở Nhật Bản thì họ vẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Cách thu hút của họ hoàn toàn khác với ta. Không phải Chính phủ đứng ra thu hút đầu tư mà Chính phủ chỉ tạo môi trường phát triển và hoan nghênh các doanh nghiệp vào làm theo đúng luật pháp. Các dự án vào nước họ đều được thẩm định rất kỹ lưỡng.
Thay đổi cần thiết trong thu hút FDI ở Việt Nam trong thời gian tới, theo tôi cái mình cần là công nghệ, năng lực quản lý, kết nối thị trường để Việt Nam tham gia chuỗi thị trường toàn cầu chứ không phải như cách làm lâu nay. Công nghệ đưa vào ở mức rất thấp, không đáng kể. Ngay cả ở những lĩnh vực được coi là chất lượng cao thì hàm lượng công nghệ cũng vẫn thấp. Nhà đầu tư chỉ đưa vào những khâu sản xuất với công nghệ thấp nhất. Như dự án của Canon tại Việt Nam chủ yếu là lắp ráp.
Cảm ơn bà.
Phạm Tuyên thực hiện