>> Đăng ký dự án tỷ đô rồi chuyển nhượng
Ông Nguyễn Trần Bạt. |
Buông lỏng thẩm định
Ông đánh giá thế nào về chất lượng FDI vào Việt Nam những năm gần đây?
Chất lượng FDI vào Việt Nam những năm qua không tốt bằng những năm trước đây. Do quan niệm về FDI bắt đầu có vấn đề từ dăm bảy năm trở lại đây. Đặc biệt từ khi chúng ta phân cấp, phân quyền quyết định các dự án cho lãnh đạo các tỉnh, TP.
Hiện nay, có thể nói, ở Trung ương trong con mắt của cơ quan quản lý nhà nước, FDI là một khát vọng về sự phát triển, về sự đòi hỏi cần phải có nguồn vốn, dự án để làm đẹp bức tranh thống kê về sự phát triển kinh tế nói chung.
Đối với địa phương, nhiều nơi cũng mắc bệnh thành tích, để có những con số phục vụ việc thi đua giữa người đứng đầu các chính quyền địa phương với nhau. Chính vì thế, người ta ít đếm xỉa đến nội dung, chất lượng dự án, tạo sự chểnh mảng trong việc thẩm định chất lượng đầu tư, độ tin cậy của dự án.
Ông có thể nói rõ hơn nguyên nhân khiến chất lượng các dự án FDI vào Việt Nam bị giảm sút, dù về mặt con số các dự án, số vốn đăng ký vẫn tăng mạnh?
Chất lượng giảm do chúng ta không quan niệm đúng về đầu tư nước ngoài. Ở giai đoạn đầu tiên về thu hút FDI, các dự án khi vào Việt Nam đều được cân nhắc, thẩm định kỹ về kinh tế, chính trị, ngoại giao... Những vấn đề an ninh quốc phòng được xem xét rất kỹ trong từng dự án, kể cả ở những dự án có vốn đầu tư chỉ 1 triệu USD.
Còn nay, có thể thấy chúng ta phần nào chịu ảnh hưởng của bệnh thành tích. Chúng ta không phân tích một cách cặn kẽ dự án đầu tư như một đối tượng kinh tế nữa mà phân tích như một công cụ tạo ra tăng trưởng. Khi có dự án, việc thẩm định không kỹ, chưa kể khi đã phân cấp, bản thân các tỉnh, TP cũng chưa có cơ quan chuyên môn và đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để có thể thẩm định được.
Nhưng Chính phủ không thể ôm việc mãi được, nhất là trong bối cảnh thực hiện cải cách hành chính, thưa ông?
Thực ra, không phải gần đây mới phân cấp. Trước đây chúng ta cũng có phân cấp, những dự án nằm trong khu công nghiệp do ban quản lý khu công nghiệp và chính quyền địa phương cấp giấy phép, thậm chí cả cung cấp dịch vụ để hoàn tất việc cấp phép.
"Do sự thi đua phát triển của các địa phương dẫn đến Chính phủ không đủ thời gian để thẩm định, hay nói cách khác các cơ quan của Chính phủ không đủ thời gian và không nỡ lòng thẩm định quá chặt chẽ để mang tiếng cản trở sự phát triển của các địa phương" - Ông Nguyễn Trần Bạt |
Khu công nghiệp Đồng Nai là ví dụ về sự tiên phong của các khu công nghiệp trong việc tự quản cấp giấy phép. Tuy nhiên, sự phân cấp ấy được làm theo quy trình bài bản.
Nhưng đến gần đây mọi việc không còn đơn giản như thế nữa. Các dự án khổng lồ, những dự án sử dụng tới hàng nghìn hécta đất đều không qua con đường thẩm định chuyên nghiệp nữa.
Việc có một số dự án FDI khổng lồ thất bại là do chúng ta nôn nóng, bỏ qua một bước rất quan trọng trong kêu gọi đầu tư là không chỉ thẩm định trực tiếp chủ đầu tư mà còn phải thẩm định qua các developers (người phát triển dự án). Quá trình kêu gọi đầu tư là một quá trình chuyên nghiệp.
Trên thế giới có danh sách các developer, có uy tín trong kêu gọi đầu tư như Nomura, Richard Ellis… Các đơn vị này không phải là những người có vốn để thỏa mãn nhu cầu phát triển của một dự án nhưng lại là một tổ chức có uy tín để tổ chức một cộng đồng các nhà đầu tư. Chính họ khi kêu gọi nhà đầu tư đã phải tự thẩm định, trước khi giới thiệu cho nước sở tại. Và thường thì họ phải tự biết chọn nhà đầu tư chất lượng, để giữ uy tín của mình.
Việc thẩm định các dự án FDI hiện đang “có vấn đề”, cụ thể ra sao?
Kinh nghiệm cho thấy, những ai bỏ tiền quá 100 triệu USD một cách dễ dãi, dứt khoát không phải là nhà đầu tư thật. Việt Nam chưa phải là quốc gia khiến bất kỳ người giàu có trên thế giới nào cũng dễ dàng bỏ quá 100 triệu USD để đầu tư.
Tất cả những ai đưa ra cam kết đầu tư 100 triệu USD trở lên là Nhà nước phải thẩm định kỹ càng. Có những vùng đất người ta bỏ ra 10 tỷ USD không cần phải bàn. Nhưng có những đất nước người ta bỏ 10 triệu USD ra đầu tư là phải thận trọng, thẩm định kỹ càng.
Việc thẩm định dự án 10 triệu USD, 100 triệu USD hay 1 tỷ USD quy trình như nhau. Đã có thời kỳ Bộ KH&ĐT yêu cầu nếu không có xác nhận của các ngân hàng về số vốn hay tiền đọng trên tài khoản của công ty đó, không có cam kết của ngân hàng cấp vốn cho dự án thì sẽ không được cấp phép. Giờ chúng ta bỏ qua việc này.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ chất lượng FDI vào Việt Nam thấp là do chúng ta không có định hướng cụ thể, nên gần như nhà đầu tư nào vào cũng được chào đón?
Đúng là có hiện tượng như vậy. Vì các tỉnh ganh đua nhau. Có một người bạn của tôi ở Hưng Yên khi gặp khoe tỉnh em phấn đấu vào câu lạc bộ 1.000 tỷ (thu thuế), sau này là 10.000 tỷ... Dần dần trong xã hội sẽ tạo ra sự chạy đua phát triển không có mục tiêu và đến lúc nào đó sẽ dẫn tới phát triển nóng một cách không điều chỉnh được. Đây là điều Trung Quốc đã gặp phải.
Xem lại việc phân cấp
Theo ông, để nâng cao chất lượng thu hút các dự án FDI vào Việt Nam, chúng ta phải làm gì?
Phải xác định lại, tổ chức lại quy trình thẩm định các dự án dựa trên kế hoạch phát triển nền kinh tế. Tức là phải có kế hoạch tổng thể phát triển từng ngành kinh tế. Hạn chế đến mức tối đa có thể bệnh thành tích, làm hại đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời nghiên cứu lại chế độ phân cấp. Đến tỉnh thì làm bao nhiêu, động chạm bao nhiêu tài nguyên đất đai, tín dụng… trên mức đó là thuộc về quyền của Chính phủ.
Tất cả các giới hạn đó đều phải thuộc quyền kiểm soát của Quốc hội, chứ không phải như hiện nay Quốc hội chỉ quyết định, giám sát dự án trên 35.000 tỷ đồng (bằng vốn ngân sách). Các bộ ngành phải làm tốt vai trò cố vấn, thẩm định kỹ thuật trên các tiêu chí: Có khuyến khích sử dụng lao động địa phương, chuyển giao công nghệ…
Nếu quyết định chọn nhà đầu tư sai, lãng phí sẽ rất lớn. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong lĩnh vực này?
Ở đây không chỉ lĩnh vực thu hút FDI, mà rất nhiều lĩnh vực khác chưa có quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu. Ở lĩnh vực này trách nhiệm của những người đứng đầu ở mọi cấp cần sớm được quy định bằng luật pháp.
Cảm ơn ông.
Giải ngân FDI chỉ đạt hơn 30% Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến cuối năm 2007, sau 20 năm (1988-2007), cả nước có hơn 9.500 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 98 tỷ USD (kể cả vốn tăng thêm). Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tỷ trọng lớn nhất với 5.745 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 50 tỷ USD. |