Còn luẩn quẩn, nếu nông dân 'tự bơi'

GS -TS Võ Tòng Xuân
GS -TS Võ Tòng Xuân
TP - Giá lúa tại ĐBSCL đã nhích lên khoảng 100 đồng/kg, so với tuần trước, nhưng vẫn ở mức thấp (chỉ từ 3.100 đến 3.200 đồng/kg), nông dân không có lời, dù Chính phủ đã quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo.
GS -TS Võ Tòng Xuân
GS -TS Võ Tòng Xuân.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, nếu cứ để nông dân tự bơi, bài toán đầu ra giá lúa gạo mãi vẫn trong vòng luẩn quẩn.

Nông dân vẫn tự bơi

GS thấy sao khi cứ đến mùa gặt nông dân lại nơm nớp vì lúa chất đống mà giá lại tụt giảm?

Vấn đề là do nông dân sản xuất chưa coi trọng kế hoạch, cái này xuất phát từ cách điều hành của Nhà nước đối với mặt hàng nông sản. Cùng đó là sự thiếu liên kết của doanh nghiệp (DN) ở khâu lưu thông, phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Chẳng hạn, để nâng cao chất lượng hạt gạo phục vụ xuất khẩu, chúng ta hướng dẫn nông dân chuyển giống lúa IR 50404 chất lượng thấp sang giống năng suất, chất lượng cao như OM 1490, OM 2517, VD 20… Nhưng khi nông dân hỏi: “Thu hoạch xong ai mua”, họ nhận được câu trả lời: “Không biết”!

Nông dân chỉ biết sản xuất, rồi chờ thương lái tới mua, để chắc ăn, họ nhớ mùa trước thương lái ưa loại lúa gì thì mùa sau gieo loại đó. Và khi giống đó năng suất không cao nữa, họ lại tìm giống khác đầu tư ít, năng suất cao hơn để làm. Nông dân vẫn trong cảnh tự bơi, không có tổ chức, họ muốn trồng gì, nuôi gì thì làm.

Theo ông, nông dân đang được hưởng mức nào trong chuỗi giá trị nông sản?

Nông dân làm ra hạt gạo, nhưng mức lãi trong chuỗi giá trị (doanh nghiệp - thương lái - nông dân) chừng được 5% là nhiều, thậm chí, nếu gieo trồng không đúng kỹ thuật còn lỗ.

Chẳng hạn, 1 kg lúa ở Tân Hiệp (Kiên Giang) có lúc giá chỉ còn 2.200 đồng/kg, trong khi đó ở Tiền Giang, Đồng Tháp lên tới 3.400 đồng/kg. Nếu DN mua đến 4.000 đồng/kg, thì có ông thương lái lời khoảng 500 đồng/kg.

Có hiện tượng nông dân lãi ít, thậm chí thua lỗ một phần do DN ép giá không, thưa ông?

Lâu nay, cách làm ăn của DN mang tính chộp giật nhiều, không tuân thủ quy cách thương trường quốc tế. Lỗi ở đây, nhìn sâu xa là do Nhà nước. DN dùng nhiều chiêu thức làm ăn có thể gạt nông dân, nhưng Nhà nước phải cầm trịch để quản lý. Nạn phân bón giả, thuốc trừ sâu giả... nếu Nhà nước không dẹp được thì nông dân còn khổ nữa.

Phải lập vùng nguyên liệu

Thưa ông, vì sao sản lượng lúa của ta cao, nhưng giá trị thu được lại rất thấp?

Ở ta, trên cùng cánh đồng, có rất nhiều giống lúa. Thương lái thu gom đủ số lượng theo đặt hàng DN, phải mua của nhiều hộ, buộc phải trộn lẫn. Lúc hàng đến tay DN để xuất khẩu là một khối hỗn độn, như thế làm sao tạo dựng, đăng ký được thương hiệu? Thực tế, sản phẩm nước ta bán nhiều nhất, nhưng thu nhập ít nhất chính là gạo, vì không có thương hiệu.

Nhưng DN ít quan tâm tới xây dựng thương hiệu, thưa ông?

Đối với lúa gạo, hiện chúng ta có sẵn mấy ông DN lương thực rồi, nhưng không ai chịu nhảy vô để làm, mà mua qua thương lái. Muốn xây dựng thương hiệu thì nhà khoa học phải giúp DN, nông dân và Nhà nước phải có chính sách gắn mấy ông này lại.

Chẳng hạn, Nhà nước đưa ra chính sách, nếu DN làm ăn riêng lẻ, sẽ không được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ về vay vốn, lãi suất. Nhưng khi doanh nghiệp kết hợp làm để xuất khẩu, Nhà nước sẽ ưu đãi về thuế, lãi suất, lợi thế nhiều mặt, ắt DN nhảy vào thôi.

Phạm Anh
Thực hiện

Trong khi nông dân ĐBSCL đang chịu cảnh lúa rớt giá, ngày 9-7, tại cuộc họp bàn việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho nông dân, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong chỉ đạo: “Chúng ta nên... phớt lờ mức lợi nhuận 30% (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc mua lúa gạo phải đảm bảo nông dân có lời 30%-pv), phớt lờ luôn giá sàn thu mua, nhưng yêu cầu DN không được mua dưới giá 3.500 đồng/kg, trên cơ sở đó, VFA sẽ tính toán ra giá gạo để triển khai thu mua”. Lạ thay, sáng kiến này lại được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên tán thành.
MỚI - NÓNG
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
TPO - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, công bố quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 17/1 hằng năm làm Ngày truyền thống của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại buổi lễ.