Sản phẩm không có đầu ra, ngư dân chỉ biết đem hàng trăm viên ngọc ra lau chùi mỗi ngày rồi cất trở lại vào ngăn tủ.
Làm lấy được
Theo ông Lê Túy - Chủ tịch UBND xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc), mô hình nuôi trai lấy ngọc thử nghiệm lần đầu trên địa bàn từ năm 2003, Trung tâm khuyến ngư tỉnh và đối tác vùng Nord Pas de Clais (Pháp) hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, con giống. Ngân sách xã và nguồn vốn dự án chịu thêm chi phí đưa ngư dân đi học tập kinh nghiệm nuôi, kỹ thuật cấy ngọc tại Vân Đồn (Quảng Ninh).
Năm đầu, gặp thời tiết thuận lợi, tỷ lệ trai có ngọc đạt 26 phần trăm, cao hơn cả Vân Đồn. Tuy nhiên, mô hình sớm kết thúc, dừng lại phục vụ nghiên cứu khoa học.
Năm 2005, mô hình tái thực hiện tại Lộc Bình, thuộc chương trình “Nông thôn miền núi” của Bộ KH&CN chuyển về Sở KH&CN triển khai, quy mô đầu tư lớn hơn, nhưng lập tức nhận khuyến cáo từ Sở Thủy sản (cũ).
Ông Hoàng Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phân tích: “Nuôi trai lấy ngọc thường kéo dài trên một năm và đòi hỏi công nghệ cao, không thể làm nửa vời, vùng ven biển Thừa Thiên - Huế mưa bão khắc nghiệt, rất dễ gặp rủi ro, đầu ra khó. Mô hình trị giá khoảng một tỷ đồng, nhưng Sở Thủy sản từ chối lời đề nghị làm chủ đầu tư từ Sở KH&CN. Mô hình sau đó chuyển qua Hội Nghề cá và Cty Nuôi & Dịch vụ thủy sản”.
Khuyến cáo ban đầu của ông Việt không thừa, cuối năm 2006 mô hình thất bại do ảnh hưởng nặng nề của bão số 6 và mưa lũ.
Không hiệu quả, nhưng mô hình tiếp tục triển khai tại Lộc Bình năm 2007, vẫn do Cty Nuôi & Dịch vụ Thủy sản và Hội Nghề cá tỉnh đảm trách, 15 hộ dân tham gia với 400 lồng nuôi.
Ngư dân được hứa hẹn tạo điều kiện chế biến ngọc thô thành ngọc tinh tại chỗ, tổ chức làng nghề phục vụ du lịch và tiêu thụ sản phẩm theo hướng sản xuất bền vững, nhưng tất cả chỉ là hứa hão.
Tháng 8/2008, các đơn vị, dự án lần lượt rút đi, bỏ mặc ngư dân với hàng trăm sản phẩm ngọc thô không ai mua.
Thả tay
Mân mê mớ ngọc thô gần 100 viên lấy ra từ ngăn tủ, ông Lê Viết Sơn (thôn Hải Bình) ngán ngẩm: “Anh em tui lặn ngụp, cấy ghép từng con trai bất kể nắng mưa, mấy năm trời mới có được mớ ngọc thô này. Công ty rút đi, không ai còn nhắc chi chuyện tiêu thụ sản phẩm giúp dân. Không lẽ, ngần ấy viên ngọc mà bọn tui tự mang đi Quảng Ninh hay Phú Quốc tiêu thụ, liệu có đủ tiền tàu xe”.
Tháo gỡ dàn gỗ nuôi trai bắt đầu mủn mục từ đầm Hải Bình về làm củi và dựng lại chuồng gà, anh Nguyễn Dũng lắc đầu chua chát: “Làm nghề ngư từ rất lâu, tui chưa khi mô nuôi loài thủy sản kém hiệu quả như ri, mấy năm liền mà không thu lợi được lấy một ngàn đồng”.
Lồng nuôi trai bị gỡ về làm củi |
Không riêng ông Sơn, ông Dũng, tất cả dân nuôi trai ở Lộc Bình đồng loạt buông tay trước mô hình mà họ ba lần được vận động theo đuổi, từng là hy vọng xóa nghèo.
Mô hình hoàn toàn bị xóa sổ, trên 90.000 con trai giống và trai bố mẹ các năm trước chết sạch do thiếu đầu tư, chăm sóc và ảnh hưởng môi trường, gần 400 lồng nuôi bị phá bỏ, ngư dân trắng tay. |
Hiện, mô hình hoàn toàn bị xóa sổ, trên 90.000 con trai giống và trai bố mẹ các năm trước chết sạch do thiếu đầu tư, chăm sóc và ảnh hưởng môi trường, gần 400 lồng nuôi bị phá bỏ, ngư dân trắng tay.
Theo ông Hoàng Ngọc Việt, nuôi trai và nhiều loài nhuyễn thể tại Thừa Thiên - Huế phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết, còn mang tính hên xui do phát triển tràn lan.
Ngành thủy sản sẽ sớm xây dựng quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý trong phát triển các loài nhuyễn thể. Đây là cách để tránh lặp lại tình trạng nuôi thủy sản ồ ạt, thiếu cơ sở khoa học, chạy theo dự án, sai địa chỉ, gây lãng phí tiền của Nhà nước, mất lòng tin và thiệt thòi cho dân.