“Bìu voi”giun chỉ nặng 25 kg của ông Lê Văn Đ. Ảnh: Đàm Văn Cương |
Người đầu tiên là ông Lê Văn Đ 40 tuổi ở xã Trường Long (Châu Thành A, Hậu Giang) bị bệnh từ năm 12 tuổi, đã điều trị nhiều nơi không hết và phải sống độc thân với cái bìu to nặng đến 25kg.
Trong niềm hy vọng cuối cùng, ông đến Khoa Ngoại niệu của Bệnh viện Đa khoa Trung ương - Cần Thơ và chúng tôi đã phát hiện ra giun chỉ.
Người bệnh thứ hai là ông Trần Hiếu N 47 tuổi ở phường Bình Thủy (Bình Thủy, Cần Thơ) bị bệnh từ năm 16 tuổi. Thời gian đầu mới bị bệnh, ông lấy vợ và có con trai 24 tuổi nhưng gần 10 năm nay, bìu lớn bất thường và ông sinh họat rất khó khăn.
Sau 31 năm sống chung với “bìu voi”, tình cờ đọc báo thấy viết về ca phẫu thuật kể trên, ông đã đến khám và được xác định là do giun chỉ. “Bìu voi” của ông N nặng khoảng 4 kg.
Cả hai người bệnh đều được xét nghiệm máu lúc 23 giờ đêm và phát hiện ra ấu trùng giun chỉ. Chúng tôi phối hợp với Bộ môn Ký sinh trùng Khoa Y của trường Đại học Y Dược Cần Thơ đề tìm thuốc điều trị. Do bệnh rất hiếm, hầu như các bác sĩ đều chưa có kinh nghiệm điều trị mà chỉ biết qua sách vở, tài liệu.
Muốn điều trị bệnh giun chỉ phải có thuốc DEC (Diethylcarbamazine) và Albendazole. Chúng tôi liên hệ với một số nhà thuốc, với Bộ môn Ký sinh trùng Khoa Y của trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đều được trả lời không có thuốc DEC.
Rất may, Khoa Y của trường Đại học Tây Nguyên và Trung tâm Y học dự phòng tỉnh Khánh Hòa đã giúp cho chúng tôi có được cơ số thuốc điều trị cho hai người bệnh.
Sau khi điều trị nội đủ liều theo phác đồ của Tổ chức Y tế Thế giới, xét nghiệm hết ấu trùng giun chỉ, chúng tôi tiến hành phẫu thuật. Trường hợp bệnh của ông Đ, được sự giúp đỡ của Khoa Ngoại niệu Bệnh viện Chợ Rẫy – TP Hồ Chí Minh, chúng tôi ở Khoa Ngoại niệu Bệnh viện Đa khoa Trung ương- Cần Thơ đã phẫu thuật thành công vào giữa tháng 1/2008: Cắt “bìu voi” và tái tạo dương vật.
Đến nay, ông đã có người yêu đang chờ ngày cưới. Với ông N, chúng tôi đã có kinh nghiệm nên chủ động phẫu thuật cắt “bìu voi” và tái tạo bộ phận sinh dục nhanh gọn vào đầu tháng 7/2008. Hiện nay, người bệnh sắp ra viện.
Như thế, phải chăng ĐBSCL là vùng còn giun chỉ? Theo Tổ chức Y tế thế giới thì Việt Nam là nước nằm trong bản đồ dịch tễ có giun chỉ (gần 700.000 người nhiễm giun chỉ - WHO 6/2006).
Người nhiễm giun chỉ tập trung chủ yếu ở vùng ĐBSH, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như tỉnh Khánh Hòa, và chiếm khoảng 6% dân số trong vùng. Ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ĐBSCL thì cuộc điều tra chưa phát hiện ra giun chỉ và đó cũng là lý do tại sao không tìm ra thuốc DEC để diệt ấu trùng giun chỉ tại ĐBSCL.
Qua hai trường hợp “bìu voi” do giun chỉ đã điều trị, chúng tôi muốn gửi đến các nhà dịch tễ học, Trung tâm Y học dự phòng các tỉnh ĐBSCL, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương để xem xét: ĐBSCL có giun chỉ hay không? Vấn đề rất quan trọng bởi liên quan đến việc chuẩn bị thuốc và giúp người bị bệnh phát hiện, điều trị.
TS.BS Đàm Văn Cương
Khoa Bộ môn ngoại- Trường Đại học Y Dược Cần Thơ