Ảnh minh họa |
Ngày 25/4, tại Hội nghị ngành dược năm 2008 với chủ đề phát triển ngành công nghiệp dược, quân bình cung cầu để ổn định thị trường dược phẩm, TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục quản lý dược Việt Nam cho biết, thị trường dược phẩm Việt Nam đã đạt quy mô 1,13 tỷ USD vào năm 2007, dự kiến năm 2008 sẽ đạt 1,34 tỷ USD; thuốc sản xuất dược trong nước đáp ứng 52,86% nhu cầu tiêu dùng thuốc trong nước...
Hiện, sản xuất thuốc của Việt Nam đã phủ được 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay các doanh nghiệp dược của Việt Nam vẫn đang phát triển một cách tự phát, thiếu định hướng, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý.
Có những loại thuốc sản xuất thừa thãi như thuốc cảm cúm, nhưng lại thiếu thuốc điều trị lại phải nhập ngoại. Các ngành công nghiệp hóa dược, hóa chất, sản xuất tá dược, bao bì phát triển chậm, cho nên hơn 90% nguyên liệu phục vụ công nghiệp dược phải nhập khẩu.
Ngoài ra, hệ thống lưu thông, phân phối thuốc dù đã được kiện toàn, nhưng ngành y tế chưa thể kiểm soát hoàn toàn việc tăng giá thuốc trên thị trường cũng như sự tồn tại bất hợp lý giữa giá trị thực của thuốc với giá bán.
Cục Quản lý dược nhận định từ nay đến cuối năm giá thuốc sẽ tăng nhẹ do những ảnh hưởng từ giá nguyên liệu cũng như chi phí đầu vào.
Theo Bộ Y tế việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp dược chính là ưu tiên hàng đầu để có thể đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị cho người dân trong thời gian tới.
Đây cũng là một trong những giải pháp bình ổn giá. Ngành y tế sẽ đẩy mạnh việc sản xuất thuốc trong nước, các loại thuốc generic để cung cấp cho hệ thống y tế công lập, thuốc điều trị trong danh mục bảo hiểm y tế…
Thời gian tới Bộ Y tế sẽ tăng nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký để phục vụ điều trị; nhập khẩu song song, khuyến khích gia công thuốc, sản xuất thuốc gốc; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược;
Theo thống kê của Cục quản lý dược, trong năm 2007, thuốc không đạt chất lượng chiếm 3,30% số mẫu, cao nhất trong 7 năm qua. Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, phát hiện 43 loại thuốc giả (0,17%), tăng gấp đôi so với năm 2005, cao hơn nhiều so với năm 2006. Còn nhiều thuốc đông dược trộn lẫn tân dược.
Đặc biệt, thuốc nhập khẩu không đạt chất lượng khá cao với 29 lô bị đình chỉ và thu hồi, chiếm 34,8% (trong đó Ấn Độ 17 mẫu, Hàn Quốc 7 mẫu).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế có quy hoạch hệ thống các cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu gắn liền với xúc tiến đầu tư, quy hoạch hệ thống phân phối, hệ thống kiểm tra, giám sát về giá, chất lượng, tính cạnh tranh.
Ngoài ra Bộ Y tế cần thống kê số nhân lực còn thiếu trong ngành dược để đặt hàng Bộ Giáo dục đào tạo nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành dược cần lựa chọn một vài sản phẩm chế biến từ dược liệu trong nước để xây dựng các sản phẩm mang tính chất quốc gia, sau đó sản xuất với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu.