Căng thẳng cuộc đua vào trường “chất lượng cao”

Căng thẳng cuộc đua vào trường “chất lượng cao”
Năm nay, nhiều trường tư thục mang danh “chất lượng cao” tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì cuộc thi vào lớp một với lý do quá đông phụ huynh đăng ký trong khi chỉ tiêu có hạn.
Căng thẳng cuộc đua vào trường “chất lượng cao” ảnh 1
Trường tiểu học Lý Thái Tổ, một trường có tổ chức kiểm tra để chọn học sinh vào lớp 1 - Ảnh: Nguyễn Bích (Thanh Niên)

Theo quy định, các trường công lập chỉ được xét tuyển đối với học sinh lớp một, lớp sáu, trong khi đó vài năm gần đây, các trường tư thục như Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Lý Thái Tổ... đều phải tổ chức thi tuyển đối với học sinh đầu cấp.

Từ ngày 3 - 3 đến 17 - 4, trường dân lập Nguyễn Siêu đã hoàn tất thủ tục bán và nhận hồ sơ vào lớp một. Theo lãnh đạo trường này, khoảng 500 bộ hồ sơ đăng ký dự thi, trường tuyển chọn 130 học sinh.

Có một suất học ở lớp một trường này đang ngày càng trở nên khó khăn do “tỷ lệ chọi” cao, mặc dù mức học phí không hề dễ chịu chút nào: 140 USD/tháng, chưa kể tiền ăn, tiền xe và các khoản lặt vặt.

Một bà mẹ có con học trường Nguyễn Siêu cho hay: tính  tổng chi phí một tháng, nếu đi xe tuyến xa nhất khoảng 4 triệu đồng, tiền xây dựng trường 50 USD/năm và tiền nhập học 100 USD/cấp học.

Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm đã phát hành hồ sơ dự tuyển từ ngày 24 - 4 và nhận đơn dự tuyển từ ngày 4 - 5 đến 12 - 6 sắp tới. Không chỉ dừng lại ở mô hình “dịch vụ giáo dục cao” với chỉ tiêu 300 học sinh cho 10 lớp, trường này còn có thêm loại hình “lớp quốc tế”, dự kiến tuyển sinh bốn lớp, mỗi lớp 24 học sinh.

Năm ngoái, theo danh sách nhà trường công bố, kỳ thi có sự tham gia của khoảng 1.500 thí sinh. Lãnh đạo trường này cho biết, việc tuyển chọn sẽ được tiến hành theo phương thức kiểm tra trắc nghiệm năng lực nhận biết, ghi nhớ, diễn đạt, phát âm của học sinh.

Ngày 15 - 6, trường sẽ thông báo danh sách dự tuyển và số phòng. Ngày 20 - 6, học sinh sẽ chính thức tham gia cuộc “đọ sức” để được vào lớp một.

Đối với học sinh đăng ký học “lớp quốc tế” sau khi được xét tuyển còn phải tiếp tục tham dự một đợt kiểm tra khả năng học tiếng Anh rồi mới xếp lớp.

Luyện thi căng thẳng

Trên diễn đàn Đèn Thần.com, nhiều ông bố bà mẹ bàn luận sôi nổi về việc làm thế nào để giành được một suất vào những trường ở Hà Nội như Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Thực Nghiệm, Lý Thái Tổ...

Một bà mẹ có nickname Nice... lo lắng: “Mẹ nào có tài liệu luyện thi cho bé thi vào lớp một trường Đoàn Thị Điểm thì gửi cho mình... mình lo quá vì bé vẫn chưa biết đọc, biết viết...”.

Lập tức, lời “kêu gọi” này được một bà mẹ của diễn đàn chia sẻ: “cứ mua các bộ sách luyện phát triển tư duy về cho con luyện”.

Một bà mẹ khác tư vấn thêm: “Mẹ nó cho con sinh hoạt câu lạc bộ Tuổi thơ của trường bắt đầu từ tháng ba để chuẩn bị cho kỳ thi nhé”.

Tham gia vào các lớp luyện thi của trường (hầu hết các bé nộp hồ sơ dự thi đều đăng ký học), thứ bảy hằng tuần, các bé phải tiếp tục cuộc hành trình “làm quen” với lớp một. Mức học phí cho bốn buổi học/tháng như vậy khoảng 500.000 đồng/học sinh, cộng  thêm tiền bán trú là 150.000 đồng/học sinh. Với những trường có thi mà không tổ chức ôn tập, phụ huynh cũng phải tự tìm kiếm “lò luyện” cho con mình.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT khẳng định: tổ chức thi vào lớp một là sai nhưng Bộ chỉ kiểm soát được đối với trường công lập.

Với những trường ngoài công lập, không phải tuyển sinh theo tuyến tuyển sinh thì việc kiểm tra đầu vào là nhằm mục đích loại bớt số học sinh vượt quá chỉ tiêu.

“Tuy nhiên, dù thi tuyển hay chỉ là một cuộc kiểm tra đầu vào đơn giản cũng không tránh khỏi áp lực đối với đứa trẻ”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG