Hiệu trưởng ăn chặn: Phụ huynh than, giáo viên khóc

Hiệu trưởng ăn chặn: Phụ huynh than, giáo viên khóc
TP - Ăn chặn tiền cấp phát cho học sinh nghèo, trừ lương giáo viên vô tội vạ. Đó là những gì bà Dương Thị Thúy Song, Hiệu trưởng trường Mầm non  Kim Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An làm.

Khi phóng viên Tiền Phong có  mặt ở xã Thanh Sơn (là xã mới được thành lập theo diện di dời từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Tương Dương về đây) hàng chục giáo viên, phụ huynh học sinh đã vây kín để tố cáo bà Dương Thị Thúy Song, Hiệu trưởng trường Mầm non Kim Lâm, xã Thanh Sơn không chịu chi trả tiền Chính phủ hỗ trợ (gọi tắt là chính sách 112/2007/ QĐ-TTG) cho các cháu học sinh mầm non thuộc diện hộ nghèo của năm học 2008-2009.

Phụ huynh cháu V.H.T, người dân tộc Thái, trú ở bản Đại Sơn bức xúc: Chương trình chính sách 112 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho con em học sinh nghèo ai mà chẳng biết.

Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác trong bản, đều thuộc diện hộ nghèo, nhưng con tôi không được nhận tiền hỗ trợ này. Trong khi đó, một số cháu khác trong bản cũng thuộc diện nghèo như nhau thì lại được nhận.

Được biết, số  tiền Chính phủ hỗ trợ cho con em học sinh thuộc diện hộ nghèo mỗi năm là 630.000 đồng/cháu. Riêng khối mầm non trường Kim Lâm, xã Thanh Sơn có 177 cháu. Tất cả con em học sinh theo học mầm non đều thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu người dân tộc Thái và Khơmú.

Điều đáng nói, năm học 2008 - 2009, số tiền trên của Chính phủ đã chuyển về đầy đủ cho trường mầm non xã Thanh Sơn. Theo quy định, số tiền trên phải chi trả chậm nhất từ tháng 11-2009, nhưng đến tận hôm nay  rất nhiều cháu vẫn chưa được hưởng  tiền chính sách trên.

Một số phụ huynh phản ánh: con em họ mới nhận  được 320.000 đồng, trong khi đó số tiền của năm học 2008 - 2009 là 630.000 đồng.

Theo điều tra của phóng viên Tiền Phong, trên giấy tờ, sổ sách của trường Mầm non Kim Lâm, xã Thanh Sơn cho thấy: Tại phiếu chi số 46, ngày 10-11-2009, của xã Thanh Sơn, cô Dương Thị Thúy Song, Hiệu trưởng trường Mầm non Kim Lâm đã ký nhận đủ số tiền chính sách 112 là hơn 120 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền trên đến nay vẫn chưa đến tay một số các cháu học sinh mầm non nghèo của bản làng Thanh Sơn.

Riêng bản Thái Lâm, tính đến ngày 23-3 còn ít nhất 7 cháu chưa được nhận, bản Đại Sơn tính đến ngày 23-3-2010 còn ít nhất 6 cháu và một số bản khác còn hơn 20 cháu chưa nhận đủ số tiền trên.

Nhà trường và UBND xã Thanh Sơn đã lập ra một danh sách đầy đủ 177 cháu học sinh trường mầm non Kim Lâm, và ký nhận tiền của năm học 2008 - 2009.

Bảng ký nhận tiền này được chia làm hai đợt, đợt một ký nhận cho mỗi cháu với số tiền là 280.000 đồng, đợt hai 350.000 đồng, tổng cộng đủ 630 nghìn đồng.

Điều rất phi lý là, ở đây hầu hết các cháu học sinh mầm non mới từ 2 đến 5 tuổi, một trăm phần trăm con em đồng bào dân tộc Thái và Khơ mú và chưa biết chữ, nhưng trong bảng danh sách này lại có chữ ký tên các cháu, với chỉ một nét bút mà thôi.

Phía dưới bảng danh sách có chữ ký và đóng dấu của bà Dương Thị Thúy Song, Hiệu trưởng trường mầm non Kim Lâm, ông Vi Thành Viên, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn và hai chữ ký kế toán và thủ quỹ UBND xã Thanh Sơn.

Giáo viên khóc vì lương

Hàng chục giáo viên bức xúc cho biết: Từ ngày thành lập trường mầm non Kim Lâm đến nay, nhà trường thu và chi các khoản đều không công khai tài chính, trừ tiền giáo viên vô tội vạ.

Cụ thể: tháng 11-2006, Dương Thị Thúy Song mượn mỗi cô giáo 110.000 đồng, nói là đi chúc tết nhưng đến nay vẫn chưa trả  lại cho họ. Các giáo viên nhận tiền theo diện thu hút 3 lần, mỗi lần nhà trường trừ 10% số tiền các giáo viên được nhận, với lý do là đi cám ơn.

Cô Dương Thị Thuý Song đi Tương Dương chuyển sổ bảo hiểm về Thanh Chương cho giáo viên cũng thu phí 660.000 đồng/người, đi chốt sổ bảo hiểm lần 2 tiếp tục trừ 100.000 đồng/giáo viên.

Trừ 370.000 đồng/giáo viên, thu của phụ huynh học sinh mỗi gia đình 100.000  đồng, với lý  do đưa các cháu đi thi bé khoẻ bé ngoan. Trừ mỗi giáo viên 900.000 đồng để mang hồ sơ giáo viên đi chấm trên huyện.

Trừ 1.900.000 đồng/giáo viên để mua sắm  đồ chơi tháng 3 - 2009. Trừ chỉ tiêu pháp lệnh năm 2009 là 250.000 đồng/giáo viên.  Ngày 20-11-2009, cô Song trừ mỗi giáo viên 200.000 đồng, bảo là đi chúc tết cấp trên.

Tháng 11 và tháng 12-2009, có đoàn thanh tra cấp trên về thanh tra toàn diện nhà trường, cô Dương Thị Thuý Song đã trừ tới 2 triệu đồng/giáo viên nói là để chi phí tiếp khách.

Cô giáo L.T.T bật khóc nói: Vợ chồng em suốt ngày lục đục cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu. Chồng làm ruộng, cả nhà chỉ  biết nhìn vào mấy đồng lương của em, nhưng cứ đến tháng nhận lương là nhà trường lấy lý do này lý do kia trừ ngược trừ xuôi chẳng còn bao nhiêu tiền mà nhận về nuôi con.

Chiều 26-3, chúng tôi có liên lạc qua điện thoại đặt lịch xin làm việc với bà Dương Thị Thúy Song, Hiệu trưởng trường Mầm non Kim Lâm nhưng bà Song nói, tháng 3 này lịch công tác của bà đã kín nên có gì sẽ liên lạc sau.

Bài 2: Năn nỉ phụ huynh nhận tiền

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Đỗ Thị Hà rạng rỡ cùng dàn á hậu, người đẹp ở Chủ Nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025
Hoa hậu Đỗ Thị Hà rạng rỡ cùng dàn á hậu, người đẹp ở Chủ Nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025
TPO - Hoa hậu Việt Nam năm 2020 Đỗ Thị Hà, Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam năm 2022, Á hậu 2 Hoa hậu Liên lục địa năm 2023 Lê Nguyễn Ngọc Hằng, Á hậu 1 Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2023 Đào Thị Hiền,... cùng góp mặt trong lễ phát động chương trình Chủ Nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025, nhằm lan tỏa thông điệp: "Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi".
MC Vũ Trang, Bảo Nhật và những cảm xúc không thể quên ở Chủ Nhật Đỏ lần thứ 17
MC Vũ Trang, Bảo Nhật và những cảm xúc không thể quên ở Chủ Nhật Đỏ lần thứ 17
TPO - Hai MC Vũ Thu Trang và Bảo Nhật dẫn dắt lễ phát động Chủ Nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025 bằng sự nhiệt huyết, đam mê. Cháy theo không khí nồng nhiệt của sinh viên đến dự Chủ Nhật Đỏ, MC Vũ Trang và Bảo Nhật đã giữ được sự hứng khởi của khán giả trong suốt lễ phát động sáng 29/12 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.