Chữa học vẹt bằng bản đồ tư duy

Bản đồ tư duy của bài học Giản dị, môn Giáo dục công dân cấp THCS
Bản đồ tư duy của bài học Giản dị, môn Giáo dục công dân cấp THCS
TP - Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT triển khai trên diện rộng chuyên đề ứng dụng bản đồ tư duy hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều giáo viên hồ hởi tiếp nhận phương pháp mới này với hy vọng sẽ giúp học sinh thoát khỏi lối học vẹt.

> Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục
> Đề thi tốt nghiệp sàng lọc học sinh học tủ

Bản đồ tư duy của bài học Giản dị, môn Giáo dục công dân cấp THCS
Bản đồ tư duy của bài học Giản dị, môn Giáo dục công dân cấp THCS .
 

Nhớ lâu kiến thức

Lạng Giang (Bắc Giang) tuy là một huyện miền núi nhưng Phòng GD&ĐT của huyện này là một trong những đơn vị được tiếp cận với lý thuyết về bản đồ tư duy sớm nhất cả nước. Năm học 2009 – 2010, sau khi được TS Đặng Thị Thu Thuỷ, cán bộ Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt nam giới thiệu về phương pháp dạy và học tốt bằng bản đồ tư duy, Phòng GD&ĐT Lạng Giang quyết định thử nghiệm tại trường THCS Hương Sơn.

Sau khi nhận được hồi âm tích cực từ thầy trò trường này, việc dạy và học bằng bản đồ tư duy tiếp tục triển khai rộng tới 25 trường THCS, PTCS trên toàn huyện Lạng Giang từ năm học 2010 - 2011.

Kết thúc năm học, phản hồi từ các trường cho thấy, hầu hết giáo viên - học sinh cho rằng, phương pháp dạy học bằng bản đồ tư duy rất hiệu quả, đặc biệt trong việc khắc phục lối học vẹt. “Giáo viên thực sự thích dùng bản đồ tư duy trong quá trình dạy học. Nhiều học sinh cho biết, kiến thức lưu lại trong đầu các em rất lâu nếu tự tay mình vẽ bản đồ tư duy cho bài học”, ông Đặng Thiều Quang, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạng Giang nói.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng trường THCS Hương Lạc, Lạng Giang, ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học là dễ áp dụng, dễ nhân rộng. Giáo viên chỉ cần bảng đen và hộp phấn màu. Học sinh chỉ cần tờ giấy trắng và bút từ một đến nhiều màu mực. Với yêu cầu lập bản đồ tư duy, giáo viên có thể để học sinh làm việc cá nhân hoặc theo nhóm.

Qua thực tế cho thấy, bất kỳ môn nào giáo viên cũng có thể ứng dụng bản đồ tư duy. Thực hiện bản đồ tư duy giúp học sinh rèn luyện kỹ năng và tư duy khoa học, đặc biệt ghi nhớ được sâu sắc mà không sa vào lối học vẹt, thuộc lòng máy móc.

Chuyên gia của Bộ GD&ĐT đang chấm bài tập thiết kế bản đồ tư duy của giáo viên Ảnh: Q.H
Chuyên gia của Bộ GD&ĐT đang chấm bài tập thiết kế bản đồ tư duy của giáo viên. Ảnh: Q.H.
 

Bí quyết dạy, học hiệu quả

Theo TS Trần Đình Châu, Giám đốc Dự án THCS II, Bộ GD&ĐT, bản đồ tư duy là một công cụ tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan (Anh) nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rộng khắp thế giới. Trong dạy học, việc sử dụng bản đồ tư duy huy động tối đa tiềm năng của bộ não, giúp học sinh học tập tích cực, hỗ trợ đổi mới hiệu quả phương pháp dạy học.

Học sinh thường xuyên tự lập bản đồ tư duy sẽ phát triển khả năng thẩm mỹ do việc thiết kế nó phải bố cục màu sắc, các đường nét, các nhánh sao cho đẹp, sắp xếp các ý tưởng khoa học, súc tích…

Vận dụng bản đồ tư duy trong dạy học, giáo viên giúp học sinh tập có thói quen tự tay ghi chép hay tổng kết một vấn đề, một chủ đề đã đọc, đã học theo cách hiểu của các em dưới dạng bản đồ tư duy.

Sau khi cho các em làm quen với một số bản đồ tư duy có sẵn, giáo viên đưa ra một chủ đề chính, đặt chủ đề này ở vị trí trung tâm bảng (hoặc vào trang vở, tờ giấy/ bìa) rồi đặt câu hỏi gợi ý để các em vẽ tiếp các nhánh cấp 1, cấp 2, cấp 3... Mỗi bài học được chính các em tự vẽ kiến thức trọng tâm trên một trang giấy, giúp các em dễ ôn tập, dễ xem lại kiến thức khi cần.

TS Châu cùng với TS Đặng Thị Thu Thuỷ là hai tác giả đầu tiên ở Việt Nam phổ biến công cụ này tới hệ thống các trường phổ thông. Tại lớp tập huấn đội ngũ cốt cán của 14 tỉnh/ thành phía Bắc do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua tại Nghệ An, các chuyên đề ứng dụng bản đồ tư duy do hai diễn giả này trình bày nhận được nhiều lời khen ngợi của học viên.

Nhiều giáo viên cho rằng phương pháp này có lẽ đã được nhiều thầy cô giáo biết đến. Nhưng họ sử dụng nó một cách tự phát, thậm chí như một bí quyết cá nhân trong quá trình ôn tập, luyện thi cho học sinh.

Được biết, sắp tới Bộ GD&ĐT tiếp tục tập huấn phương pháp này cho giáo viên các tỉnh phía Nam và Trung Bộ. Hà Nội và một số địa phương đã “đặt hàng” để báo cáo viên của Bộ tổ chức chuyên đề riêng cho tỉnh/thành mình.

Bản đồ tư duy (Mind Map) là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hoá một chủ đề. Tony Buzan (sinh năm 1942, Anh), chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu hoạt động của bộ não và là cha đẻ của Mind Map.

Phương pháp tư duy của ông được dạy và sử dụng ở khoảng 500 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới; hơn 250 triệu người sử dụng phương pháp Mind Map của Tony Buzan; khoảng hơn 3 tỷ người đã từng xem và nghe chương trình của ông. Tony Buzan đã từng sang Việt Nam năm 2007 để nói chuyện về lĩnh vực nghiên cứu của mình.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG