Bùng nổ mạng xã hội Việt Nam?

Mạng xã hội ra đời tạo nên một hình thức giao tiếp mới giữa bạn bè trên khắp thế giới Ảnh: Internet
Mạng xã hội ra đời tạo nên một hình thức giao tiếp mới giữa bạn bè trên khắp thế giới Ảnh: Internet
TP - Thành công rực rỡ của mạng Facebook khiến các mạng xã hội Việt Nam muốn tồn tại dường như cũng phải cuốn theo. Một số chuyên gia dự đoán 2011 là năm bứt phá của mạng xã hội Việt Nam.
Mạng xã hội ra đời tạo nên một hình thức giao tiếp mới giữa bạn bè trên khắp thế giới Ảnh: Internet
Mạng xã hội ra đời tạo nên một hình thức giao tiếp mới giữa bạn bè
trên khắp thế giới. Ảnh: Internet.

Cuốn theo Facebook

Là một mạng xã hội non trẻ, ra đời cách đây 6 năm (2004) từ một ý tưởng sinh viên, Facebook hiện thu hút tới 500 triệu người đăng ký sử dụng thường xuyên và trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Thành công của Facebook khiến nhiều mạng xã hội Việt Nam muốn tồn tại cũng phải đi theo vết chân người khổng lồ. Trước đó, khi một người khổng lồ khác là Y!360 đóng cửa, thời cơ tưởng như đã đến. Hàng loạt mạng nội địa ra đời như Zing Me, GoOnline, Yume, tamtay.net, CyberWorld, v.v... với xu hướng chính là tự tạo nội dung (chia sẻ ảnh, video, viết blog). Nhưng rồi người khổng lồ Facebook dần lên ngôi nhanh chóng với xu hướng chính là tương tác, liên kết giữa người dùng với nhau trong các mối quan hệ bạn bè. Đi đúng hướng, Facebook đã lôi kéo đông đảo người Việt Nam.

Theo “chiều gió” do Facebook tạo ra, ban đầu từ tự tạo nội dung, trang Yume đã chuyển mình sang dạng cập nhật thông tin bạn bè như Facebook. Zing Me - mạng được cho là đang cạnh tranh quyết liệt với Facebook cũng nhanh chóng chạy đua các ứng dụng có thông báo dạng “feed” giữa nhóm bạn bè. Gần đây, FPT Online tung ra bản beta mạng xã hội banbe.net. Đây cũng là phiên bản có tính năng cốt lõi như của Facebook trong việc kết nối và chia sẻ thông tin bạn bè.

Theo các chuyên gia mạng xã hội, các trang mạng xã hội hiện nay hầu hết bị cuốn theo Facebook với xu hướng chia sẻ giữa các mối quan hệ thực. Các mạng xã hội trên thế giới đều xoay quanh Facebook. Từ vkotakte.ru của Nga, renren.com, kaixin001.com của Trung Quốc, đến Zing me, Go online của Việt Nam đều dựa trên mô hình lõi là Facebook.

“Đây là xu hướng toàn cầu mà ngay cả Y!360 không đóng cửa thì vẫn yếu thế vì trào lưu lỗi thời. Vẫn là nguyên tắc tin tức: Mới, gần gũi sẽ được quan tâm. Cập nhật từ blog yếu hơn rất nhiều so với cập nhật bằng những hoạt động của bạn bè. Hơn nữa, hoạt động thì dễ được chia sẻ hơn so với một bài blog cảm xúc”, ông Phạm Quang Hưng - Giám đốc điều hành TCV Media kiêm cố vấn xã hội của Dự án FPT Online và Banbe.net, nhận định.

Mạng Việt Nam lấn át Facebook?

Theo thống kê của Google Ad planner, năm 2010, Zing Me dẫn đầu với 4,6 triệu người sử dụng, theo sau là Facebook. Đứng thứ ba là Yahoo và Yume bám theo với khoảng cách không xa. Tháng 12-2010, Facebook đã đạt 1,1 tỷ trang xem chỉ riêng tại Việt Nam.

Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty VinaGame cho biết, thống kê theo số phút sử dụng trên mỗi mạng mỗi tháng (tính bằng số lượt sử dụng nhân với số phút của mỗi lượt), 3 mạng xã hội thế hệ mới là Zing Me, Facebook và GoOnline đứng đầu. Trong đó, Zing Me với hơn 1 tỷ phút và Facebook với 880 triệu phút. 3 mạng xã hội thế hệ đầu là Yahoo, Yume và TamTay có số phút sử dụng tương đối thấp.

Theo ông Phạm Quang Hưng, năm 2011, các mạng xã hội thế hệ cũ như Yahoo, Tamtay, Yume vẫn có chỗ đứng trên thị trường blog, nhưng vị thế đang giảm dần. Các mạng xã hội ra sau sẽ gặp nhiều thách thức trong việc chinh phục người dùng. Với sự tiếp tục đi xuống của Yahoo toàn cầu, thị trường mạng xã hội Việt Nam trong năm 2011 chủ yếu là cuộc đua giữa Zing Me và Facebook.

Tuy nhiên sự phát triển bền vững của các mạng Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Theo các chuyên gia mạng xã hội, nhìn thấy tiềm năng, nhiều công ty đã tạo ra các mạng xã hội khác nhau theo trào lưu. Nhưng hầu hết thiếu trình độ công nghệ, thiếu vốn đầu tư dài hơi, thiếu tầm nhìn và chưa hiểu văn hóa, đời sống xã hội Việt Nam sâu sắc nên dẫn đến tan vỡ, chết yểu.

“Người dùng ban đầu háo hức tham gia nhưng có thể không lưu lại. Song ngay cả khi họ ở lại, thì số lượng đó không giúp mạng xã hội phát triển lên được. Do vậy, Zing Me dậm chân ở mức 500- 600 triệu trang xem, Go Online ở mức 200-300 triệu, Yume ở mức 20- 30 triệu... thua xa so với 1 Facebook hay bị lỗi kỹ thuật, truy cập khó, với hơn 1 tỷ trang xem ở ngay sân nhà Việt Nam” –ông Quang Hưng phân tích.

Là mạng xã hội Việt Nam đầu tiên ra đời theo đơn đặt hàng của Nhà nước, được xem là có tiềm năng (ra mắt vào tháng 4- 2010), GoOnline cũng gặp không ít khó khăn. Mạng này lai giữa nội dung do người dùng tạo và mạng chia sẻ cập nhật thông tin của bạn bè.

Các chuyên gia mạng xã hội phân tích, chính vì lý do lẫn lộn giữa chia sẻ nội dung và hoạt động của bạn bè nên GoOnline không có tính năng nào nổi trội. Nó giống như 1 dạng portal (cổng thông tin, với đầy đủ các dịch vụ) hơn là mạng xã hội đơn thuần.

Theo Google Ad planner, Go Online mới chỉ đạt 210 triệu trang xem một tháng nhờ vào các cuộc thi Miss Teen và gần đây là Olympic tiếng Anh, riêng mục này đã mang về 140 triệu trang xem. Các chuyên gia mạng xã hội cho rằng, sự tăng trưởng này không đến từ mạng xã hội mà nhờ sự kiện thi online. Tương tự, Zing Me tăng trưởng không nhờ các mối quan hệ mà chủ yếu do các game mang tính xã hội như Nông trại vui vẻ.

“Năm 2011 sẽ là năm bùng nổ của thị trường ứng dụng trên mạng xã hội. Với lợi thế cộng đồng người sử dụng lớn và công cụ thanh toán đơn giản, đây sẽ là thị trường màu mỡ cho các nhà cung cấp nội dung (CP). Sẽ hình thành một làn sóng dịch vụ và ứng dụng trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, trong làn sóng mới này, ưu thế thuộc về những mạng Việt Nam như Zing Me hoặc GoOnline, nhờ vào kênh thanh toán phổ biến Zing Xu (VNG) và vCoint (VTC)”, ông Phạm Quang Hưng- Giám đốc điều hành TCV Media kiêm cố vấn xã hội của Dự án FPT Online và Banbe.net phân tích. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG