Phụ huynh cũng 'cá biệt'
Không ít phụ huynh có hành vi và cách dạy con làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nhân cách của con em mình và “vô hiệu hóa” mọi nỗ lực giáo dục học sinh (HS)của nhà trường. Nhiều giáo viên cũng cảm thấy mệt mỏi và bất lực trước cách hành xử của một số phụ huynh “cá biệt”.
Cách hành xử của phụ huynh ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của con em mình. Trong ảnh: phụ huynh đợi đón con trong lễ khai giảng tại một trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM. Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ). |
Tại một trường THCS ở Q.8 (TP.HCM), một HS lớp 6 thường xuyên đi ra ngoài trong giờ học mà không xin phép, thường không mang dép lên lớp, bài vở thiếu trước thiếu sau. Năm lần bảy lượt được mời, phụ huynh mới chịu diện kiến ban giám hiệu.
Phụ huynh khoanh tay trình bày với hiệu trưởng: “Thưa thầy, nhà tôi làm nghề mổ heo, không có thời gian dạy con, nhờ thầy cô dạy dỗ cháu giùm”.
Thầy hiệu trưởng vừa tiễn phụ huynh này ra tới cửa, chưa kịp bước vào phòng đã nghe “bốp!”. Người mẹ tát một cái như trời giáng vào mặt con và gầm lên: “Mẹ mày mua cho mày bao nhiêu đôi dép rồi. Mày muốn chết không? Tao đánh cho mày bớt ngu”.
Dạy con bằng nắm đấm
"Một trong những nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường là do HS sống trong môi trường gia đình bạo lực: cha mẹ bạo lực với con cái, anh chị bạo lực với em út..." TS tâm lý Đinh Phương Duy |
Hiệu phó một trường THCS ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM kể trong trường chị có ba HS cá biệt, thích gây gổ, đánh nhau với bạn hơn thích học. Ba HS này chửi bậy và nói bậy - những câu mà nhiều thầy cô giáo nghe qua phải giật mình. Chị gửi giấy mời phụ huynh lên làm việc thì không thấy trả lời, phải đến khi giấy mời có thêm dòng chữ: “Nếu phụ huynh không hợp tác, nhà trường sẽ không tiếp tục nhận HS vào học” trường mới gặp được phụ huynh.
Tại buổi làm việc, bố của HS L. mặt đỏ phừng phừng đề nghị: “Nó hư, cô cứ oánh cho nó chết. Thằng này lì lắm. Ở nhà, tôi đã đánh đến tóe máu mà nó vẫn không chừa cái tật”.
Xong việc, vừa kéo con ra về người cha vừa mắng con oang oang: “ĐM. Cái đồ còn ngu hơn bò. Cho mày ăn học để làm gì hả? Để cho người ta kêu tao vào mắng vốn à? Lần sau tao còn bị kêu nữa là cho mày ở nhà đi hốt phân bò, nghe chưa?”.
Trong khi đó, tại một trường THPT ở Q.10, một HS sử dụng điện thoại trong giờ học bị giáo viên bắt được, em thách thức: “Bà đánh tui đi. Tui thưa (kiện - PV) bà liền”. Bị ban giám hiệu mời lên “uống nước trà”, HS tường trình: “Má dặn con nói vậy”.
Nhưng khi giáo viên trao đổi với phụ huynh thì chị này lắc đầu nguầy nguậy: “Tui có nói vậy đâu” đến nỗi cậu HS phải gắt lên với mẹ: “Bà nói chứ ai. Bà kêu tui nếu cô giáo đánh thì nói ngay để bà đi thưa”.
“Cái này không được nha cô”
“Là trường mầm non tư thục nên phụ huynh có thể vào lớp bất cứ lúc nào và góp ý với giáo viên bất cứ việc gì. Lớp mình có một HS thuộc hàng khá giả, mẹ bé không đi làm nên có nhiều thời gian. Chị ấy hay vào lớp thăm con, có khi một ngày vào ba lần và mỗi lần ở lại cả tiếng đồng hồ để giám sát cô giáo.
HS lớp mầm (3 tuổi) hầu hết đã biết cầm muỗng tự múc ăn, riêng con chị chưa biết nên mình tập cho bé biết tự phục vụ bản thân. Thấy thế, chị nghiêm giọng: “Cô đút cho bé ăn chứ bé tự múc rơi vãi hết lên quần áo, cơm canh nóng dễ bị phỏng lắm”. Ăn xong, HS tự cầm tô của mình ra xếp vào khay và tự đem ghế của mình xếp lại cùng các bạn, chị cũng can thiệp: “Cô đừng bắt cháu làm như thế, bé ốm yếu, lỡ ghế rớt lên chân là gãy xương”.
Rất nhiều việc chị đề nghị cô giáo làm thay cho cháu với lời hứa: “Các cô ráng chăm cho cháu tốt, cuối tháng mẹ sẽ bồi dưỡng”.
Câu nói này được nhắc đi nhắc lại trước mặt các HS khiến con chị hay sai bảo cô giáo: “Cô ơi, cởi quần cho con đi ị (đa số HS 3 tuổi đều đã biết tự cởi quần và ngồi bồn cầu - PV). Cô ơi mang đồ chơi qua đây cho con. Cô ơi lấy nước cho con uống...”.
Cứ sau mỗi câu như thế bé lại nhấn mạnh: “Cô ráng chăm con cho tốt đi, cuối tháng mẹ sẽ bồi dưỡng mà”. Chúng tôi giải thích cho bé thì bé kể: “Mẹ bảo mỗi tháng đóng cho các cô mấy triệu đồng để cô chăm con, chứ con tự làm hết thì đi học làm gì”. Kể xong câu chuyện, chị T.T. - giáo viên một trường mầm non tư thục ở Q.1 - chép miệng: “Mới 3 tuổi, bé đã biết dùng đồng tiền làm phương tiện sai bảo mọi người”.
Trong khi đó, các cô giáo ở lớp Thỏ Ngọc (HS từ 24-36 tháng) trường mầm non tư thục Đ (Q.9) lại khổ vì một phụ huynh có trình độ thạc sĩ kinh tế. Giờ ăn, cô lau miệng cho cháu bằng khăn giấy, phụ huynh chỉnh ngay: “Cái này không được nha cô, đây là giấy cuộn chỉ dùng đi vệ sinh chứ không lau miệng được, mất vệ sinh lắm”.
Bé nhà trẻ hay bị chảy mũi, cô lấy khăn giấy lau mũi cho cháu, phụ huynh góp ý: “Cái này không được nha cô. Lau mũi bằng khăn giấy rất dễ khiến bé bị ho, phải lau bằng khăn mùng ấy”...
Các cô giáo cho biết cũng có chuyện phụ huynh góp ý đúng nhưng khó chịu nhất là cách nói “bề trên”: Cái này không được nha cô. Câu nói này khiến HS xem cô như ôsin trong nhà. Bé không chịu ăn là nạt cô: “Không được đút bé ăn nữa”. Buổi chiều, không chịu tắm, bé cũng nói: “Cái này không được nha cô, cô không được tắm cho bé”.
Theo Hoàng Hương - Lưu Trang
Tuổi Trẻ
Tính cách một đứa trẻ bắt nguồn từ gia đình. Nhưng hiện nay thời gian bố mẹ dành cho con cái ít hơn thời gian ở trường (với thầy, cô) nên bố mẹ cần xây dựng hình ảnh của thầy cô trong mắt trẻ. Việc phụ huynh không tôn trọng giáo viên, nói xấu cô, trẻ bị nhắc lỗi gì cũng nghĩ là bị cô “đì”, vô hình trung sẽ khiến trẻ không còn nể trọng giáo viên và có những thái độ tương tự bố mẹ của mình đối với giáo viên và những người lớn khác. Câu chuyện phụ huynh dạy con bằng nắm đấm chính là thể hiện sự bất lực của phụ huynh trong dạy con. Đứa trẻ sẽ dần hình thành ý thức: giải quyết mọi vấn đề bằng nắm đấm và trút bạo lực lên kẻ yếu hơn mình. Võ Minh Huệ (chuyên gia tâm lý - giáo dục) |