Hiện mới chỉ đáp ứng được 15- 20% nhu cầu của sinh viên về chỗ ở . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Bình đẳng công lập, dân lập
Tại buổi đối thoại Giải quyết khó khăn về nhà ở cho sinh viên do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Trần Nam- Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho sinh viên, Thủ tướng đã có Quyết định số 65/2009/QĐ- TTg về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường ĐH, CĐ, dạy nghề…
Hiện có 94 dự án nhà ở cho SV với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng dự kiến đáp ứng 330.000 chỗ ở cho SV. Trong đó, 7 dự án đã hoàn thành cung cấp chỗ ở cho khoảng 150.000 sinh viên. Trong năm học 2011- 2012, sẽ hoàn thành một số dự án khu KTX khang trang, với đầy đủ internet, vô tuyến, nhà để xe tiện ích… với giá thuê dưới 100.000 đồng/tháng.
Theo Bộ Xây dựng, quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên được bố trí từ quỹ đất đã được thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy hoạch; được sử dụng quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn và quỹ đất hiện có được quy hoạch xây dựng nhà ở sinh viên trong khuôn viên các cơ sở đào tạo.
Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương. Các dự án nhà ở sinh viên đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được vay từ nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước và quỹ phát triển nhà ở của địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ xây dựng) cho biết, Bộ sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về điều kiện, thủ tục thuê nhà cho các trường.
Theo đó, SV công lập và dân lập hưởng điều kiện thuê nhà như nhau, song sẽ thực hiện ưu tiên theo thứ tự: gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, ngoại tỉnh, có hoàn cảnh khó khăn…
Theo dự kiến, với tốc độ phát triển nhà ở như hiện nay thì đến năm 2015 sẽ có khoảng 60% sinh viên có chỗ ở trong KTX.
Xã hội hóa xây nhà ở cho SV
Hiện theo báo cáo của các tỉnh, mức thuê trọ KTX dưới 100.000 đồng/SV/tháng, ở Cần Thơ chỉ 50.000 đồng. Nhà nước không khấu hao tài sản trong giá thành, giá nhà cho thuê chỉ là chi phí dịch vụ bảo trì, bảo hành.
Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, với tốc độ tăng trưởng bình quân như trong 5 năm gần đây, đến năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 4,3 triệu học sinh, sinh viên, và dự kiến 70% trong số này (tương đương với 3 triệu em) có nhu cầu ở tại ký túc xá. |
Ở Hà Nội và TPHCM còn chưa xây dựng nên còn phải tùy thuộc vào mặt bằng giá cả nhưng phải đảm bảo giá thuê thấp cho SV được hưởng lợi. Về phản ánh của dư luận, một số dự án nhà ở SV đã hoàn thành nảy sinh bất cập như: Đa phần SV thuê trọ thuộc gia đình khá giả, thậm chí có công ty thuê văn phòng trong khu nhà ở SV….
Ông Hà cho biết: Phải xem lại mục tiêu ban đầu của dự án. Tuy nhiên, vấn đề dư luận phản ánh có thể thuộc các dự án cũ do doanh nghiệp đầu tư chứ không phải từ nguồn trái phiếu Chính phủ như các dự án hiện nay.
“Trong các dự án mới cũng có một phần diện tích dành cho dịch vụ. Nhưng dịch vụ đó phải phục vụ SV theo phương thức kinh doanh bù đắp vào chi phí quản lý, nhằm giảm chi phí chỗ ở thấp nhất cho SV”, ông Hà nói.
Theo Bộ Xây dựng, với tiến độ hiện nay, phải cần tới 30.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, tính ra mỗi năm phải bổ sung 6.000 tỷ đồng. Chính phủ đang xem xét để cung cấp đủ nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho SV. Tuy nhiên, không nên quá trông chờ vào nguồn của ngân sách, mà phải huy động từ các doanh nghiệp bỏ tiền cùng toàn xã hội tham gia.
Dự kiến ngày 6-12 tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về chương trình nhà ở sinh viên tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên.