Chức danh Phó Giáo sư chưa chú ý đến chất lượng

Chức danh Phó Giáo sư chưa chú ý đến chất lượng
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong bên hành lang Quốc hội nhân sự kiện công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS-PGS) vừa diễn ra, GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quy định công nhận chức danh trên chỉ nghiêng về số lượng mà ít chú ý đến chất lượng.

 >> Hỏi chuyện người được ĐH Pháp phong giáo sư năm 32 tuổi
 >> Tỷ lệ tân phó giáo sư, giáo sư giảm

Ông Đào Trọng Thi
Ông Đào Trọng Thi . Ảnh: Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, ông Thi vẫn cho rằng, với hơn 300 trường đại học, số lượng sinh viên lên đến hàng triệu và quy định để hình thành các ngành học mới, đào tạo trình độ cao học và tiến sỹ, con số 9.000 GS, PGS hiện nay vẫn là quá thiếu so với nhu cầu.

Nhưng thực tế là một số lượng không nhỏ GS, PGS lại đang làm công tác quản lý. Điều này có gây lãng phí không, thưa ông?

Cũng là lãng phí. Nhưng phải thấy một thực tế rằng nhiều GS, PGS ngoài khả năng giảng dạy nghiên cứu còn có năng lực quản lý và nhu cầu công tác quản lý cần đến những người như họ.

Đương nhiên cũng phải xét hiện tượng khi đăng ký công nhận chức danh GS, PGS, họ đã không công tác ở đại học và các viện nghiên cứu mà chỉ thỉnh giảng. Theo như truyền thống các nước trên thế giới, những người có học vị, học hàm cao cần được khuyến khích tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy đại học.

Ông nhận xét gì về số lượng GS, PGS so với thành tựu khoa học của đất nước?

Yêu cầu công nhận chức danh GS, PGS là không thấp. Nhưng chất lượng GS, PGS của ta không cao về mặt khoa học là do chúng ta chú trọng số lượng chứ ít quan tâm đến chất lượng của điều kiện, tiêu chuẩn ấy.
Nếu áp dụng quy định như hiện nay, nhiều nhà khoa học ở cả trên thế giới và Việt Nam mà tài năng và cống hiến của họ không thể nghi ngờ được vẫn cứ bị loại khỏi vòng xét công nhận chức danh.

Năm nay, PGS trẻ nhất cũng 32 tuổi và GS trẻ nhất đã 46 tuổi. Độ tuổi này có quá cao so với tuổi của GS, PGS ở các nước phát triển, thưa ông?

Đúng là cao. Nguyên nhân là vì cường độ và kết quả nghiên cứu, giảng dạy chưa nhiều. Nhưng như tôi đã nói, các tiêu chuẩn phong GS, PGS nghiêng về số lượng. Mà đã số lượng là yêu cầu thời gian. Có những người rất giỏi, cống hiến nhiều nhưng họ chưa có nhiều thời gian để thực hiện yêu cầu đó.

Thậm chí còn có tiêu chuẩn phải bao nhiêu năm giảng dạy mới được tham gia đăng ký xét phong chức danh, bao nhiêu năm là PGS mới được đăng ký phong học hàm GS, bao nhiêu năm có bằng tiến sỹ mới được đăng ký làm PGS. Tiêu chuẩn ở các nước khác đơn giản hơn, yêu cầu không cao về số lượng nhưng chất lượng lại rất cao. Ví dụ chỉ cần một bài báo, nhưng bài báo có giá trị.

Và điều quan trọng là hội đồng đánh giá có đủ trình độ để đánh giá phần chất lượng đó để phong các nhà khoa học rất trẻ làm GS, PGS. Điều này giúp những người tài có thể trưởng thành ở lứa tuổi rất trẻ.

Hải Hà
Thực hiện

MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.