Trao đổi với Tiền Phong, GS- TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nhận xét: “Số giáo sư và phó giáo sư thuộc các trường đại học được phong tặng năm nay là 72,6%, tỷ lệ này năm ngoái là 89%. Mong muốn của chúng tôi là ngược lại: Tăng tỷ lệ phó giáo sư, giáo sư trong các trường đại học và giảm tỉ lệ này trong các cơ quan ngoài trường ĐH hoặc viện nghiên cứu”.
GS Trần Văn Nhung chia sẻ, dù số người trên 60 tuổi được phong chức danh phó giáo sư, giáo sư năm nay giảm đi chút ít nhưng về cơ bản sự trẻ hoá đội ngũ này chưa biến chuyển nhiều so với năm trước. Tân phó giáo sư trẻ nhất 32 tuổi: PGS Diệp Công Thành - ngành Cơ học, trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM. Tân giáo sư trẻ nhất có 2 vị cùng 46 tuổi: GS Nguyễn Văn Hiệp - ngành Ngôn ngữ học, ĐH Quốc gia Hà Nội; GS Phạm Quang Trung - ngành Kinh tế, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Tân phó giáo sư và giáo sư phần lớn có độ tuổi từ 50 đến 59 (339/578).
GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - tân giáo sư trẻ nhất năm nay thì cho rằng, thủ tục phong chức danh phó giáo sư, giáo sư ở ta hiện nay chưa hợp lý. Các tiêu chuẩn để một ứng viên được công nhận phó giáo sư, giáo sư tuy không cao lắm nhưng các thủ tục kèm theo khiến ngay cả những người giỏi cũng khó được phong.
“Trường tôi có một thầy rất giỏi nhưng cả hai năm 2009, 2010 đều trượt chức danh giáo sư. Mặc dù các tiêu chuẩn về mặt khoa học của thầy đều đạt nhưng khi bỏ phiếu tại hội đồng chức danh giáo sư chuyên ngành văn học, thầy không đủ số phiếu cần thiết. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân liên quan mà còn gây hệ luỵ không tốt cho nghiên cứu khoa học. Giới trẻ họ nhìn vào đó sẽ dễ dàng suy diễn: Để thành đạt trong nghiên cứu khoa học thì giỏi là chưa đủ”.