Nhiều đại học không sinh viên nghiên cứu khoa học

Nhiều đại học không sinh viên nghiên cứu khoa học
TPO - Sinh viên chưa mặn mà với đề tài, giảng viên thích dạy hơn nghiên cứu. Thậm chí, có trường không có đề tài nghiên cứu. Đó là thực trạng trong nghiên cứu khoa học của các trường đại học khối Nông - Lâm - Ngư - Y.

40.000 sinh viên, 150 đề tài

Theo báo cáo mới nhất của các trường thuộc khối Nông – Lâm – Ngư – Y, giai đoạn 2006 - 2010, có tổng số hơn 6.600 đề tài, dự án do sinh viên thực hiện. Trong đó, 51 đề tài cấp Nhà nước, 950 đề tài cấp Bộ, 4.064 đề tài cấp cơ sở, 427 đề tài địa phương và 211 đề tài/dự án quốc tế, với tổng kinh phí hơn một tỉ đồng.

Đề tài nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp chiếm 76% với 80% kinh phí; lĩnh vực ngư nghiệp chiếm 10% với 15% kinh phí. Lĩnh vực lâm nghiệp chỉ chiếm 3% số lượng đề tài với 3% kinh phí. Y dược hơn 3% số lượng đề tài và 2% kinh phí.

Ông Nguyễn Tất Cảnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Nghiệp I cho biết, tỉ lệ sinh viên nghiên cứu khoa học trong trường thấp, chỉ chiếm 15 - 20% tổng số sinh viên của trường.

Theo ông Cảnh, nguyên nhân vì mỗi đề tài được hỗ trợ còn mỏng: khối kinh tế 10 triệu và khối kỹ thuật 12 triệu.

Tiễn sĩ Lê Văn Khoa, Trường phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, cho hay, hàng năm, trường hỗ trợ một tỉ đồng cho sinh viên nghiên cứu khoa học, không phân biệt nhóm ngành. Trường có 40.000 sinh viên, bình quân hàng năm, có 150 đề tài, gồm: 50 đề tài cấp bộ, 50 đề tài cấp cơ sở và 50 đề tài cấp địa phương.

Đính chính

Ngày 6 – 10 – 2010, Tiền Phong Online đăng bài “Nhiều đại học không sinh viên nghiên cứu khoa học”, có đoạn: “Sinh viên chưa mặn mà với đề tài, giảng viên thích dạy hơn nghiên cứu. Thậm chí, ĐH Y (ĐH Huế) và ĐH Hùng Vương không có đề tài nghiên cứu nào. Đó là thực trạng trong nghiên cứu khoa học của các trường đại học khối Nông - Lâm - Ngư - Y”.

Số liệu trên được phóng viên thu thập từ hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ 2006 - 2010 và định hướng năm năm 2011 - 2015 của các trường ĐH khối Nông – Lâm – Ngư – Y, diễn ra tại trường ĐH Nông nghiệp I, với sự tham dự của các trường trong khối Nông – Lâm – Ngư – Y và đại diện Bộ GD&ĐT.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, thông tin trên không chính xác. Thực chất, từ năm 1999 đến nay, trường ĐH Y (ĐH Huế) có tổng số 599 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học; tổng số công trình nghiên cứu khoa học là 292 và tổng số công trình nghiên cứu khoa học sinh viên đạt giải thưởng cao (các cấp): 70.

Chúng tôi xin đính chính và cáo lỗi với trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) cùng bạn đọc.

Ông Khoa nói, nếu tính trên tổng số sinh viên, số tiền trên còn ít, nhưng đối với khối ngành kỹ thuật thì không ít.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Sơn - Phó khoa Chăn nuôi - Đại học Nông- Lâm (Đại học Huế), sinh viên không mặn mà với nghiên cứu khoa học vì mỗi đề tài trong trường được cấp khoảng vài trăm nghìn đồng, giảng viên cao hơn một chút, khoảng một triệu đồng.

Giảng viên thích dạy hơn nghiên cứu

Ông Nguyễn Tất Cảnh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp I lí giải cho tình trạng ảm đạm trong nghiên cứu khoa học của khối Nông - Lâm - Ngư - Y. Sinh viên nghiên cứu phải có người hướng dẫn, trong khi, hầu hết các giảng viên đổ xô vào giảng dạy, thời gian hướng dẫn hạn chế.

“Hướng dẫn phải có kinh phí hỗ trợ cho thầy, nhưng hầu hết ở các trường còn yếu. Mỗi đề tài, thầy cô hướng dẫn được bồi dưỡng bằng khoảng 10 tiết, mỗi tiếng 35.000 đồng, không đáng bao nhiêu tiền”- ông Cảnh chia sẻ.

Không chỉ sinh viên không mặn mà với nghiên cứu mà giảng viên cũng ít tham gia nghiên cứu khoa học cũng bởi chế độ thù lao. Ông Cảnh nhận định, nghiên cứu khoa học có nhiều rủi ro, trong khi, lên lớp giảng bao nhiêu tiết được bấy nhiêu tiền. Nhận tiền của nhà nước mà không làm ra sản phẩm thì “gay” lắm và bị dừng bất cứ lúc nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Miên, trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Nông lâm TP.HCM, một trong những hạn chế là giáo viên thích dạy hơn nghiên cứu khoa học.

“Thủ tục thanh, quyết toán đề tài vẫn còn quá phức tạp, không khuyến khích được thầy cô tham gia nghiên cứu và kinh phí đề tài cấp Bộ còn thấp so với đề tài cấp tỉnh” - Ông Miên nhận định.

Đại diện của Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên thì cho rằng, cơ chế, chính sách tài chính chưa tạo động lực cho nghiên cứu khoa học, thiếu cơ chế để giảng viên độc lập nghiên cứu. Đầu tư ngân sách của nhà nước cho các trường còn ít so với nhu cầu, thiếu tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên và đơn vị trọng điểm.

MỚI - NÓNG