Dẹp lạm thu năm học mới: Nơi tích cực, chỗ thờ ơ

Ở trường THPT Phạm Hồng Thái - nơi năm ngoái Tiền Phong nhận được khiếu nại của phụ huynh về tình trạng lạm thu nhưng đến nay thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa có kết luận. Ảnh: Quý Hiên
Ở trường THPT Phạm Hồng Thái - nơi năm ngoái Tiền Phong nhận được khiếu nại của phụ huynh về tình trạng lạm thu nhưng đến nay thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa có kết luận. Ảnh: Quý Hiên
TP - Năm học này, có hàng chục địa phương ban hành quy định mới về thu chi học phí theo hướng chống lạm thu. Trong khi đó, nhiều nơi viện dẫn lý do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên chưa có động thái tích cực.
Ở trường THPT Phạm Hồng Thái - nơi năm ngoái Tiền Phong nhận được khiếu nại của phụ huynh về tình trạng lạm thu nhưng đến nay thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa có kết luận. Ảnh: Quý Hiên
Ở trường THPT Phạm Hồng Thái - nơi năm ngoái Tiền Phong nhận được
khiếu nại của phụ huynh về tình trạng lạm thu nhưng đến nay thanh tra
Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa có kết luận. Ảnh: Quý Hiên.


Mạnh tay

Cho đến nay, Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong cả nước cương quyết đối với việc quản lý hoạt động thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ngày 1-9, thành phố này đã ban hành văn bản quy định việc vận động, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo đó, mức tối đa để các ban đại diện vận động cha mẹ học sinh đóng góp tự nguyện từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/học sinh/năm học, tuỳ cấp học, tùy địa bàn sinh sống học tập của học sinh. Kèm theo khung này là một số nguyên tắc: phụ huynh tự nguyện đóng góp; không vận động thu với các trường hợp được miễn giảm học phí; không thu một mức cho toàn bộ cha mẹ học sinh...

Đặc biệt, một nguyên tắc chi được nhấn mạnh: Không sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cho việc mua sắm hoặc hỗ trợ trang thiết bị, sửa chữa trường lớp.

Theo hướng dẫn việc thực hiện các khoản thu trong năm học 2010 – 2011 của Sở GD&ĐT Đồng Nai, quy định về việc thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh có từ cuối năm 2008 cho phép ban đại diện được dùng quỹ thu từ phụ huynh chi hỗ trợ kinh phí để làm mới, sửa chữa cơ sở vật chất của nhà trường, mua sắm bổ sung thiết bị trong điều kiện Ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng mức hỗ trợ phải dưới 100 triệu đồng.

Nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT đều nhận thấy trong việc thu chi liên quan tới nhà trường, vấn đề cần chấn chỉnh nhất là nguồn đóng góp từ các vị phụ huynh. Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết: “Nhiều trường nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh tự định ra một số khoản, định mức thu. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm thu. Vì thế ngành GD&ĐT Tiền Giang chủ yếu điều chỉnh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh”.

Còn phải… bàn bạc thêm

Theo phản ánh của các địa phương, tình trạng lạm thu chủ yếu xảy ra ở các đô thị, các thành phố lớn. Song những nơi đã có quyết định về việc điều chỉnh chính sách thu chi trong năm học này lại thiếu vắng Hà Nội và TPHCM.

Theo lý giải của một cán bộ Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD&ĐT, những nơi có điều chỉnh thu chi chủ yếu liên quan tới số đông học sinh được miễn giảm học phí, thậm chí được trợ cấp để học tập trên địa bàn mình. Việc điều chỉnh này liên quan tới quyền lợi được tăng định mức đầu tư cho GD&ĐT. Việc Hà Nội và TPHCM chưa điều chỉnh mức thu chi học phí còn do áp lực của dư luận đòi hỏi những nơi này khi đã điều chỉnh thu chi thì phải chấm dứt lạm thu.

Một yêu cầu mà Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh đặt ra là UBND tỉnh, thành phố quy định mức thu quỹ của ban đại diện không được nhắc tới. Hiện nay, Hà Nội và TPHCM vẫn chưa có hướng dẫn nào thực hiện điều lệ trên.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, sở dĩ địa phương này chưa áp điều chỉnh mức thu học phí theo Nghị định 49 là còn chờ thông tư hướng dẫn. Trước mắt, học kỳ I năm học 2010 – 2011, thành phố vẫn áp dụng mức thu của năm ngoái. Về giải pháp chống lạm thu, ông Minh chỉ khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện nơi nào thu sai sẽ phải trả lại cho phụ huynh.

Song một quan chức Bộ GD&ĐT cho rằng, về các khoản thu học phí, Nghị định 49 đã quy định quá rõ ràng: Với bậc học mầm non và phổ thông, mức thu đối với thành thị là từ 40.000 đồng đến 200.000 đồng/tháng/học sinh; nông thôn từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng/tháng/học sinh; miền núi từ 5.000 đồng đến 40.000 đồng/tháng/học sinh.

Còn ông Trần Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã hoàn thiện đề án học phí mới, định trình HĐND trong kỳ họp tháng 8 vừa qua nhưng do không chắc đạt được sự ủng hộ cao nên rút về soạn thảo lại để trình vào kỳ họp tháng 12 tới. Về chấn chỉnh hoạt động thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Độ cho biết, việc thu chi cần bàn bạc tiếp.

Năm ngoái, Hà Nội đã từng dự kiến quy định một ban đại diện cha mẹ học sinh muốn đầu tư các công trình có giá trị cho nhà trường cần 5 chữ ký, 4 con dấu (trong đó có con dấu của UBND quận/ huyện). Tuy nhiên, dự kiến này đã bị các phòng GD&ĐT phản đối, cho rằng cách làm này không đúng điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và cản trở chủ trương xã hội hóa giáo dục.

MỚI - NÓNG