>> Mời giáo sư Ngô Bảo Châu về nước làm việc
GS Ngô Bảo Châu (giữa) cùng các SV Việt Nam tại Harvard University. |
Sự kiện Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm gia đình giáo sư Ngô Bảo Châu ngày 8-8 và ngỏ lời mời giáo sư Ngô Bảo Châu tham gia chương trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Toán học giai đoạn 2010-2020 giành được sự quan tâm của dư luận. Chiều 9-8, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS-TSKH Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học.
GS Lê Tuấn Hoa nói: Một số người căn cứ vào thành tích thi toán quốc tế hằng năm của học sinh phổ thông nước ta để có những đánh giá đầy ngộ nhận về sự phát triển của nền Toán học Việt Nam. Trình độ Toán học có thể phục vụ cho kinh tế - xã hội VN, ít ra là phục vụ cho đào tạo - khả năng ứng dụng sát sườn nhất - mà chúng ta còn không đủ. Các nước phát triển chỉ những người có bằng Tiến sĩ Toán mới được giảng về Toán ở các trường đại học, trong khi ở ta nhiều cử nhân, cao hơn chút là thạc sĩ vẫn được làm giảng viên.
Hơn nữa nền Toán học trước hết phải được đánh giá từ những nhà toán học. Cả nước hiện nay có khoảng 1.000 Tiến sĩ Toán học nhưng chỉ khoảng 150 người được gọi là nhà nghiên cứu Toán học tích cực (xin lưu ý tỉ lệ này được xem là bình thường trên thế giới).
Với 150 người thì làm sao có nền Toán học tốt? Theo chúng tôi thống kê, riêng công ty Microsof có hơn 1.000 Tiến sĩ Toán làm việc về Toán thực sự. Chỉ cần so sánh hai con số trên đủ thấy nền Toán học của chúng ta mạnh yếu như thế nào!
Theo đánh giá của chúng tôi, nền Toán học Việt Nam xếp vào khoảng 50 - 55 trên thế giới. Với một nền Toán học non kém như vậy thì thành tích mà GS Ngô Bảo Châu đạt được hiện nay là rất lớn. Đặc biệt, nếu ngày 19-8 sắp tới, thông tin GS Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields (được xem là giải Nobel trong lĩnh vực Toán học) trở thành sự thật thì đây quả là một thành tích lớn lao, một thành công mà không ai dám mong chờ, không ai dám hy vọng ở một nền Toán học như chúng ta.
GS-TSKH Lê Tuấn Hoa. |
Nói như vậy có nghĩa Giáo sư xem Ngô Bảo Châu là thành tựu của nền Toán học chúng ta và liệu điều đó có quá lời không khi GS Ngô Bảo Châu trưởng thành từ một môi trường làm việc khác?
Cũng có lúc chúng ta ngộ nhận, vơ vào mình niềm tự hào của người khác. Nhưng trong trường hợp của GS Ngô Bảo Châu, ta xứng đáng được tự hào về anh. Ngô Bảo Châu sinh ra và lớn lên, theo học đầy đủ các bậc học phổ thông ở Việt Nam, học đại học anh mới sang Pháp.
Ai cũng biết thành tựu của anh Ngô Bảo Châu có được chủ yếu do thời gian anh làm việc ở Paris. Nhưng chính anh Châu cũng từng nói rằng, nếu không có hệ chuyên Toán chắc chắn chúng ta không có người giỏi, chứ đừng nói là có người đạt tới đỉnh cao...
Khối chuyên Toán đầu tiên của chúng ta được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định thành lập từ những năm 1965 - 1966. Từ đó đến nay, khối chuyên Toán ngày càng phát triển và xuất thân từ đó có nhiều lớp người tài, trong đó hiện nay có hàng chục giáo sư quốc tế, lứa trẻ như anh Châu có GS Vũ Hà Văn, GS Đinh Tiến Cường, GS Lê Tự Quốc Thắng, GS Phạm Hữu Tiệp, GS Nguyễn Tiến Dũng...
Không chỉ tự hào bởi nền giáo dục chúng ta sản sinh ra một con người như anh Châu, chúng ta còn tự hào bởi trong chục năm nay, hàng năm anh Châu đều về Việt Nam và tham gia làm việc tại Viện Toán. Viện Toán có hợp đồng trả lương cho anh hẳn hoi. Chúng tôi cố gắng trả cho anh ở mức cao nhất mà một giáo sư có thể nhận được ở Việt Nam (hệ số 8.0) nhưng số tiền đó chẳng đáng là bao so với lương mà anh được trả ở Mỹ. Nhưng anh rất nhiệt tình và thực tâm đóng góp, chủ động hội nhập vào cộng đồng Toán học Việt Nam, cùng Hội Toán học Việt Nam bắt tay xây dựng nền Toán học.
Chính đề án chương trình phát triển Toán học Việt Nam đến 2020 mà chúng tôi đang chờ Chính phủ phê duyệt, anh Châu đã cùng chúng tôi xây dựng nên. 3 năm gần đây chúng tôi đều đặn tổ chức trường hè cho sinh viên Toán trong cả nước, mỗi khóa có 100 sinh viên dự. Để thực hiện được điều này, chính anh Châu là người cùng chúng tôi đi gặp Bộ trưởng để thuyết minh xây dựng đề án v.v...
Rất nhiều chương trình liên quan tới sự phát triển nền Toán học, anh Châu đều tham gia cùng chúng tôi ở nhiều công đoạn. Nhưng chúng tôi cho rằng sự tham gia của anh như vậy chưa đủ, anh cần làm được gì đó cao cấp hơn.
Viện nghiên cứu cấp cao về Toán học mà Chính phủ sắp thành lập mới là chỗ đáng để cho anh ấy hoạt động. Đó là nơi khả năng tổ chức, liên hệ, hợp tác của anh Châu mới có đất nở rộ. Có Viện ấy, anh Châu sẽ mời được những giáo sư hàng đầu thế giới đến làm việc tại Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với những kiến thức mới nhất, cao siêu nhất của nhân loại.
Giáo sư có thể giới thiệu một chút về mô hình viện nghiên cứu này?
Viện nghiên cứu cấp cao về Toán được xây dựng theo mô hình Viện nghiên cứu cấp cao của Hàn Quốc (KIAS). Đó là một mô hình cấp tiến. Nhiệm vụ chính của viện là nơi để các tiến sĩ Toán đang giảng dạy tại các trường đại học thỉnh thoảng đến làm việc, có thể tập trung vào công việc nghiên cứu của mình, nâng cao năng lực nghiên cứu, hoàn thiện những công trình Toán học mà tại trường họ công tác không đủ thời gian hoặc không đủ người để trao đổi.
Đây còn là nơi để các tân tiến sĩ đến hoàn thiện mình, học tập và nghiên cứu tiếp để trở thành những nhà nghiên cứu độc lập. Khi trình độ cao thì họ quay về trường hướng dẫn sinh viên. Ngoài ra, nếu viện đóng ở Hà Nội, sinh viên các trường đại học ở Hà Nội có thể hằng ngày đến đây dự các hội thảo hoặc gặp gỡ học hỏi các thầy.
Những nhà toán học kỳ vọng về sự đóng góp của GS Ngô Bảo Châu như thế nào khi viện nghiên cứu này được thành lập?
Anh Ngô Bảo Châu rất bận. Một người như anh ấy thường xuyên nhận được lời mời ở khắp nơi trên thế giới và được trả thù lao báo cáo rất cao. Nhưng chục năm qua chứng minh được khi nào anh Châu có điều kiện là về Việt Nam, tự xuất tiền túi mua vé, tự thu xếp chuyện ăn ở. Một vài người có thể bảo là anh về thăm gia đình nhưng quả thật, mỗi lần về như vậy anh ấy dành thời gian được cho gia đình bao nhiêu!
Anh ấy đã dành khá nhiều thời gian cho Viện Toán. Anh ấy rất tâm huyết chuyện Toán học VN. Cách đây 3 năm khi nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói cần phải suy nghĩ, nghiên cứu để đưa ra chương trình phát triển mang tầm chiến lược cho Toán thì anh rất phấn khởi. Anh tâm sự với chúng tôi, nếu viện này ra đời kịp thời thì anh sẵn sàng đóng góp phần quan trọng công sức của mình cho hoạt động của viện.
Việc mời GS Ngô Bảo Châu làm viện trưởng viện này thì sao?
Viện chưa có quyết định thành lập nên chúng tôi chưa thể đưa ra lời mời cụ thể. Phải thấy ngay thế này, anh không thể làm việc ở Việt Nam 100% thời gian được. Có thể anh không thích như thế, nhưng chắc chắn là điều đó không tốt cho anh. Nước mình không thể trả lương cho anh như ĐH Chicago trả.
Hơn nữa, nếu làm ở Việt Nam làm sao anh có thể có một tập thể giỏi xung quanh để trao đổi ý tưởng như ĐH Chicago! Một trong những lý do quan trọng nhất anh chọn Chicago chứ không phải nơi trả lương cao hơn cho anh gấp mấy lần Chicago, vì đó là nơi có một tập thể nhà toán học rất giỏi. Anh muốn khám phá tiếp khoa học và anh chọn nơi đó để có đồng nghiệp, có sự trao đổi.
Ngoài ra, nếu anh về Việt Nam thì mối quan hệ quốc tế của anh tuy không mất nhưng chắc chắn sẽ bị giảm. Điều này có nghĩa anh sẽ mời được ít người giỏi hơn đến với chúng ta. Về Việt Nam làm việc một phần thời gian là tối ưu, mà cái đó thì tôi biết anh sẵn sàng.
Quý Hiên thực hiện