Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Khoa học Weizman ở Rehovot, Israel, đang tiến hành kiểm tra thiết bị cảm biến dò tìm nhịp thở, có thể nắm bắt những thay đổi nhịp độ luồng khí thở khi bệnh nhân đeo thiết bị này trong khoang mũi, sau đó chuyển đổi thành tín hiệu điện.
Thiết bị này có thể được kết nối với một phần mềm đặc biệt, được dùng để truyền và hiển thị tín hiệu trên một màn hình máy tính hoặc kiểm soát xe lăn.
Hiện tại, thiết bị này đang được các nhà khoa học Israel thử nghiệm trên ba bệnh nhân mắc chứng bại liệt, hay còn gọi là chứng bệnh “khóa trong”, khiến các bộ phận của cơ thể không có mối liên hệ, chịu sự điều khiển của cơ quan thần kinh trung ương.
Một bệnh nhân nữ, 51 tuổi không thể đi lại, nói chuyện hay thậm chí chớp mắt sau khi bị tai nạn, đã có thể giao tiếp khi sử dụng công nghệ mới này.
Với sự kiên trì luyện tập điều khiển nhịp thở trong 20 phút mỗi ngày, 19 ngày sau, bệnh nhân này viết được tin nhắn đầu tiên cho gia đình. Đến hiện tại, thiết bị cảm biến dò tìm nhịp thở là phương tiện duy nhất giúp bệnh nhân trên giao tiếp với mọi người xung quanh.
Một bệnh nhân nam, sau khi gặp tai nạn xe hơi khi 18 tuổi, mắc bệnh “khóa trong”, cũng đã có thể viết được tên mình khi luyện tập với thiết bị trên trong 20 phút mỗi ngày. 11 bệnh nhân bại liệt khác cũng có thể tự lái xe lăn và sử dụng Internet thông qua máy cảm biến.
Giáo sư Noam Sobel, nhà thần kinh học tại Viện Khoa học Weizmann, phát triển thiết bị này một cách rất tình cờ. Giáo sư Sobel, chuyên nghiên cứu cơ chế của não bộ tiếp nhận mùi vị, cho biết, ý tưởng này rất khả thi và có tính hữu dụng cao, sau khi sử dụng thêm một khứu giác kế nhằm tạo sóng vị giác, kết hợp cùng thiết bị cảm biến.
Mặt khác, Giáo sư Niels Birbaumer thuộc trường Đại học Tubigen ở Đức, chưa thực sự tin tưởng thiết bị trên có khả năng giúp bệnh nhân bại liệt giao tiếp lại được hoàn toàn.
Trả lời trên tạp chí New Scientist Magazine, ông Birbaumer cho biết, những bệnh nhân mắc chứng "khóa trong" sẽ không đủ khả năng kiểm soát hệ thống các cơ.
Đáp lại, giáo sư Sobel vẫn tin tưởng thiết bị cảm biến dò tìm nhịp thở này, và cho biết hệ thống vẫn đang trong quá trình phát triển và sẽ hoàn thiện hơn.
Phạm Hằng
Theo Telegraph