> Khi sếp đột ngột từ chức
> Mười điều 'thú tội' của Sếp
> Khi không được sếp đánh giá cao trong công việc
Ngày 16-10 hằng năm, nhân viên ở các công ty tại Mỹ thường tổ chức ngày National Boss's Day (Ngày Ông chủ). Đây được xem là dịp để nhân viên bày tỏ lòng biết ơn với sếp vì đã đối xử một cách công bằng và tốt đẹp với họ.
Có người chọn những bó hoa, có người viết thiếp, viết thư... để trên bàn sếp. Có người lại chọn cách mời sếp đi ăn trưa tại những địa điểm yêu thích... với mong muốn sếp có một ngày vui trọn vẹn.
Sếp thường xuất hiện với những ánh hào quang, những ưu thế mà ai cũng mong muốn có được. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích làm công việc của sếp.
Nhân viên không thích công việc sếp đang làm nghĩa là không thích vị trí của sếp đang nắm giữ. Điều đó nghe có vẻ không được tự nhiên lắm nhưng lại là một thực tế phổ biến hiện nay. Theo một nghiên cứu mới do Office Team tiến hành với 413 nhân viên văn phòng, có đến hơn 3/4 (76%) người lao động nói rằng, họ không hề có chút thích thú gì với vị trí của người quản lý. Gần 2/3 (65%) tin chắc rằng, họ không thể làm tốt công việc đó hơn sếp. Điều đó có nghĩa là 35% cho rằng họ có thể làm tốt hơn ông chủ hiện tại.
Không ít nhân viên tỏ ra không thích công việc của sếp và dấu hiệu này cho thấy người quản lý nên kiểm tra mối quan hệ của họ với nhân viên. Bởi nếu nhân viên nghĩ rằng không có hy vọng thăng tiến trong sự nghiệp và sếp chẳng quan tâm đến nhân viên thì họ sẽ tìm kiếm công việc ở nơi khác hoặc thậm chí có tư tưởng "đứng núi này trông núi nọ", không thể toàn tâm toàn ý với công việc. Chia sẻ những thông tin trong công việc, cùng nhau giải quyết khó khăn và sẵn sàng san sẻ rắc rối cùng nhân viên sẽ giúp nhân viên thấy họ có giá trị và cơ hội phát triển. Từ đó mà thêm tinh thần gắn bó với công ty.
Liên quan đến lý do tại sao nhiều nhân viên không thích làm công việc của sếp, Robert Hosking - GĐĐH của Office Team cho rằng, thực trạng này một phần xuất phát từ việc người quản lý không thực sự phù hợp với vai trò lãnh đạo của mình. Nhiều quyết định của sếp đôi khi không được lòng mọi người và không phải ai cũng cảm thấy thoải mái ở vai trò này.
Trên tinh thần ấy, Office Team xác định 7 đặc điểm của một nhà lãnh đạo tiềm năng cần phải có:
- Người quản lý nên tạo niềm tin cho nhân viên bằng lối sống đạo đức và phong cách làm việc trách nhiệm cao.
- Đôi khi, sếp phải biết đưa ra quyết định khó khăn nhưng dựa trên suy tính logic.
- Quản lý công việc hiệu quả, luôn thừa nhận vai trò, đóng góp của các nhân và cả nhóm.
- Sếp cần có đầu óc sáng tạo và khuyến khích các thành viên trong nhóm phát triển các giải pháp sáng tạo.
- Động viên, hướng dẫn nhân viên, chia sẻ tầm nhìn với mọi người.
- Sếp phải biết lắng nghe, không bảo thủ và áp đặt suy nghĩ của mình.
- Xây dựng mạng lưới quan hệ tốt đẹp trong và ngoài công ty với mọi người, để hỗ trợ cho nhân viên hoàn thành tốt công việc.
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: vieclamtienphong@gmail.com. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Theo CareerBuilder/Bưu Điện Việt Nam