Những cánh chim non trong bão

Những cánh chim non trong bão
Khi người thân phạm tội, họ đã phải nhận một cú sốc khủng khiếp, và chính sự ấu trĩ, đa phần là vô ý của nhiều người trong chúng ta đã đẩy những người bạn vô tội một bước nữa vào khốn cùng.

Những cánh chim non trong bão

Khi người thân phạm tội, họ đã phải nhận một cú sốc khủng khiếp, và chính sự ấu trĩ, đa phần là vô ý của nhiều người trong chúng ta đã đẩy những người bạn vô tội một bước nữa vào khốn cùng.

Những cánh chim non trong bão ảnh 1
 Ảnh: minh họa - Internet

Những cuộc trốn chạy

Người bạn thân nhất của tớ sụp đổ khi bất ngờ ba bạn ấy bị tố cáo hiếp dâm. Những bài báo về vụ việc được dân làng photo đen trắng truyền tay nhau. Bố mẹ chàng gà bông ngay lập tức đòi chấm dứt, “lấy vợ xem tông” mà. Bạn bè xa lánh. Bạn ấy lủi thủi đi đâu cũng cúi mặt, câm lặng, cô độc. Không một giờ ra chơi nào bạn bước ra ngoài. Bạn ấy đã khóc và nói với tớ: “Sống ở đây, mình còn đau đớn hơn cả chết!”. Rồi bạn ấy và mẹ lặng lẽ bỏ trốn khỏi làng.

Con đầu của hiệu trường Sầm Đức Xương đang theo dở Đại học Sư Phạm I Hà Nội cũng phải bỏ học giữa chừng. Chính ông Xương nghe tin cũng “chết điếng vì cứ nghĩ đơn giản “ai làm người đó chịu”, nào ngờ cháu nó chắc vì vừa xấu hổ, vừa khó khăn về kinh tế nên “đứt gánh giữa chừng” chuyện học hành”.

Hai con của phạm nhân trong vụ án nổi tiếng vợ giết chồng cũng có những tháng ngày khủng khiếp. Hình ảnh giăng đầy các báo. Các bạn bị bạn bè, người đời chỉ mặt xầm xì: “Nó kìa, mẹ nó giết chết cha”. Không chịu nổi áp lực, các bạn cũng phải bỏ học. Gia đình và bạn bè cũ của bố vội vàng phải thu xếp cho 2 bạn tới một trường nội trú ở thành phố khác, hi vọng tạo được một chốn bình an tạm thời cho bạn.

Và còn nhiều nữa những cuộc ra đi không biết ngày mai thế nào, không biết có những cạm bẫy nào phía trước. Bạn trai hiền lành Lê Văn Long cũng đang lang thang đâu đó, ê chề, buồn tủi, đơn độc. Liệu vết thương lòng có kịp lên da non?

Một teen có ba vừa bị bắt đã tâm sự: “Ba đã bị giữ trong trại, xa hẳn với xã hội, hai anh em mình thì bị bỏ lại ngoài đời để trả lời những câu hỏi về hành vi của ba, cho dù mình cũng chẳng hiểu tại sao ba lại làm thế. Tụi mình phải đương đầu với áp lực từ mọi phía. Có lúc mình còn mong thà rằng bị tù, 24 tiếng đồng hồ sau song sắt, còn hơn là bị vứt lại giữa đời để gột rửa những ánh nhìn ghê gớm của người làng”.

Những ứng xử vừa hiếu kỳ vừa vô tâm

Khi làm bài viết này tớ đã gặp hai bác thẩm phán, nhưng các bác ấy đều không biết là phía sau vụ án gia đình người thân ly tán thế nào: “Tôi lo phân tích hồ sơ, xử đúng người đúng tội đã là mệt lắm rồi. Xong vụ này chúng tôi lại bắt tay vào ngay vụ khác, không còn thời gian”. Hỏi một vài thầy cô giáo, tớ nhận được câu trả lời: “Nhà trường không có quy chế riêng cho những bạn là anh em của người phạm trọng tội, nếu các bạn ấy nghỉ học thì GV cũng chỉ biết động viên, thuyết phục thôi”. Chúng ta chưa có một chính sách cụ thể nào cho những người vô tội bị bỏ lại giữa thị phi, sau khi người phạm tội lĩnh án.

“Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Dư luận độc ác và có sức công phá lớn hơn chúng ta tưởng.

Nhất là với tâm lý người Việt mình, luôn coi mối quan hệ gia đình, tình làng nghĩa xóm là quan trọng. Đâu phải lời nói nào gió cũng thổi bay? Những cái nhìn hiếu kỳ và phán xét của người đời nhiều khi còn sát thương hơn dao chém. Sự khai thác thái quá của truyền thông quanh vụ án, quanh gia đình thủ phạm, theo kiểu sợi tóc chẻ tư, đôi khi độc ác và tàn nhẫn.

Quá quan tâm, giờ trở thành quá tò mò. Chỉ trỏ, thầm thì, kỳ thị… Rồi chúng ta vô tư đánh giá người khác theo những chuẩn mực riêng của mình. Vì lạc hậu, chúng ta chỉ biết đánh giá một chiều. Vì thiển cận, chúng ta hay quy kết, dán nhãn, chụp mũ. Tất cả càng làm tăng thêm nỗi đau cho những người vốn đã đau lắm rồi.

Khi chấp nhận chạy trốn, tớ biết bạn sẽ phải tới một nơi thật là xa lạ, hi vọng không có một ai biết tới mình và quá khứ của gia đình. Ở đó là số không về tất cả mọi mặt: không nhà cửa, không tiện nghi, không bạn bè thân thiết, không có nền tảng, không có chỗ dựa. Hẳn mọi việc sẽ cực kỳ khó khăn và nhiều bất trắc. Và đáng sợ hơn, dù đi đâu, dù người xung quanh xa lạ tới chừng nào thì trong lòng họ vẫn còn vẹn nguyên vết sẹo đó. Sống với một bí mật đau đớn trong tim là một cuộc sống không bình yên. Sợ hãi, nơm nớp, là một cuộc sống không sung sướng gì.

Trước mặt bạn ấy có thể là hố sâu

HHT đã từng có bài viết rằng “Không ai chọn sinh ra trong cái ác”. Ai cũng chỉ mong mình được lớn lên trong một tổ ấm bình yên và hạnh phúc. Họ chỉ không may mắn, chứ họ không phải chịu trách nhiệm về những sai lầm người thân đã gây ra. Họ cũng có quyền làm chính mình!

Nhớ vụ án ở nước Áo chấn động cả thế giới, người cha loạn luân Fritzl 73 tuổi nhốt con gái dưới hầm 24 năm để lạm dụng tình dục. Phóng viên tập trung dày đặc quanh nhà, với đầy đủ máy quay phim, chụp hình, truyền hình trực tiếp, nhưng chúng ta không hề nhìn thấy một bức hình nào của nạn nhân và 6 đứa con của cô ấy. Các bé đã được lập tức thay tên đổi họ, bí mật chuyển đi nơi khác để lớn lên không bị kỳ thị.

Cũng có những lời trách móc, nhưng là dư luận trách móc chính mình: “Cả đất nước này phải tự chất vấn lại mình xem điều gì đã dẫn đến sai lầm cơ bản đến như vậy?”. Cả thành phố Amstetten “sốc, buồn, tức giận và có lẽ là căm thù chính mình”. Những lời kêu gọi: “Hãy giúp đỡ và thể hiện sự đoàn kết để cuộc sống có thể được tiếp tục với những đứa trẻ đang hết sức bối rối và người mẹ đầy hoảng sợ của chúng”.

Hàng trăm người đã lặng lẽ đặt những ngọn nến ở quảng trường cầu nguyện cho các nạn nhân. Cả thành phố đau đớn nỗ lực tìm cách rửa sạch những tội lỗi khủng khiếp đã diễn ra trong ngôi nhà của Fritzl.

Chính sự quản lý còn lạc hậu cũng góp phần làm chúng ta thêm nhẫn tâm. Quyền riêng tư của mỗi người chưa đươc tôn trọng. Nhiều vụ án, hình ảnh người thân của nghi phạm, hay bị cáo bị báo chí đăng quá chi tiết. Bản lý lịch, vốn đã rất chi tiết về bố mẹ, anh chị em, người thân, làm gì ở đâu… lại quá công khai, đi đâu cũng phải nộp, ai cũng có thể xem, nên cuộc sống của của mỗi người đều bị ảnh hưởng vì thân thế của họ.

Mỗi năm học, ngồi phụ cô làm sổ chủ nhiệm, hoặc đi ngang liếc qua sổ chủ nhiệm, là bạn nào, con ai, làm gì chúng mình đều có thể biết hết.

Một cuộc điều tra của Viện tâm lý học trên 2.200 học viên ở các Trung tâm Giáo dưỡng đưa ra một kết quả giật mình. Có tới 40% bạn ở Trung tâm có bố mẹ đã phạm tội hình sự. Một phần lý do xô đẩy các bạn vướng vào tệ nạn chính vì các bạn ấy bị xa lánh, kỳ thị, dẫn đến khủng hoảng tâm lý, tự ti, khó hòa nhập.

Từ đó nhiều bạn trở nên hung hãn, lì lợm, xa lánh mọi người và căm ghét xã hội. Trong hoàn cảnh đó, teen dễ bị những kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, khống chế thực hiện những hành vi xấu. Cái ác đã bị nhân lên chính do sự kỳ thị của chúng ta. Sống trong môi trường ô nhiễm lòng thương, những người bạn đó rất dễ thành một cây non tật nguyền.

Hãy nhìn vào hình bàn tay bạn, khi bạn trỏ vào một ai đấy. Khi một ngón trỏ bạn dùng chỉ vào người khác, thì ngay lúc đó có tới 3 ngón tay của bạn: ngón giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út, đang quặp vào, chỉ về phía bạn. Tạo hóa đã ngầm nói cho bạn rằng: khi bạn trách móc kết tội người khác, thực ra là bạn đang thể hiện mình đáng kết tội hơn tới 3 lần. Teen à, nhớ nhé, hình bàn tay chỉ vào người khác muốn nhắc bạn hãy nhìn lại mình, hãy tự vấn mình 3 lần trước khi phán xét, kết tội ai.

Thu Hà

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG