Thầy quản phạm mở lòng

Thầy quản phạm mở lòng
TP - “Thầy” là cách gọi tình cảm của phạm nhân đối với những cán bộ quản giáo - những người gắn liền cuộc sống và quá trình cải tạo sau song sắt trại giam; là điểm tựa để những người lầm lỡ hướng thiện…

> Ma túy đưa 'ông cử' vào lao lý
> Phạm tội xong chỉ sợ bố đánh
> Một giây nóng nảy, đánh chết người tình của mẹ
> Một phút 'anh hùng rơm' trả giá bảy năm tù
> Trải lòng sau song sắt: Mất tuổi xuân sau cuộc 'giải cứu'

Chúng tôi có dịp chuyện trò với hai trong số những người thầy như vậy tại trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội). Đại úy Vũ Minh Thụ và Đại úy Trần Văn Long. Với thâm niên hơn chục năm công tác, hai người thầy ấy đã có những sẻ chia chuyện nghề, chuyện người bên trong cổng sắt trại giam…

Bình thường như mọi người

 “Dù có nguyên tắc gọi “cán bộ”, xưng “tôi”, nhưng nhiều phạm nhân vẫn muốn xưng hô là “thầy” thay cho “cán bộ”. Cách xưng hô tạo lập môi trường giáo dục, giúp họ xóa đi mặc cảm”. 

Đại úy Trần Văn Long Cán bộ Trại giam Thanh Xuân

Đại úy Vũ Minh Thụ với 18 năm tuổi nghề, trong đó 11 năm làm cán bộ chuyên sâu về giáo dục ở trại giam đã tiếp xúc với hàng nghìn phạm nhân. “Mỗi trại bây giờ trên dưới hai nghìn phạm nhân. Mười mấy năm liên tục người vào người ra. Làm công tác giáo dục thì hằng ngày, hằng giờ chúng tôi phải tiếp xúc với phạm nhân. Trung bình mỗi ngày tiếp xúc ít nhất 5-7 người”, anh Thụ chia sẻ.

Chuyện tiếp xúc với phạm nhân cũng bình thường như mọi người ở ngoài gặp gỡ với nhau. Anh Thụ so sánh: “Các bạn đi làm gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người bình thường thì bọn mình cũng vậy. Họ cũng là con người. Họ phạm tội trước pháp luật. Mình thực hiện chức trách nhiệm vụ quản lý nên cần phải có ranh giới cán bộ- phạm nhân nhưng lúc nào cũng bình thường như thầy giáo lên lớp với học sinh”.

Công việc chuyên sâu của anh Thụ là giáo dục và phổ biến, tuyên truyền chính sách của nhà nước đối với phạm nhân, đảm bảo thực hiện chế độ ăn, mặc, ở cho họ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, cán bộ quản giáo trở thành nhà tâm lý, gỡ rối các vướng mắc trong đời sống của phạm nhân.

“Có nhiều vấn đề không đúng với chuyên môn như tư vấn tình cảm, hôn nhân… nhưng làm nhiều thì quen. Trong khi tiếp xúc, tư vấn cho phạm nhân, mình nói thẳng, nói thật để họ thoải mái tư tưởng; sau tư vấn thì thấy nhiều phạm nhân cũng yên tâm cải tạo”, anh Thụ nói.

“Vào đây, chủ yếu phạm nhân buồn và nặng về tình cảm như lo lắng cho bố mẹ, vợ con ở nhà sinh sống thế nào? Tình cảm vợ chồng ra sao… Không ít phạm nhân khủng hoảng tâm lý khi nhận được đơn xin ly hôn của vợ; chạnh lòng vì người thân ít lên thăm…”. Anh Thụ còn cho hay vẫn thấm thía sự mộc mạc, nhưng đầy lý lẽ trong bức thư của vợ một phạm nhân người dân tộc thiểu số gửi cho chồng, vỏn vẹn mấy chữ “con trâu buộc mãi nó cũng mỏi, không có cỏ thì nó phải đi tìm” để xin ly hôn. Rồi trường hợp phạm nhân Đinh Ngọc Hưng (Hải Phòng) thụ án tù 4 năm về tội trộm cắp tài sản. Khi Hưng vào trại, ở nhà xảy ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, vợ Hưng tìm đến trại nói về chuyện ly hôn. Anh Thụ phải gặp phạm nhân, gặp vợ phạm nhân để tư vấn, giải quyết…

Tội ác không tự dưng mà đến

Theo các thầy, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tội ác, trong đó chủ yếu do xã hội phát triển, cơ chế thị trường, con người nảy sinh nhiều tham vọng, đua đòi… dễ bị sa ngã. “Trong này sinh viên đại học có cả chục người. Như trường hợp Đinh Ngọc Hưng từng tốt nghiệp đại học. Anh này gia nhập bang trộm cắp toàn đối tượng có trình độ đại học, trong đó có một thành viên, tên Khánh giỏi về mở khóa. Nhóm này chuyên trộm tại các cơ quan, công ty nhà nước”, anh Thụ dẫn chứng.

Anh Thụ cho biết thêm, qua điều tra khảo sát thực tế, yếu tố gia đình ảnh hưởng đến 50% hành vi phạm tội của các đối tượng. Đó là những gia đình không hoàn hảo như bố mẹ ly thân, ly hôn… dẫn tới buông lỏng thiếu quan tâm tới con cái. “Đối tượng vi phạm có hoàn cảnh này rất nhiều”, anh Thụ còn ví von: “Con cái như cái cây phải có gốc, gia đình không có nền tảng thì cái cây sâu chẳng mấy mà chết”.

Nói thêm về điều này, anh Long điểm sơ qua tình hình đội 1, nơi anh quản lý: “Trong đội của mình, chủ yếu là án liên quan ma túy, giết người, trộm cướp. Trong đó khá nhiều người còn rất trẻ. Như trường hợp phạm nhân Đặng Lê Cương giết người cướp tài sản ở tuổi vị thành niên. Cương phạm tội một phần xuất phát từ gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quản lý của bố mẹ và bản thân chán nản, bỏ bê học hành”.

Cũng theo anh Thụ, anh Long, một phần nguyên nhân của các hành vi phạm tội, sa ngã còn xuất phát từ sự giáo dục, quan tâm của địa phương. Ở địa bàn phức tạp, nhạy cảm thì dễ bị ảnh hưởng. Lại do trình độ nhận thức kém, điều kiện sống khó khăn, thấy cái lợi trước mắt mà phạm pháp. Trong trại có nhiều phạm nhân là người dân tộc thiểu số. Nhiều người trong số họ chưa từng có tiền án tiền sự, nhưng đều vướng vào những án có khung hình phạt nặng, thậm chí là chung thân, vì sự cả tin, thiếu hiểu biết. “Trong đội mình quản lý có phạm nhân Hạng A Chính (SN 1991) đang thụ án chung thân vì liên quan án ma túy. Chính được một đối tượng khác nhờ đưa hàng với lời hứa sẽ trả tiền công cao”, anh Long kể.

Cảm hóa bằng tình người

Hơn chục năm gắn với nghề cam hóa, hướng thiện cho những người lầm lỡ, anh Long, anh Thụ cho rằng: “Trong công tác quản lý, cải tạo phạm nhân khó có thể nói chuyện tài giỏi. Nhưng có một điều, nếu làm được công tác giáo dục, xóa đi mặc cảm thì khả năng vi phạm của phạm nhân sẽ rất thấp. Đến lúc đó, có vấn đề họ cũng sẽ tin tưởng trao đổi để tạo điều kiện để mình làm công tác tư tưởng”.

Vào trại giam, mọi phạm nhân đều bình đẳng và đều lao động bình thường theo quy định và chịu sự giám sát mức độ lao động. Trong trại không có phân biệt bố - con, chú - cháu, anh - em…, tất cả đều có sự tôn trọng nhau gọi anh xưng tôi, gọi cán bộ xưng tôi. “Dù có nguyên tắc gọi cán bộ, xưng tôi, nhưng nhiều phạm nhân vẫn muốn gọi là thầy thay cho cán bộ. Cách xưng hô tạo thành môi trường giáo dục, giúp họ xóa đi mặc cảm”. Anh Long cũng cho hay, “đối với đối tượng phạm tội lần đầu và ở tuổi vị thành niên, hay những người dân tộc thiểu số thì có sự quan tâm, phương pháp cảm hóa mềm dẻo hơn”.

Khoảng cách cán bộ - phạm nhân trong công tác quản lý đã có sự gần gũi hơn. Có nhiều phạm nhân đã dành tình cảm cho cán bộ. Nhiều trường hợp ra trại rồi, vẫn gọi điện hỏi thăm, chúc tết cán bộ quản giáo. Anh Long chia sẻ: “Đợt trước mình đi học một thời gian, khi trở về thì có một phạm nhân người dân tộc nói “thầy ơi, sao thầy đi lâu thế”. Mình cảm nhận ở đó không còn là phạm nhân với cán bộ nữa mà là tình cảm của bạn bè”. Còn Đại úy Thụ lại vui với đoạn kết không ly hôn của phạm nhân Hưng. “Sau này, cả hai vợ chồng sinh thêm đứa con nữa, công việc ổn định. Đến giờ Hưng vẫn gọi điện chia sẻ, cứ nhắc đi nhắc lại rằng không có thầy chắc hai vợ chồng em bỏ nhau”.

Thầy quản phạm mở lòng ảnh 1
 

Nói về nguồn cơn của hành vi phạm tội, Đại úy Vũ Minh Thụ cho rằng: “Khó có thể nói chuyện vi phạm là nhất thời hay có tính toán. Phạm tội do không có trình độ, thiếu hiểu biết thì còn có lý. Còn có trình độ, am hiểu pháp luật mà vẫn phạm tội là sự sa ngã, không thể đánh giá là nhất thời”. Đại úy Trần Văn Long nhấn mạnh: “Những hành vi phạm tội không có gì là… tự dưng”.

Chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống như cái nhìn được cho là đểu, một xích mích tại cuộc sinh nhật… nhiều thanh niên sẵn sàng đánh nhau và cướp đi mạng sống của người khác. Tội ác đến từ đâu? Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, phóng viên Tiền Phong đến Trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội), gặp một số phạm nhân trẻ đang cải tạo tại đây và ghi nhận sự trải lòng của họ.

Mời đón đọc loạt bài chuyên gia đường dây tư vấn tâm lý kể chuyện tội ác

Rời khỏi không gian nhà tù với những trải lòng của tù nhân trẻ, Diễn đàn Tội ác đến từ đâu mời bạn đọc tiếp tục chủ đề này với những câu chuyện gỡ rối của các chuyên gia đường dây tư vấn tâm lý. Những bi kịch gia đình, những câu chuyện sa ngã, những người chọn cái chết để giải thoát… đã được các chuyên gia gỡ thế nào, sẽ tái hiện qua Diễn đàn một cách sinh động.

Chúng tôi mong rằng, với những thông điệp đến từ nhiều nguồn sẽ giúp các bạn trẻ, gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan tìm ra được những phương cách ngăn chặn tội ác để cuộc sống của chúng ta bớt đi những hối tiếc, ân hận, trả giá và những tiếng thở dài của cộng đồng. Diễn đàn Tội ác đến từ đâu - vì cuộc sống bình an, tươi đẹp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
TPO - Khoảng thứ Bảy (28/12), ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ được cải thiện do không khí lạnh tràn về. Tuy nhiên, ngay sau đó, khoảng 30/12, Hà Nội và miền Bắc ô nhiễm không khí sẽ trở lại.
NSƯT Hà Đình Hào qua đời
NSƯT Hà Đình Hào qua đời
TPO - Theo thông tin từ gia đình, nghệ sĩ trống gạo cội Hà Đình Hào qua đời chiều 25/12, hưởng thọ 76 tuổi. Ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú năm 2012, là một trong số ít nghệ sĩ trống ở Việt Nam có danh hiệu này.