Tin tôi đi, bạn sẽ chẳng thể cuồng nổi đâu!

Hãy bước ra khỏi thế giới ảo, bạn sẽ an toàn! (Ảnh minh họa của Lekima)
Hãy bước ra khỏi thế giới ảo, bạn sẽ an toàn! (Ảnh minh họa của Lekima)
TP - “Các bài viết trên Diễn đàn Lệch lạc thần tượng đã đánh trúng suy nghĩ xen lẫn bức xúc bấy lâu của tôi. Hiện tượng thần tượng một cách quá khích đến phát cuồng của một số bạn trẻ, theo tôi một phần do những tác động từ thế giới ảo khiến không ít giá trị bị đảo lộn” - tác giả Quỳnh Hương gửi ý kiến tới Diễn đàn!

> Gốc là gia đình
> Mẹ, thần tượng của tôi

Ôi cái thời chỉ vẩn vẩn vơ vơ!

Có lẽ không người nào tuyên bố cả đời không thần tượng một ai đó, nhất là ở cái tuổi ô mai mơ mộng! Chưa bàn về những thế hệ đi trước, vốn coi thần tượng thuộc về những gì hào hùng thiêng liêng, ở thế hệ 7X chúng tôi, đôi khi thần tượng là những gì rất đỗi thân quen như cô bạn học giỏi cùng lớp, thầy cô, cha mẹ, anh chị…

Mơ mộng hơn tí nữa thì thần tượng chàng diễn viên, ca sĩ nào đó, nhưng cũng “khúm núm” lắm, cứ vẩn vẩn vơ vơ mơ về thần tượng, thi thoảng cười tủm tỉm một mình. Rồi âm thầm sưu tầm tranh ảnh, các bài báo viết về thần tượng…

Có lẽ cái thời vô tư trong sáng ấy được mặc định bởi tính thời đại. Lúc bấy giờ công nghệ thông tin là cái gì đó xa vời. Ở nông thôn, cả làng, cả xóm lác đác một hai nhà có cái tivi đen trắng.

Ở thành phố cũng chưa biết internet là gì. Chúng tôi sống cuộc sống thực nhiều hơn. Thế giới của bọn trẻ “vắt mũi chưa sạch” là thiên nhiên cây cỏ, là bạn bè, là gia đình...

Phát cuồng vì những cái tên xa lạ

Rồi thế giới bước vào kỷ nguyên của internet, công nghệ bùng nổ và người ta cũng lường trước cái gì cũng có mặt trái của nó. Có lẽ hiện tượng phát cuồng và lệch lạc thần tượng của một bộ phận giới trẻ hiện nay là minh chứng rõ nét nhất của thời đại internet.

Khi mà bạn ngồi trong phòng ngủ cũng có thể dõi theo cả thế giới. Chỉ cần một cú click chuột là cả thế giới hiện ra trước mắt bạn. Bạn yêu đến phát cuồng những cái tên như Kim Gun-mo, Park Mi-kyung, Seol Woondo hay Bigbang, Super Junior…

Lai lịch, cuộc sống của những cái tên đó bạn rành hơn lịch sử dân tộc? Báo chí viết chưa đủ thông tin bạn chỉ cần click chuột một cái là ra cả “chân tơ kẽ tóc” của thần tượng. Anh ý, chị ý ăn gì, mặc gì, vui buồn sướng khổ ra như thế bạn biết hết. Ngày ngày bạn cập nhật.

Chỉ cần thần tượng hắt hơi một cái là bạn lo ngay ngáy. Bạn đâu đủ va chạm với cuộc sống thật ngoài kia để hiểu rằng bạn đang bị “cầm tù” trong thế giới ảo. Guồng quay của cuộc sống trở nên gấp gáp và chóng mặt. Gia đình - tế bào của xã hội, và khi cả xã hội đang nhao lên, đua nhau lao về phía trước, tế bào đó cũng trở nên “lỏng lẻo”.

Cha mẹ, con cái mất dần sợi dây liên kết. Càng ngày con người càng trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Và thế giới ảo là “cứu cánh” cho những tâm hồn cô đơn ấy.

Lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý biến đổi rõ rệt và rất dễ nổi loạn. Có vô vàn điều mới mẻ cần khám phá và thắc mắc nhưng chúng không hỏi cha hỏi mẹ mà hỏi… "anh" Google.

Không phải chúng không muốn tâm sự với cha mẹ mà bởi các vị sinh thành ấy đang quá mải mê với công việc, với mưu sinh và trăm ngàn thứ khác. Và thế là cánh cửa của thế giới ảo luôn mở ra trước mắt.

Giấc mơ ở K-POP!

Ở góc độ nào đó, hiện tượng cuồng thần tượng của giới trẻ giống như nghiện game vậy. Nghiện game thì báo chí đã đề cập khá nhiều, cả thực trạng và những hậu quả khốc liệt, dai dẳng của nó. Cuồng thần tượng cũng là một dạng nghien.

Tôi dám cá 100% các bạn trẻ rồ rại lên vì các ca sĩ xứ Hàn như trong bài viết trên diễn đàn đều nghiện nhạc K-pop. Thời đại số hóa, đi đâu cũng dễ dàng gặp những hình ảnh các bạn teen teen tai nghe head-phone, cúi gằm mặt bước đi.

Đó là thành công của xu hướng maketting âm nhạc của Hàn Quốc. Đến nỗi truyền thông có hẳn một kênh gọi là K-pop. Và tôi cũng dám cá là ban đầu bạn trẻ tìm đến K-pop không phải vì… yêu mến gì tài năng của các ca sĩ mà vì tò mò, vì hội chứng đám đông. Xung quanh bạn bè ai cũng nghe, cũng xem, cũng bàn tán rôm rả, và thế là ta không thể bị lạc lõng, bị chê là lạc mốt được…

Cứ thế, lâu dần thành nghiện. Cả ngày đi học, về nhà chui vào phòng, giữa 4 bức tường lạnh lùng vô cảm, mới thấy các chàng các nàng ca sĩ xứ Hàn lung linh tuyệt vời làm sao, đó chính là hình ảnh công chúa hoàng tử trong mơ của những đứa trẻ đang lớn.

Nếu có điều tra xã hội học, thì e rằng đến 99% lứa tuổi này dù ở thế hệ nào chăng nữa cũng đều mơ đến những nhân vật thần tiên của những câu chuyện cổ tích. Chỉ có điều, giấc mơ của một bộ phận giới trẻ bây giờ không phải trong chuyện cổ tích mà ở cái thế giới gọi là K-pop ấy…

Hãy ra khỏi đó, bạn sẽ có khoảng cách an toàn

Nếu ngày nào bạn cũng “gặp” thần tượng qua thế giới ảo và mặc định họ là người đem lại cho bạn cảm giác hưng phấn tột cùng giữa những hoang mang, hỗn loạn của cái tuổi dậy thì có khó gì đâu khi hình dung ra bạn vật vã gào thét đến ngất xỉu khi được tận mắt nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt…

Và khi tất cả nỗi buồn, nỗi cô đơn mà lẽ ra cha mẹ người thân phải là người bên cạnh bạn, chia sẻ với bạn chứ không phải các chàng bạch mã hoàng tử ở phương trời nảo phương trời nao xoa dịu, thì cũng chả có gì khó tin khi bạn chọn thần tượng chứ không chọn mẹ cha…

Ở một khía cạnh nào đó, tôi tin, nếu muốn một bộ phận giới trẻ cai nghiện thần tượng, thì cần rất nhiều sự chung tay của gia đình, nhà trường và cộng đồng đưa giới trẻ ấy thoát dần khỏi thế giới ảo…

Xây dựng môi trường sống lành mạnh, giao lưu và dạy kỹ năng sống. Người lớn cũng cần sống chậm lại để lắng nghe con trẻ, thông cảm và sẻ chia… Khi bạn sống cuộc sống thực, được trang bị những kỹ năng cần thiết cho hành trang vào đời, bạn sẽ không dễ dàng nhầm lẫn đến mức ngớ ngẩn khi mạnh miệng tuyên bố “Tôi sẵn sàng chết vì thần tượng của tôi”, bởi khi ấy thế giới ảo và thế giới thật, thực sự đã có khoảng cách an toàn…

Bạn vẫn có thể coi chàng nàng ca sĩ XYZ nào đó là thần tượng của mình và yêu mến họ, nhưng chắc chắn, tin tôi đi, bạn sẽ không đủ…dũng khí để bày tỏ tình yêu bằng những cách điên rồ như thế nữa đâu…

Những cơn sóng hâm mộ ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc mới đây khiến chúng ta có đôi chút hốt hoảng khi chứng kiến những hình ảnh fan khóc thét, ngất xỉu, đổ máu, cấp cứu… trong một số buổi biểu diễn.

Không chủ quan, không bảo thủ khi nói rằng, có một bộ phận người trẻ đang lệch lạc thần tượng và tạo ra những hiệu ứng không tốt. Qua diễn đàn này mong bạn đọc cùng chia sẻ, trao đổi và cùng hướng tới xây dựng một “văn hóa thần tượng” lành mạnh.

Hãy chia sẻ câu chuyện, quan điểm, ý kiến, sáng kiến… của bạn với Diễn đàn qua thư điện tử: Thegioitre@tienphong.vn hoặc Ban Thanh niên, báo Tiền Phong - 15 Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Quỳnh Hương
77 Lý Chính Thắng, Q3, TPHCM

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG